'Trong mỗi người đều có một phần máu thịt ở Trường Sa'

Khi hơn 200 thành viên Đoàn công tác trên tàu 561 đồng thanh 'Cả nước vì Trường Sa', và ở nơi đảo nhỏ tiền tiêu cũng vọng vang trở lại 'Trường Sa vì Tổ quốc', tôi bất giác đặt tay lên ngực trái, một cảm xúc đến gai người, giống như một luồng điện nhỏ lan tỏa trong từng mạch máu. Cảm xúc ấy chỉ có thể là tình yêu Tổ quốc, bởi 'trong mỗi người đều có một phần máu thịt ở Trường Sa'.

“Trong mỗi người đều có một phần máu thịt ở Trường Sa”.

Không xa đâu, Trường Sa ơi!

Con tàu mang số hiệu 561 kéo lên những hồi còi dài đưa Đoàn công tác rời Cảng Quốc tế Cam Ranh đi thăm, tặng quà cán bộ, chiến sỹ và Nhân dân các đảo thuộc Quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Trên bến cảng, giữa bỏng cháy tháng 5, những cánh tay rám nắng của cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn 955, Vùng 4 Hải quân vẫy chào tạm biệt, chúc chuyến hải lộ bình an, sóng yên, biển lặng.

Đất liền dần khuất xa trong tầm mắt, chỉ còn sóng gió và biển trời bao la. Biển Việt Nam đẹp quá, những con sóng bạc hiền hòa vỗ vào mạn tàu rồi lại vỡ ra tan vào xanh thẳm, như triệu triệu người con đất Việt hòa vào hai tiếng Việt Nam.

Không ai trong đoàn công tác muốn bỏ lỡ bất kỳ một phút giây nào, bởi hầu như mọi giác quan trong mỗi người đều đang được đánh thức. Tình yêu Tổ quốc vốn là thứ vô hình nằm sâu trong tâm khảm, nhưng ở nơi đây, trong chuyến đi này tựa hồ như ta cầm nắm được, như một báu vật hữu hình quý giá, thiêng liêng.

Khi những người thân yêu nhất của tôi qua đời, tôi đều không có mặt do đang làm nhiệm vụ trên biển, đảo. Tổ quốc phải đặt lên trên hết, trước hết; bảo vệ biển, đảo là thiêng liêng, không thể để xảy ra bị động, bất ngờ.

Vẫn là những con thuyền đánh cá của ngư dân mà trong cuộc đời ta đã trăm ngàn lần bắt gặp, nhưng sao lần này, những chấm nhỏ xa xa lại gợi nhiều ấm áp và thân thương da diết thế. Cái nhỏ bé, mong manh đang là hiện thân của kiên cường, vững chãi. Một nghề nghiệp mưu sinh bình thường như bao nghề khác, nhưng vĩ đại, bởi ngư dân chính là những cột mốc chủ quyền trên biển, khẳng định vùng biển của ta, sóng nước và nguồn tài nguyên nơi vùng biển này đều thuộc về ta, không một thế lực nào có thể ngăn cấm, không một cường quyền nào bẻ gãy được ý chí của dân tộc Việt Nam.

Chiều ngày thứ 2 trong chuyến hải trình, điểm đến đầu tiên trong cụm đảo Trường Sa đã hiện dần ra trước mắt. Kia rồi Song Tử Tây, đảo nhỏ thiêng liêng của Tổ quốc mình.

Những ánh mắt háo hức bỗng như lắng lại khi một chiến sỹ hải quân trên tàu chỉ sang phía trái: Các anh nhìn thấy hòn đảo kia không? Song Tử Đông của ta đấy!

Con tàu mang số hiệu 561 kéo lên những hồi còi dài đưa Đoàn công tác số rời Cảng Quốc tế Cam Ranh đi thăm, tặng quà cán bộ, chiến sỹ và Nhân dân các đảo thuộc Quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.

Cặp song sinh của mẹ biển Đông

Thông tin đó chúng tôi đều đã biết, nhưng khi được tận mắt nhìn cả 2 hòn đảo trong cùng một thời khắc, tôi chợt nghĩ về tên gọi - Song Tử cơ mà, chúng như hai đứa con được biển mẹ đồng sinh, không thể tách rời.

Song Tử Tây xanh mướt, như một khu rừng nhỏ giữa đại dương mênh mông. Thanh âm của nhịp sống đất liền, với tiếng chuông chùa, tiếng trẻ bi bô, hòa cùng rì rầm tiếng biển. 48 năm sau ngày giải phóng, hạ tầng kinh tế - xã hội và các thiết chế văn hóa trên đảo đã được Đảng, Nhà nước và quân đội đầu tư. Trên đảo có trường học, bệnh xá, nhà văn hóa, chùa, khu tưởng niệm Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, âu tàu,… mang lại một diện mạo mới, một sức sống mới cho Song Tử Tây.

Những mái ấm gia đình nơi đảo xa giúp ta cảm nhận đủ đầy hơn về hạnh phúc. Vườn rau nhỏ xinh, hơi ấm từ căn bếp, đứa trẻ rám nắng hóng cha trở về từ biển trong ráng chiều buông… Hạnh phúc giản dị nhưng vô bờ, mênh mông như biển cả.

“Nhận quà từ Đoàn công tác, chúng tôi xúc động vô cùng. Đó không chỉ là món quà, mà là tình cảm của đất liền gửi đến người dân Trường Sa, để chúng tôi cảm thấy đất liền rất gần nơi đây.” - Chị Lương Thị Hằng - người dân đảo Song Tử Tây bày tỏ.

Sóng dưới thân tầu, vẫn sóng nước quê hương!

Đất nước hòa bình, chiến tranh đã lùi xa, nhưng ở nơi biển, đảo tiền tiêu, bạn sẽ cảm nhận thấy một “đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên”; vẫn còn đó những người con ưu tú của đất nước vĩnh viễn nằm lại giữa sóng nước bao la.

Lễ dâng hương, dâng hoa tưởng niệm cho các anh được Đoàn công tác tổ chức ngay trên boong tàu trong một chiều mưa gió. Tôi đã khóc, và rất nhiều người đã khóc. Sự hy sinh nào cho đất nước mình cũng vô cùng cao quý, nhưng ở nơi sóng nước này, chúng tôi chỉ biết cầu mong cho linh hồn các anh được an nghỉ.

Hoa tươi, và những cánh chim giấy màu trắng - biểu tượng cho hòa bình được dòng người lặng lẽ đội mưa thả trôi theo con sóng dập dềnh. Nước mưa hòa cùng nước mắt, cảm xúc trong thời khắc ấy không ai có thể diễn tả bằng lời, nhất là khi đồng chí chính trị viên ôn lại khoảnh khắc 64 cán bộ, chiến sĩ Gạc Ma đã hy sinh anh dũng để bảo vệ chủ quyền biển đảo, như những lời đanh thép mà Anh hùng, liệt sỹ, Thiếu úy Trần Văn Phương - Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma động viên đồng đội trước lúc hy sinh: “Không được lùi bước, phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc”.

Vâng, máu của các anh đã hòa quyện cùng sóng nước, tô thắm thêm màu cờ Tổ quốc, để hôm nay đây lá cờ luôn đỏ thắm và “sóng dưới thân tàu, vẫn sóng nước quê hương”.

Sức sống mãnh liệt nơi cụm đảo Sinh Tồn

Đúng như tên đảo, Sinh Tồn Đông hôm nay đang khẳng định sức sống mãnh liệt giữa gian lao, khắc nghiệt, hiểm nguy. Những cây bàng vuông, phong ba, mù u… vẫn vươn cao xanh mướt, kiên cường như những người lính đảo. Ở nơi tuyến đầu nóng bỏng, chỉ cách bãi Huy Gơ chưa đầy 8 km, hình ảnh những người lính trẻ bình thản đọc sách sau ca gác là hình ảnh đẹp đẽ và vững chãi đến lạ kỳ. “Em đọc sách để hiểu hơn về lịch sử đất nước mình, để thêm yêu biển, đảo, kế tiếp truyền thống cha anh, hoàn thành nhiệm vụ với Tổ quốc.” - Trung sỹ Lương Thanh Nhật - chiến sỹ đảo Sinh Tồn Đông chia sẻ.

Thời tiết xấu, vùng biển Sinh Tồn có mưa và sóng lớn, nhưng có phải vì lòng người trĩu nặng nghĩ về vòng tròn bất tử, nên dẫu đã có thông báo của chỉ huy tàu hạn chế lượng người xuống đảo Len Đao nhưng ai cũng muốn mình được đặt chân lên đó, để từ đây được một lần nhìn thấy Gạc Ma.

Gạc Ma và những hòn đảo khác nơi Quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thân yêu dẫu đang bị cưỡng đoạt và chiếm đóng thì vẫn thuộc về ta, cả tự nhiên, pháp lý và trong tiềm thức của mỗi người đều trường tồn như vậy. Ngàn đời nay, biết bao thế hệ người Việt Nam đã đấu tranh cho công lý và lẽ phải thì chắc chắn ngàn đời sau vẫn thế, đến khi không còn “một tấc biển tách rời, vạn tấc đất đớn đau”.

“Toàn đơn vị luôn vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và Nhân dân, giữ trọn lời thề bảo vệ vững chắc biển, đảo thiêng liêng.” - Thượng úy Cao Văn Tuân - Chính trị viên đảo Len Đao cho biết.

“Thành phố” đảo chìm trên quần đảo Trường Sa

Ngày thứ 4 của chuyến hải trình, tàu 561 đưa đoàn công tác cập đảo Đá Tây A. Cụm đảo Đá Tây gồm 3 đảo, Đá Tây A, Đá Tây B và Đá Tây C, trong đó Đá Tây A được mệnh danh là “Thành phố” của những đảo chìm, nơi cung cấp hậu cần nghề cá lớn nhất trên Quần đảo Trường Sa. Tàu thuyền của ngư dân thường xuyên vào đây tránh trú bão, nhận nước ngọt miễn phí, mua đá, xăng dầu, lương thực, thực phẩm phục vụ các chuyến vươn khơi đánh bắt xa bờ.

Không như khó khăn của các đảo khác, đảo Đá Tây A rộn rã tiếng động cơ tàu thuyền, ấm áp giọng nói, tiếng cười của ngư dân, của cán bộ, chiến sỹ và Nhân dân trên đảo. Vùng biển Đá Tây vốn là ngư trường truyền thống, là nơi trú tránh bão lý tưởng từ ngàn đời nay của người đi biển. Giờ đây, với việc hình thành Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá, Đá Tây càng trở nên náo nhiệt và trở thành điểm tựa vững chắc để ngư dân - “cột mốc sống chủ quyền” trên biển yên tâm thực hiện những chuyến khơi xa. “Điều đáng trân trọng là tất cả các hộ đang sinh sống trên các đảo thuộc Quần đảo Trường Sa đều có nguyện vọng ở lại, gắn bó với đảo, sát cánh cùng cán bộ, chiến sỹ trong công cuộc bảo vệ Trường Sa thân yêu.” - Ông Lê Đình Hải - Chủ tịch huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa cho biết.

Đoàn công tác tỉnh Lào Cai chụp ảnh lưu niệm cùng Chỉ huy Nhà giàn DK1 Phúc Tần.

Quê em ở Trường Sa!

Trong cuộc đời, mỗi người sẽ không thể nào nhớ hết đã có bao nhiêu lần tham dự lễ chào cờ và hát Quốc ca, nhưng chào cờ trên đảo Trường Sa là cảm xúc đặc biệt, là ký ức không bao giờ phai. Khi 10 lời thề quân nhân vang lên ở nơi biển, đảo tiền tiêu, một nguồn năng lượng dường như vô tận cuộn chảy trong mỗi người, nuôi dưỡng niềm tin tuyệt đối về sức mạnh của quân và dân ta trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng.

Đảo Trường Sa, hay nhiều người vẫn quen gọi Trường Sa Lớn, là “trái tim” của quần đảo tiền tiêu. Trên đảo có đầy đủ các công trình phục vụ mục đích quân sự và dân sự, từ đường băng, cảng biển, trạm rada, đến trường học, trạm y tế, nhà chùa, nhà khách, trạm khí tượng - thủy văn và ngọn hải đăng lớn ngày đêm rực sáng… Đóng quân trên đảo cũng không chỉ có những người lính hải quân, mà còn có các chiến sỹ biên phòng cùng nhiều lực lượng phối thuộc, đảm bảo khác. Và điều quan trọng nhất, Trường Sa vững mạnh là ở lòng dân, bởi luôn có triệu triệu trái tim trên khắp mọi vùng miền Tổ quốc và kiều bào ta ở nước ngoài hòa cùng nhịp đập với những trái tim dũng cảm, can trường nơi biển, đảo.

Quê em ở Trường Sa/ Những đảo chìm, đảo nổi/ Quê em có biển trời/ Bốn mùa xanh bao la/ Sinh ra ở Trường Sa/ Em là con của biển… Lời bài hát “Quê em ở Trường Sa” mà những em nhỏ, những công dân nhí của đảo hát tặng các đại biểu trước lúc chia tay như thấm vào máu thịt. Sinh ra ở Trường Sa, các em là con của biển, cũng là những người con đáng yêu nhất của đất nước Việt Nam mình, một đất nước đang mạnh giàu lên từ biển, với không gian sinh tồn là biển, đảo bao la.

Nhà giàn DK1 - “ Pháo đài thép” giữa trùng khơi.

“ Pháo đài thép” giữa trùng khơi

Ngày thứ 5 của hải trình, chúng tôi xuôi về phía Nam của Tổ quốc, tới thăm Nhà giàn DK1/18 - Phúc Tần.

Trời mưa, biển động nên tàu phải neo đậu khá lâu chưa thể cập Nhà giàn vì sóng to, gió lớn. Thời gian chờ đợi sao mà lâu đến thế, thương nhất là các chiến sĩ trên Nhà giàn đang đứng chờ tin từ đất mẹ, mong ngóng suốt từ đêm qua để được gặp gỡ đất liền, nhưng giờ đây tuy chỉ cách nhau vài hải lý mà chưa biết đoàn công tác có vào được nhà giàn hay không?.

Tin vui vỡ òa khi đồng chí Trưởng đoàn quyết định cho hạn chế số người lên nhà giàn, chúng tôi không ai bảo ai, lặng lẽ chuẩn bị đồ xuống xuồng. Sóng lớn, mưa tuôn nhưng chiến sĩ lái xuồng đã bình tĩnh điều khiển con xuồng lướt đi trên đầu sóng dữ, cập nhà giàn an toàn.

DK1 là những nhà giàn ở vòng ngoài cùng của thềm lục địa, tiếp giáp với vùng biển Trường Sa. Mặc dù hiện nay, các nhà giàn thế hệ thứ 3 đã có nhiều cải tiến, rộng rãi và vững chắc hơn, có thể chịu đựng được sóng gió cấp 15, nhưng những người lính làm nhiệm vụ tại DK1 vẫn là những người đang phải vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ nhất. Giữa nhà giàn với bốn bề biển mặn, nhìn các chiến sỹ chắt chiu, tái sử dụng từng giọt nước ngọt mới cảm nhận được câu hát “giữa mênh mông vẫn khát, không uống được anh ơi” thấm thía đến nhường nào!

Ngày mai dẫu có còn “bão dông”, nhưng qua chuyến hải trình này, mỗi chúng tôi đều vững một niềm tin sắt đá, rằng những cán bộ, chiến sỹ đang công tác nơi đảo xa sẽ cùng với quân và dân cả nước tiếp tục vượt qua tất cả để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Hiện thực hóa lời dậy của Người, Đảng và Nhà nước ta đang quan tâm đầu tư hiện đại hóa lực lượng Hải quân để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu xâm lược của kẻ thù; đồng thời phản bác các quan điểm sai trái để bảo vệ chính nghĩa, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Những người con đất Việt nguyện một lòng cùng những người lính thực hiện tốt 10 lời thề quân nhân mà chúng tôi đã vô cùng vinh dự và xúc động được nghe cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên Đảo Trường Sa tuyên thệ trước lá cờ Tổ Quốc và anh linh của Người.

Gần lắm, thân thương lắm Trường Sa ơi, phần lãnh thổ máu thịt thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc!

Đức Huy - Trường Giang

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/trong-moi-nguoi-deu-co-mot-phan-mau-thit-o-truong-sa-651619.html