Trong sâu thẳm ký ức tháng tư

47 năm đã trôi qua. Với thế hệ những người đã qua chiến tranh như tôi, tháng tư là khoảng thời gian của những hồi ức, gắn với bao kỷ niệm vui buồn...

Cầu Hiền Lương, cây cầu lịch sử, nơi đất nước chia cắt 21 năm cũng là nơi thể hiện rõ khát vọng thống nhất non sông. Ảnh tư liệu

Cầu Hiền Lương, cây cầu lịch sử, nơi đất nước chia cắt 21 năm cũng là nơi thể hiện rõ khát vọng thống nhất non sông. Ảnh tư liệu

“Lịch sử có những lúc đi với tốc độ một ngày bằng hai mươi năm”. Tôi nhớ đến câu nói đó khi hành quân cùng các chiến sĩ trong mùa xuân 1975. Từ mặt trận Huế, Đà Nẵng, chúng tôi đã đi cùng cánh quân phía đông trong Chiến dịch Hồ Chí Minh suốt chiều dài đất nước, có mặt ở Dinh Độc Lập ngày 30.4.

Tôi không bao giờ quên đêm đi bộ gần 30 km từ cầu Mỹ Chánh vào Huế. Khi rút chạy, quân Sài Gòn đã phá hủy cây cầu này nên xe ô tô không thể nào qua được. Đấy là một quyết định khá mạo hiểm vì chỉ có mấy nhà báo không vũ khí đi qua vùng quân Sài Gòn vừa rút, không có giao liên dẫn đường, không ai biết phía trước sẽ ra sao. Chúng tôi kịp có mặt ở Huế đúng ngày giải phóng. Hình ảnh cố đô đỏ cờ bay còn mãi trong ký ức. Tôi cũng không thể nào quên ngày vào Đà Nẵng. Từ Huế, tôi và các nhà báo Lâm Hồng Long, Ngọc Đản, Hoàng Thiểm đèo nhau bằng xe máy, vượt đèo Hải Vân vào thành phố. Chúng tôi đã chứng kiến cảnh người dân ở đây vui mừng đón những đoàn quân giải phóng. Những bài viết “Huế đỏ cờ bay” , “Đà Nẵng ngày đầu giải phóng”... là những kỷ niệm đặc biệt trong cuộc đời làm phóng viên chiến trường của tôi.

Như là một giấc mơ khi suốt tháng tư, chúng tôi qua một loạt các thành phố như Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang, Phan Rang, dừng chân ở Xuân Lộc trước khi đợt công kích cuối cùng bắt đầu. Trong trận đánh ở căn cứ Nước Trong, tổ phóng viên mũi nhọn của Thông tấn xã Việt Nam đã ở cùng Bộ Tư lệnh tiền phương của Quân đoàn2 ngay sát trận địa. Chúng tôi đã chứng kiến cảnh Tư lệnh Quân đoàn Nguyễn Hữu An, Phó Tư lệnh Hoàng Đan chỉ đạo các mũi tiến quân hợp đồng binh chủng ở cửa ngõ phía đông Sài Gòn. Chúng tôi cũng có mặt khi Bộ Tư lệnh Sư đoàn 304 - Sư trưởng Đỗ Ân, Chính ủy Trần Bình trao cờ và giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 66, trong đội hình mũi đột kích thọc sâu cùng với Lữ đoàn thiết giáp 203 tiến thẳng vào trung tâm Sài Gòn.

Chúng tôi đã chứng kiến những trận đánh cuối cùng của xe tăng và bộ binh chúng ta trên cầu Rạch Chiếc; cảnh người dân Sài Gòn đổ ra đông đặc trên đường Hồng Thập Tự đón đoàn quân giải phóng với nụ cười, lời ca và những lá cờ nửa đỏ nửa xanh trên tay. Tôi có may mắn khi ghi lại hình ảnh chiếc xe tăng 846 của trưởng xe Nguyễn Quang Hòa, lái xe Trần Bình Yên, các pháo thủ Nguyễn Ngọc Quý, Nguyễn Bá Tứ, có các chiến sĩ bộ binh Sư đoàn 304 cùng tiến vào Dinh Độc Lập. Hình ảnh xe tăng tiến qua cửa dinh, nắng trưa chan hòa rực rỡ, lá cờ trên tháp pháo tung bay trong bức ảnh này là một biểu tượng của chiến thắng, đánh dấu sự lớn mạnh vượt bậc của quân đội chúng ta vào thời điểm kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Trên những nẻo đường làm phóng viên chiến trường của cơ quan thông tấn quốc gia, từ mùa hè đỏ lửa ở Quảng Trị 1972, in đậm trong tôi hình ảnh những người chiến sĩ và người dân với những kỷ niệm không thể nào quên về họ. Tôi đã có dịp trò chuyện với các chiến sĩ bên đầu cầu Hiền Lương, nơi pháo biển của tàu chiến Mỹ bắn suốt ngày đêm. Nghe tâm sự của các anh ở nơi đất nước đau nỗi đau chia cắt, “Từng câu hò mảnh pháo cũng cắt ngang...”. Trong mùa hè ấy, tôi đã theo chân các binh đoàn chủ lực giải phóng Gio Linh, Cam Lộ, Đông Hà trong chiến dịch tổng tiến công. Đi cùng Trung đoàn Triệu Hải qua các trận đánh cam go từ hướng đông qua Triệu Phong, Hải Lăng và có mặt ở thị xã Quảng Trị ngày đầu giải phóng. Tôi nhớ mãi hình ảnh Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Vững cùng các chiến sĩ K7, bộ đội địa phương tỉnh Quảng Trị vào những thời khắc gay go nhất. Tôi không quên cuộc nói chuyện cuối cùng với nữ liệt sĩ Thu Hồng, đội viên đội du kích xã Gio Mỹ, Gio Linh, người đã ngã xuống trong ngày đầu chiến dịch; không quên sự quan tâm của o Khuya, người phụ nữ đã ở hầm, bám trụ cơ sở và những người du kích Triệu Hòa, Triệu Trạch của huyện Triệu Phong dành cho tôi trong những ngày chống phản kích...

"Đất nước của những đạo quân bước song song cùng lịch sử/ Xuyên suốt thời gian, xuyên suốt không gian...". Không mấy ai trong thế hệ chúng tôi chưa một lần nghe những câu thơ lay động ấy của nhà thơ Nam Hà trên những nẻo đường tuổi trẻ, khi “Cả nước lên đường, xao xuyến bờ tre từng hồi trống giục...” .

Một tháng tư nữa lại về. Trong mỗi chúng ta, những suy tư về đất nước, con người có nhiều tầng nấc và mang nhiều sắc thái. Tầm vóc của chiến thắng rất vĩ đại khi non sông sau bao nhiêu năm thu về một mối. Người Việt Nam đã trả giá vô cùng lớn lao cho sự nghiệp thống nhất, bảo vệ nền độc lập của đất nước. Hàng triệu chiến sĩ đã hy sinh trên chiến trường. Trên ban thờ liệt sĩ trong các gia đình hằng ngày khói hương vẫn đỏ, cuộc chiến tranh chưa bao giờ đi qua trong những căn nhà ấy. Hàng triệu người thương vong trong chiến tranh từ cả hai phía là một nỗi đau chung. Trong quá trình đổi mới và phát triển những năm qua, tinh thần hòa hợp, đoàn kết, thống nhất của người Việt đã được nâng lên một tầm cao mới. Dù vậy, những mặc cảm, định kiến vẫn còn đâu đó với một bộ phận tuy nhỏ trong cộng đồng người Việt, cả ở trong nước và nước ngoài. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt sinh thời từng chia sẻ, những sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có triệu người vui nhưng cũng có triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì làm tiếp tục chảy máu... Những chia sẻ ấy của một nhà lãnh đạo từng vào sinh ra tử trong chiến tranh, vì sự nghiệp thống nhất đất nước, vợ và con của ông đều hy sinh trong chiến tranh, gợi nhiều suy nghĩ.

Trong tình hình mới, còn rất nhiều việc phải làm để tiếp tục xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, tập hợp nguồn lực của mọi người dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, gìn giữ và phát huy những thành quả mà để có được, hàng triệu người đã ngã xuống.

Trong bài thơ Trở lại Hiền Lương, viết trong một lần thăm nơi đất nước chia cắt 21 năm, mảnh đất đã chịu rất nhiều hy sinh mất mát trong chiến tranh, tôi cũng đã chia sẻ :

"Những nẻo đường tôi qua trên mặt đất này
Nửa thế kỷ bao nhiêu là bờ bến
Trở lại đây cuối đời như hò hẹn
Gặp lại sông mà để gặp lại mình

Đất nước mình bao nhiêu dòng sông
Nhưng duy nhất chỉ Hiền Lương là một
Mong những chia cắt một thời mãi liền da thịt
Trong lòng sông và cả lòng người".

TRẦN MAI HƯỞNG
Nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/goc-nhin/trong-sau-tham-ky-uc-thang-tu-202234