Trưng bày các tác phẩm chưa từng công bố của họa sĩ Phan Cẩm Thượng

Mảng tranh trừu tượng của Phan Cẩm Thượng là những tác phẩm mà họa sĩ đã dành nhiều năm nghiên cứu, sáng tác, chưa từng ra mắt công chúng.

Triển lãm Nghệ thuật thì dài, thời gian thì chóng qua do The Muse tổ chức sẽ diễn ra từ 23-31/3 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Triển lãm được giám tuyển bởi nhà nghiên cứu nghệ thuật Vân Vi với hơn 100 tác phẩm của 6 họa sĩ bao gồm: Phan Cẩm Thượng, Nguyễn Văn Trinh, Triệu Khắc Tiến, Vũ Văn Tịch, Nguyễn Quang Trung và Nguyễn Đình Sơn.

“Giữa những hối hả, vội vã của cuộc sống hàng ngày cứ thế kéo ta đi, nghệ thuật nói chung bao gồm cả hội họa là chốn dừng chân, là điểm nghỉ - nơi mọi người có những giây phút chậm lại, thưởng thức và trải nghiệm từng chuyển biến trong cảm nhận của bản thân. Triển lãm có cấu trúc chia thành 6 khu vực riêng biệt. Người xem sẽ được chứng kiến nghệ thuật của mỗi họa sĩ qua từng không gian khác nhau”, nhà nghiên cứu Vân Vi chia sẻ.

Tác phẩm "Cầu đào" (Phan Cẩm Thượng).

Triển lãm sẽ trưng bày bộ tranh lụa mang chủ đề văn hóa cổ Việt Nam, đặc biệt là mảng tranh trừu tượng của họa sĩ Phan Cẩm Thượng. Đây là những bức tranh họa sĩ dành nhiều năm nghiên cứu, sáng tác và chưa từng ra mắt.

Tác phẩm "Vùng sống" (Nguyễn Văn Trinh).

Vùng sống - bộ tranh của họa sĩ Nguyễn Văn Trinh - từng được đánh giá có sức sáng tạo ở cả hai khía cạnh là chủ đề và chất liệu cũng được trưng bày tại triển lãm. Nguyễn Văn Trinh sáng tác một Vùng sống đa chiều lơ lửng với nhiều sinh thể kỳ lạ phía bên trong trên chất liệu lụa kết hợp với giấy giang, cho những hiệu ứng tầng tầng lớp lớp khi xem.

Tác phẩm "Hạnh phúc" (Triệu Khắc Tiến).

Triệu Khắc Tiến và Vũ Văn Tịch là hai họa sĩ chuyên về sáng tác sơn mài. Triệu Khắc Tiến hiện là tiến sĩ về thực hành sơn mài duy nhất tại Việt Nam. Ông cùng học trò nghiên cứu chuẩn hóa các kỹ thuật sơn mài cho Đại học Mỹ thuật Việt Nam giúp mở rộng biên độ của chất liệu và đảm bảo độ bền của tranh khi sáng tác trên chất liệu này.

Tác phẩm "Ban mai vàng" (Vũ Văn Tịch).

Tranh của Triệu Khắc Tiến có xu hướng công phu, tỉ mỉ và đạt đến những hiệu quả về độ tinh mà hiếm họa sĩ nào có được. Trong khi đó, họa sĩ Vũ Văn Tịch lại sáng tác nhằm lưu giữ những xúc cảm và khát khao của tuổi trẻ.

Tác phẩm "Khai thị" (Nguyễn Quang Trung).

Nguyễn Quang Trung chuyên sáng tác theo phong cách trừu tượng. Ông cho rằng những gì mình đang làm không phải là phát hiện ra phong cách mới mà đi vào chiều sâu của phong cách trừu tượng, song hành với sự phát triển của đương đại. Tranh của Nguyễn Quang Trung mang kỹ thuật đặc biệt - “kỹ thuật nhốt sáng” - cho phép lưu lại những khoảnh khắc vừa hiển hiện lại vừa thoái lui, qua đó nhìn thấy sự vận động không ngừng của nét và màu.

Tranh tĩnh vật của Nguyễn Đình Sơn.

Họa sĩ Nguyễn Đình Sơn với những bức tranh mang phong cách biểu hiện, khai thác các chủ đề như cuộc sống ven biển, hay thay đổi của vùng ven đô thị. Tranh của Nguyễn Đình Sơn chú tâm vào rung động và những góc nhìn cận cảnh, cho người xem thấy khi lắng nghe và quan sát mọi thứ thật kỹ thông qua xúc cảm, mỗi khía cạnh nhỏ đều mở ra một thế giới muôn màu.

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/trung-bay-cac-tac-pham-chua-tung-cong-bo-cua-hoa-si-phan-cam-thuong-2261646.html