Trực thăng Ka-29 Nga bắn nổ xuồng tự sát mang tên lửa của Ukraine

Trực thăng Ka-29 của hải quân Nga truy đuổi, dùng súng máy bắn nổ xuồng tự sát lắp tên lửa phòng không của Ukraine trên Biển Đen.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 6/5 tuyên bố Hạm đội Biển Đen hạ 5 phương tiện mặt nước không người lái (USV) của Ukraine tại vùng biển phía tây bắc bán đảo Crimea.

Video do cơ quan này công bố cho thấy trực thăng Ka-29 bám đuổi và xả đạn nhằm vào xuồng tự sát Ukraine, gây ra vụ nổ lớn trên biển.

Một video khác quay từ buồng lái trực thăng Ka-29, được kênh Telegram Voyna Istoriya Oruzhiye của Nga công bố cùng ngày, cho thấy chiếc USV gắn hai giá phóng tên lửa không đối không R-73 hoặc R-60 được cải hoán.

Trước khi bị bắn hạ, chiếc USV chỉ còn một quả đạn trên giá, tên lửa còn lại dường như đã phóng về phía trực thăng Nga.

Theo kênh Voyna Istoriya Oruzhiye, vụ nổ lớn khi xuồng tự sát Ukraine bị phá hủy là do đạn bắn từ trực thăng Ka-29 trúng tên lửa phòng không mà phương tiện mang theo.

"Trận giao chiến diễn ra vào ban ngày, cho thấy chiếc xuồng tự sát nói trên có thể là mồi nhử thu hút sự chú ý của trực thăng Nga", biên tập viên Thomas Newdick của TWZ nhận định.

Một nguồn tin cho biết xuồng tự sát mang tên lửa phòng không "gây ra rủi ro cho trực thăng Nga, vốn là biện pháp đối phó hiệu quả nhất đối với USV Ukraine".

Xung đột tại Đông Âu vẫn tiếp tục căng thẳng nên lực lượng trực thăng của hạm đội Biển Đen đều đặn tuần tra vùng biển cận kề Crimea hàng ngày.

Các phi công trực thăng Nga cảnh giác cao độ, theo dõi kỹ nhằm phát hiện xuồng cao tốc, nhất là xuồng tự sát không người lái (USV) của đối phương có thể xuất hiện tại đây.

Thời gian qua, Ukraine đã tăng cường đánh phá vùng Crimea bằng các USV và biệt kích sử dụng mô tô nước.

Để tránh bị các USV gây nên các thiệt hại, Nga đã tăng cường các khí tài trong đó có trực thăng hải quân nhằm phá hủy các phương tiện này.

Trước tình hình mới, các tổ lái trực thăng của Nga thường xuyên trực chiến.

Một phi công trực thăng hải quân Nga cho biết: "Bay trên biển luôn là thử thách khó. Việc phát hiện mục tiêu và hạ chúng không đơn giản, tuy nhiên hệ thống vũ khí hiện đại trên máy bay giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ".

Nga cũng huy động thêm trực thăng Ka-29 làm nhiệm vụ bên cạnh Ka-52K.

Trực thăng hạm Ka-29 được Liên Xô phát triển vào những năm 1970, đến nay chúng đã được hải quân Nga hiện đại hóa sâu, sau khi gọi tái ngũ.

Nhằm chống lại tàu ngầm và tàu mặt nước của đối phương cũng như tiến hành các hoạt động cứu hộ trên biển, Liên Xô đã quyết định chế tạo trực thăng hạm Ka-29 dựa trên cơ sở trực thăng Ka-27.

Ban đầu phương tiện này được đặt tên là Ka-27TB, do kiến trúc sư trưởng Sergei Fomin phụ trách vào năm 1973. Nguyên mẫu đầu tiên đã bay lên bầu trời vào mùa hè năm 1976.

Vào tháng 5/1979, trực thăng Ka-29 được đưa vào sản xuất loạt và chính thức trang bị vào năm 1980.

Liên Xô quyết định trang bị trực thăng đa năng này cho các tàu đổ bộ cỡ lớn thuộc Đề án 1174, ngoài ra, chúng trở thành một phần của các nhóm tuần dương hạm mang máy bay chiến đấu của quân đội Liên Xô.

Trực thăng hạm Ka-29 là được chế tạo theo thiết kế 2 cánh quạt đồng trục nhằm tăng sức cơ động.

Thân máy bay hoàn toàn bằng kim loại, thuộc loại nửa liền khối, với kích thước hình học nhỏ gọn.

Để tiện cho việc triển khai trên hạm, Ka-29 được trang bị hệ thống cánh quạt gấp.

Đồng thời bộ hạ cánh của Ka-52K được thiết kế đặc biệt để cất cánh và hạ cánh trên boong.

Ka-29 được trang bị 2 động cơ tuốc bin TV3-117KM, đạt công suất 1.700 mã lực giúp trực thăng có thể cơ động với vận tốc 280km/h. Phạm vi hoạt động 180km, trần bay thực tế đạt 5.000m.

Về đặc điểm kỹ thuật, Ka-29 có chiều dài 11,6m, chiều cao 5,4m, trọng lượng cất cánh tối đa là 11.500kg.

Phi hành đoàn điều khiển trực thăng gồm có 2 người: phi công và người điều khiển vũ khí. Ka-29 có thể vận chuyển hàng hóa lên đến 4 tấn.

Trực thăng Ka-29 được trang bị hệ thống chữa cháy tự động và các bình chữa cháy cầm tay để dập tắt các đám cháy trong buồng lái.

Buồng lái Ka-29 có giáp bảo vệ theo tiêu chuẩn của trực thăng tấn công trước loại đạn 7,62mm. Ngoài ra, hệ thống điện tử PKV-252 trang bị trên Ka-52 cho phép điều khiển trực thăng bay tự động và bán tự động.

Tổ hợp dẫn đường NKV-252 gồm la bàn vô tuyến, hệ thống định vị đèn hiệu vô tuyến, máy đo tốc độ Doppler và máy đo độ cao vô tuyến.

Sau khi Liên Xô tan rã, Nga đã dần rút những chiếc trực thăng này ra khỏi biên chế, tuy nhiên, những năm gần đây Nga đã quyết định tái biên sau khi đã nâng cấp chúng.

Về trang bị vũ khí, trực thăng Ka-29 cho phép mang tối đa 8 tên lửa chống tăng có điều khiển 9M114 (NATO định danh là AT-6 Spiral) đạt tầm bắn 400-5.000m và các ống phóng rocket cỡ 57mm.

Ngay cạnh cabin có thể lắp thêm cụm pháo tốc độ cao 30mm 2A42 với 250 viên đạn có khả năng xuyên thủng giáp tăng hạng nhẹ, xe thiết giáp, diệt bộ binh địch.

Ngoài ra, Ka-29 cũng có thể lắp thêm súng máy GShG-7.62 4 nòng cỡ 7,62mm với 1.800 viên đạn.

Dù đã có Ka-52K cực hiện đại, nhưng trực thăng Ka-29 vẫn tìm được chỗ đứng nhất định của mình trong lực lượng Không quân Hải quân Nga.

Ka-29 thường được Nga triển khai cho hoạt động của lính đặc nhiệm trong tác chiến trên biển.

Ngoài hải quân Nga, trực thăng Ka-29 hiện cũng còn trong biên chế lực lượng vũ trang Ukraine với số lượng tương đối nhỏ.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/truc-thang-ka-29-nga-ban-no-xuong-tu-sat-mang-ten-lua-cua-ukraine-post575548.antd