'Trùm cuối' Trường Nguyệt Tẫn Minh là Minh Dạ, ra đi vạn năm nhưng đâu cũng thấy dấu chân

Từ đầu đến cuối, người chiến thắng thực sự trong 'Trường Nguyệt Tẫn Minh' chính là Chiến thần Minh Dạ (La Vân Hi). Tan biến từ vạn năm trước nhưng Minh Dạ để lại không ít bảo vật cho hậu thế, cũng là người chỉ dẫn cho ma thai Đàm Đài Tẫn 'quay xe', cứu chúng sinh.

Bát Nhã Phù Sinh lật mở khởi đầu của mọi chuyện

Mộng cảnh dưới đáy sông Mặc - Bát Nhã Phù Sinh (Bàn Nhược Phù Sinh) là do Minh Dạ. Nó được tạo ra không chỉ vì nỗi ân hận, luyến tiếc với mối tình dang dở cùng Tang Tửu như lời đồn trong thiên hạ, mà là bước đi nhìn trước vạn năm của Minh Dạ nhằm cảm hóa ma thai Đàm Đài Tẫn (người được chọn trở thành Ma thần kế nhiệm).

Lê Tô Tô (Bạch Lộc) và Đàm Đài Tẫn (La Vân Hi) cùng bước vào Bát Nhã Phù Sinh, trải qua một kiếp sống của Tang Tửu - Minh Dạ, hiểu rõ biến cố vạn năm trước cũng như cách thức ngăn Ma thần diệt thế.

Mộng cảnh do Minh Dạ tạo ra giúp Lê Tô Tô hữu duyên gặp được mẹ ruột của mình, cũng giúp nghĩ ra cách lấy tiên tủy đột tà cốt cho Đàm Đài Tẫn tương tự như Minh Dạ đổi thần tủy lấy ma cốt của Tang Tửu năm xưa. Quan trọng nhất, mộng Bát Nhã còn giúp đánh thức cây tơ tình của Đàm Đài Tẫn. "Tiểu Ma thần" được trải qua một kiếp làm Chiến thần, hiểu được ái tình, thống khổ, biết hi sinh vì chúng sinh.

Núi Bất Chiếu cho Tiêu Dao tông

Tại nơi con dấu Tẩy Tủy (vũ khí của Ma thần) rơi xuống, Minh Dạ đã bứt vảy Hộ Tâm trên người, tạo mưa để thanh lọc ma khí. Nơi này Mặt Trời, Mặt Trăng không chiếu vào thung lũng, được Chiến thần đặt tên là núi Bất Chiếu.

Từ nơi ngập ma khí trở thành chốn hội tụ linh khí, cũng là Tiêu Dao tông sau vạn năm. Trưởng môn Tiêu Dao tông cũng là người cứu sống Đàm Đài Tẫn, thu nhận ma thai trở thành đệ tử tiên môn - Thương Cửu Mân.

Chén tinh thể băng hồi sinh Tiêu Lẫm

Chén tinh thể băng vốn được tạo ra bằng thần lực của Minh Dạ để giúp Tang Tửu hồi sinh tộc trai. Dù bị nàng làm vỡ nhưng nó vẫn được Hành Dương tông lưu giữ lại. Bàng Nghi Chi đã mượn chén tinh thể băng này để chứa thân xác, tụ nguyên thần hồi sinh Tiêu Lẫm. "Sơn trà điện hạ" cũng được tái tinh, trở thành Công Dã Tịch Vô.

Minh Dạ tạo ra chén tinh thể băng nhưng bị Tang Tửu phũ phàng từ chối.

Tiêu Lẫm tái sinh trở thành Công Dã Tịch Vô - đại sư huynh của Lê Tô Tô.

Vảy Hộ Tâm 2 lần cứu Đàm Đài Tẫn

Vảy Hộ Tâm mang thần thức của Minh Dạ đã 2 lần bảo toàn tính mạng cho Đàm Đài Tẫn. Lần đầu tiên là chắn 3 cây điêu tiêu hồn cho Đàm Đài Tẫn trong đêm đại hôn. Lần thứ hai là ngăn "tiểu Ma thần" tự sát tại Ma vực.

Vảy Hộ Tâm đã chắn 3 cây đinh tiêu hồn cuối cùng từ Lê Tô Tô, bảo toàn tính mạng cho Đàm Đài Tẫn.

Ở tập 38, khoảnh khắc Đàm Đài Tẫn định tự sát nhằm ngăn Ma thần tái thế, thần thức của Minh Dạ trong Vảy Hộ Tâm xuất hiện để ngăn cản. Cũng trong phân cảnh này, Chiến thần đã một lần kể hết với Đàm Đài Tẫn về kế hoạch cảm hóa ma thai của mình.

Bóng dáng của Minh Dạ cũng xuất hiện khi Đàm Đàm Tẫn luyện hóa vảy Hộ Tâm, như một cách an ủi và giúp Tẫn hoàng hiểu chính mình.

Không uổng công sắp xếp của Chiến thần, dù đã ra đi từ vạn năm trước nhưng thì hiện tại đâu đâu cũng thấy "dấu chân giao long" của Minh Dạ. Chiến thần xứng đáng là "trùm cuối" củaTrường Nguyệt Tẫn Minh, nhận lấy chiến thắng giòn giã nhất vì ma thai Đàm Đài Tẫn quả thực đã được cảm hóa. Đàm Đài Tẫn chọn cách trở thành Ma thần để đồng quy vô tận cùng Đồng Bi đạo, mang bình an cho tam giới.

Minh Dạ là người từ đầu đến cuối luôn muốn Đàm Đài Tẫn được sống. Bởi Chiến thần Minh Dạ yêu và bảo vệ chúng sinh, ma thai Đàm Đài Tẫn sinh ra không có tội, cũng là chúng sinh mà Chiến thần muốn bảo vệ.

Sam

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/trum-cuoi-truong-nguyet-tan-minh-la-minh-da-ra-di-van-nam-nhung-dau-cung-thay-dau-chan-post1532346.tpo