Trục lợi lãi suất tiền gửi

Thực tế đang diễn ra: Có doanh nghiệp vay vốn lãi suất ưu đãi 6% sau đó gửi tiết kiệm trên 7% để trục lợi lãi suất. Một phần dòng tiền đã không được đưa vào sản xuất…

Thực tế đang diễn ra: Có doanh nghiệp vay vốn lãi suất ưu đãi 6% sau đó gửi tiết kiệm trên 7% để trục lợi lãi suất. Một phần dòng tiền đã được không đưa vào sản xuất…

Giai đoạn này các doanh nghiệp phải trả nợ ngân hàng nên tìm cách đảo nợ, trục lợi từ các chính sách lãi suất giảm. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu dẫn cụ thể hơn, một doanh nghiệp vay ngân hàng A lãi suất 11%, sau đó đến ngân hàng B đàm phán được lãi suất vay 9%, doanh nghiệp có thể vay ngân hàng B để trả lại cho A.

Song ở hướng nguy hiểm hơn, doanh nghiệp đến ngân hàng B để vay tiền sản xuất kinh doanh với lãi suất ưu đãi 6%. Thế nhưng số tiền này lại không đưa vào sản xuất mà lại đem trả nợ ngân hàng A. Rõ ràng, số tiền mà ngân hàng B đưa ra đã khôngđược đưa vào sản xuất. Trong khi đó, tín dụng của ngân hàng B vẫn tăng trưởng theo mặt số học.

Thời gian gần đây, các ngân hàng liên tiếp tung ra các gói lãi suất giá rẻ với lãi suất ưu đãi 6%, thậm chí một số khách hàng là doanh nghiệp còn được lựa chọn mức lãi suất thích hợp trong 3 tháng đầu. Khi ngân hàng có tiền gửi tiết kiệm vãng lai nhiều, giá vốn huy động có thể chỉ khoảng 4%/năm, thì cho vay với lãi suất 6%/năm là đã có lời. Do đó, chỉ cần khách hàng tốt, ngân hàng có thể giải ngân nhanh. Trong khi đó, bản thân các ngân hàng không thể kiểm soát chặt được 100% dòng tiền đi đâu, làm gì. Đây cũng chính là căn nguyên của nợ xấu.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Ngân hàng VPBank cho hay, trước sức ép tăng tín dụng và hạ lãi suất hiện nay, nhiều ngân hàng đã đưa lãi suất cho vay về mức 6%/năm. Nhưng điều đáng lo là, có doanh nghiệp đã lợi dụng lãi suất cho vay thấp để đi vay lãi suất 6%, sau đó gửi tiết kiệm với lãi suất trên 7%/năm để ăn chênh lệch, chứ không đưa tiền vào sản xuất - kinh doanh. Một số doanh nghiệp sử dụng vốn vay lãi suất thấp kinh doanh hoặc đem gửi ngân hàng khác hưởng lãi suất cao hơn, thu lợi nhuận lớn. Điều này khiến cho ngân hàng thì thua lỗ nhưng DN có lãi.

Lãi suất tiền gửi chênh lệch giữa các ngân hàng

tạo ra một "thị trường” mới

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, việc doanh nghiệp lợi dụng lãi suất cho vay rẻ, vay ngân hàng sau đó gửi tiết kiệm để ăn chênh lệch là một thực tế. Tình trạng này đã từng diễn ra năm 2009 - 2010, khi Chính phủ đưa ra gói hỗ trợ lãi suất 4%, nhiều doanh nghiệp được vay vốn giá rẻ đã không đưa vào sản xuất - kinh doanh, mà cho vay lại hoặc gửi tiết kiệm để hưởng lãi suất cao.

Trước đó nữa, vào năm 2007, cũng có thực tế vay vốn bằng USD rẻ hơn vay vốn bằng VNĐ. Lãi suất cho vay VND của các ngân hàng thương mại trung và dài hạn khoảng 11,8 – 16,2%/năm; lãi suất cho vay USD trung và dài hạn ở khoảng 6,0 – 7,8%/năm. Nhiều doanh nghiệp cần vốn đã rốt ráo đi vay nợ ngân hàng bằng USD xong chuyển ra tiền đồng.

Vẫn theo ông Bùi Kiến Thành, "để đảm bảo vốn rẻ thực sự chảy vào sản xuất, không chảy vào đầu cơ hoặc chảy lòng vòng trong hệ thống ngân hàng, thì phải quản lý được dòng tiền. Đáng lẽ, vốn giải ngân đến đâu, ngân hàng phải biết đến đó, thì hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay giống như hệ thống cầm đồ: cho vay dựa vào tài sản thế chấp, chứ không theo dự án. Đáng lẽ, doanh nghiệp phải xuất trình hóa đơn, hợp đồng, thì ngân hàng mới rót vốn, nhưng thực tế, ngân hàng chỉ nắm tài sản thế chấp, rồi doanh nghiệp vay làm gì thì không cần biết. Cho nên, dẫu vốn có rẻ thì tiền có chảy vào sản xuất hay không, cũng chẳng ai biết”.

PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi, Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực VietinBank cho rằng, các giải pháp từ phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về hạn chế tăng trưởng tín dụng, điều chỉnh lãi suất, tỷ giá, sử dụng các biện pháp hành chính để quản lý, kiểm soát lãi suất tại các ngân hàng thương mại kinh doanh ngoại tệ, vàng trên thị trường tự do… được đánh giá là tạo được sự đồng thuận. Nhưng để thị trường tài chính vào đúng guồng thì việc thiết lập kỷ cương trong kinh doanh ngân hàng phải được coi là biện pháp cơ bản. Tức là phát hiện trường hợp nào vi phạm lách trần, trục lợi lãi suất thì xử lý thật nghiêm.

Hồ Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=75184&menu=1372&style=1