Trong suốt hồn thơ

Có thể tranh cãi bao lâu tùy ý về việc tại sao một nền văn học không phải lớn nhất thế giới như Thụy Điển lại gây dựng được nhiều tác giả được nhận giải Nobel đến thế, nhưng có lẽ những cuộc tranh cãi như thế không liên quan gì tới Tomas Transtromer.

Viện Hàn lâm Hoàng gia Thụy Điển có lẽ cũng khó có thể trao cho ai khác được ngoài thi sĩ đồng hương này vì đã quá nhiều năm ông nằm trong tốp đầu được dự đoán là có nhiều khả năng nhận giải Nobel Văn học nhất và lẽ ra ông đã phải được nhận từ mấy năm trước. Và nếu năm nay vòng nguyệt quế Nobel lại bỏ qua Transtromer thì không chắc ông đã sống được tới mùa thu năm sau...

Thỏa nỗi đợi chờ

Trong thông báo của Viện Hàn lâm Hoàng gia Thụy Điển khẳng định, Tomas Transtromer xứng đáng được tôn vinh bởi “thông qua những hình ảnh súc tích, trong suốt, ông mang tới cho chúng ta cách tiếp cận tươi mới với hiện thực”.

Thư ký Thường trực Viện Hàn lâm Peter Englund nhận xét: “Tomas Transtromer bắt đầu đến với thi ca từ năm 1951. Gia tài của ông không quá đồ sộ. Nhưng ông đặt ra những câu hỏi lớn. Ông viết về cái chết, về lịch sử, ký ức và tự nhiên”…

Trong cuộc họp báo được tổ chức ngay tại nhà riêng sau khi hay tin giải Nobel Văn học năm nay được trao cho mình, thi sĩ Tomas Transtromer đã thông qua vợ mình, bà Monicka Bladh, nói rằng, ông “rất mừng cho thi ca”.

Sau cú tai biến mạch máu não nặng xảy ra đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Transtromer bị liệt nửa người bên phải và cho tới bây giờ vẫn rất khó khăn khi trò chuyện, dẫu ông đã học lại được cách viết và chơi piano bằng tay trái. Bà Monica diễn giải ý chồng: “Điều này tất nhiên thật tuyệt vời, nhưng anh Tomas hài lòng hơn cả vì thi ca được tôn vinh. Việc giải thưởng được trao về anh là một phần thưởng bất ngờ rất vui mừng và lớn lao, nhưng việc thi ca được tôn vinh thì thật là tuyệt vời”.

Bà Monica cũng nói thêm rằng, các nhà thơ khác cũng rất xứng đáng nhận giải thưởng: “Cũng như những người khác, chúng tôi cũng chịu tác động của các bản dự đoán. Chúng tôi nghĩ rằng Adonis là một ứng cử viên xứng đáng. Nhưng cũng còn có một số ứng cử viên khác nữa”. Bà Monica đã nêu tên nhà thơ Hàn Quốc Ko Un. Vợ thi sĩ cũng cho biết thêm là chồng bà hiện đang viết một số tác phẩm nhỏ...

Thi sĩ người Syria Adonis, người được đặt cược cao nhất về giải Nobel Văn học năm nay, khi hay tin Transtromer được hưởng vinh dự này, đã gửi tin nhắn chúc mừng tới điện thoại di động của bạn đồng nghiệp Thụy Điển.

Mới đây, Adonis đã phải phẫu thuật tại một bệnh viện ở Bayruth ( Lebanon ). Adonis viết rằng từ lâu ông đã chờ đợi một quyết định như thế của Viện Hàn lâm Thụy Điển và theo ông, Transtromer, một trong những thi sĩ lớn nhất thế giới, xứng đáng với giải thưởng này…

Transtromer cùng với nhà bác học Emmanuel Swedenborg, kịch tác gia August Strindberg và đạo diễn điện ảnh Ingmar Bergman, không chỉ được người Thụy Điển mà cả cộng đồng văn hóa thế giới đương đại đánh giá là một trong những người kiến tạo nên gương mặt của cách cảm nhận Thụy Điển trong tổng thể toàn cầu và quốc tế nói chung. Tức là ông đã vượt được ra ngoài khuôn khổ dân tộc nhỏ hẹp.

Lấp lánh đời thường

Nhà thơ Transtromer sinh ngày 15/4/1931. Ông từng tốt nghiệp Khoa Tâm lý học và sau đó, đã có thời gian làm việc với những tội phạm vị thành niên, rồi với những người tàn phế do bị tai nạn lao động. Gần như cả cuộc đời ông đã sống ở thành phố Vasteros, trung tâm công nghiệp của Thụy Điển. Hiện nay, nhà thơ ở cùng vợ tại Stockholm .

Transtromer còn là một nghệ sĩ chơi piano chuyên nghiệp. Những năm gần đây, sau khi ông bị tai biến mạch máu não và liệt nửa người bên phải nên chỉ chơi piano được bằng tay trái, một số nhà soạn nhạc nổi tiếng ở phương Tây đã sáng tác riêng cho ông những tác phẩm đặc biệt có thể biểu diễn piano bằng tay trái.

Tác phẩm thơ đầu tay của Transtromer gồm 17 bài thơ được xuất bản năm 1954. Và ngay sau khi cuốn sách này ra đời, thi sĩ trẻ đã được đánh giá như niềm hy vọng chính yếu của nền thơ Thụy Điển. Tới những năm 60-70 của thế kỷ trước, ông đã trở thành tên tuổi hàng đầu của thi ca cả vùng Scadinavia. Cho tới nay, Transtromer đã là tác giả của 12 tập thơ và văn xuôi.

Mới thoáng đọc thơ của Transtromer, dễ có cảm giác hình như không có gì mấy ở trong đó: những câu thơ không vần ngắn mô tả những cảnh vật xung quanh nhà thơ. Đó có thể là trại giáo dục trẻ vị thành niên hư, hoặc có thể là ngôi nhà của ông, hay về thiên nhiên...

Của đáng tội, từ “thiên nhiên” dường như cũng không mấy thích hợp ở đây. Transtromer dường như đã chụp lại từng khoảnh khắc rồi sau đó mới kỹ lưỡng sắp đặt chúng. Rồi ông đưa độc giả đi sâu vào câu chuyện của mình với những chi tiết tâm linh rất bất ngờ. Đời thường qua thơ ông trở nên lấp lánh và sâu sắc.

Thơ Transtromer được đánh giá là rất cân đối với những ẩn dụ dày đặc tới bất thường, luôn như “muốn” phá vỡ sự cân đối đó. Sự cân đối này đạt được nhờ hình thức vần điệu rõ ràng mang tính cổ điển và những hệ thống truyền thống “ảo” của câu thơ (thơ tứ tuyệt, thơ hai câu...).

Chính sự cân bằng này, giữa phép ẩn dụ gần như bất tận sâu xa và muôn thuở náo động của câu thơ với sự kiểm soát tuyệt đối hình thức của nó, luôn cố gắng vươn tới sự chuẩn xác và xúc tích, đã tạo ra cảm giác, nhìn từ một góc độ, căng thẳng thường xuyên, thậm chí mâu thuẫn, nhưng nhìn góc độ khác, lại như cho thấy đã đạt được một sự bình an, tịnh độ, cõi lặng im mà ở đó “điều kỳ diệu” đi tới (“điều kỳ diệu”, đó chính là những gì cần phải có, chứ không phải “có thể xảy ra” – đấy là một trong những luận điểm rất quan trọng, thậm chí là một chuẩn mực triết học trong thơ của Transtromer).

Transtromer còn nổi tiếng như một tác giả có nhiều thể nghiệm trong thể thơ truyền thống Haicu của Nhật Bản. Tác phẩm Điều bí ẩn vĩ đại, xuất bản năm 2004, trừ 5 bài thơ ra còn lại toàn những khúc Haicu mang đậm nét đặc trưng của Transtromer. Transtromer từng được nhận hầu hết các giải thưởng lớn về thi ca ở vùng Scadinavia.

Năm 1983, ông đã được trao giải thưởng thơ danh giá nhất của nhà xuất bản Bonniers (Albert Bonniers Forlag). Năm 1981, ông đã được nhận giải thưởng thi ca danh giá của châu Âu Petrarca (giải thưởng này dành cho các nhà thơ và dịch giả, được nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa người Đức Hubert Burda lập nên và được trao từ năm 1975 tới năm 1995).

Không có gì tuyệt đối

Transtromer là người Thụy Điển thứ tám được nhận giải Nobel Văn học. Đây cũng là giải Nobel thứ 82 dành cho các tác giả văn học ở châu Âu. Trước đó, đã có 4 lần giải Nobel Văn học được trao cho các tác giả ở châu Mỹ Latinh; 11 lần cho Bắc Mỹ; 5 lần cho châu Á; 4 lần cho châu Phi và một lần cho Australia. Trong số những nhà văn được giải Nobel có 11 phụ nữ; 94 người còn lại là nam giới. 24 tác giả được giải Nobel Văn học viết bằng tiếng Anh; 13 – viết bằng tiếng Pháp; 11 – tiếng Đức; 6 – tiếng Thụy Điển và 5 – tiếng Nga...

Trước Transtromer, nhà thơ cuối cùng được nhận giải Nobel Văn học là nữ thi sĩ Ba Lan Wislawa Szymborska, năm 1996.

Tác giả cao tuổi nhất khi được nhận giải Nobel là nữ văn sĩ người Anh chuyên viết sách khoa học viễn tưởng Doris Lessing. Năm 2007, khi được trao giải Nobel, bà Lessing đã 88 tuổi. Bà Lessing hiện cũng là tác giả Nobel Văn học cao niên nhất còn sống. Tác giả trẻ tuổi nhất được trao giải Nobel Văn học cũng là một người Anh, thi sĩ Rudyard Kipling. Năm 1907, khi trở thành nhà văn Anh đầu tiên được nhận giải Nobel, Kipling đang ở tuổi 42.

Người thọ nhất trong đội ngũ các tác giả nhận giải Nobel Văn học là triết gia, nhà toán học, nhà logic học người Anh Bertrand Russel, một nhân vật vào hàng kiệt xuất của thế kỷ XX với những quan điểm “không giống ai cả”. Russel nhận giải Nobel Văn học năm 1950 nhờ “những tác phẩm đầy ý nghĩa mà trong đó ông đã đề cao tư tưởng nhân đạo và tự do về tư tưởng”. Ông qua đời năm 1970, thọ 98 tuổi.

Nhà văn đoản mệnh nhất trong số các tác giả nhận giải Nobel là Albert Camus, người từng viết nên những Dịch hạch, Người dưng... Camus được nhận giải Nobel năm 1957. Ông qua đời trong một tai nạn giao thông ngày 4/1/1960 ở tuổi 47.

Có quyền đề cử các tác giả vào giải Nobel Văn học là các thành viên Viện Hàn lâm Thụy Điển và những tổ chức tương tự ở các quốc gia khác, các giáo sư văn học và ngôn ngữ học, các nhà văn đã từng được giải Nobel Văn học trước đây và các vị chủ tịch các hội nhà văn ở các nước...

Mỗi năm, các viện sĩ Thụy Điển gửi khoảng 600-700 giấy mời tới các đồng nghiệp của mình ở các quốc gia khác để họ đề cử những tác giả mà họ cho là xứng đáng với giải Nobel. Các phiếu đề cử đó cần được gửi tới Stockholm trước ngày 31/1 hàng năm để Viện Hàn lâm Thụy Điển kịp có thời gian xem xét trong mùa xuân. Trong danh sách thường là có tới 350 tên họ để chọn lựa ra một danh sách rút gọn có khoảng 20 tác giả.

Tiếp theo, danh sách này được rút gọn xuống còn 5 tác giả. Trong mùa hè, các viện sĩ phải tìm hiểu thêm về tác phẩm của các nhà văn trong vòng chung kết này để thảo luận về họ trong mùa thu. Người nhận giải thưởng sẽ được xác định thông qua bỏ phiếu tại phiên họp của các viện sĩ diễn ra khoảng một tiếng rưỡi trước lúc công bố chính thức.

Giải Nobel Văn học thường rất khó đoán được trước. Đặc biệt trong những năm gần đây, giải này thường được trao cho những tác giả không thuộc diện được biết tới rộng rãi. Thí dụ như năm 2009, vinh dự này đã được dành cho nữ văn sĩ Đức Herta Muller, hay năm 2008, cho nhà văn Pháp Jean Le Clezio, những tác giả chỉ được đánh giá cao bởi số ít những người hâm mộ họ. Ngay đối với Transtromer cũng thế. Dẫu ông là người quen mặt trong giới văn chương chuyên nghiệp.

Nhưng cuộc khảo sát mới nhất trên chính trang web của Viện Hàn lâm Thụy Điển lại cho kết quả khá bất ngờ. Cùng lúc công bố giải thưởng chiều 6/10 (giờ Hà Nội), website này tiến hành thăm dò ý kiến độc giả với câu hỏi: “Bạn đã đọc bài thơ nào của Tomas Transtromer chưa?”. Và trong vòng 80 phút sau đó đã có đến 87% ý kiến trả lời, họ chưa hề đọc tác phẩm của tân chủ nhân Nobel Văn học 2011.

Cũng phải nói rằng, do Ủy ban trao giải Nobel tồn tại trong truyền thống văn hóa lịch sử phương Tây nên không có gì lạ nếu các tác giả được nhận giải thưởng này chủ yếu là các nhà văn châu Âu và Mỹ. Số lượng các nhà văn châu Á với truyền thống văn hóa thâm hậu hàng nghìn năm của mình cũng như các nhà văn châu Phi rất ít khi được hiện diện trong danh sách Nobel Văn học.

Chính vì thế nên nhiều nhà nghiên cứu văn học đã cho rằng, việc đôi khi giải Nobel Văn học được trao cho một số tác giả châu Á và châu Phi còn ít được biết tới ở phương Tây chỉ là một cử chỉ nhằm tuyên truyền cho tính toàn cầu của giải thưởng này

Nguồn CAND: http://antgct.cand.com.vn/vi-vn/nhanvat/2011/11/55544.cand