Trong đội ngũ tiên phong - Kỳ 3: Xuất phát sớm và đổi mới thành công

Sau Đại thắng Mùa Xuân năm 1975, báo Tiền Phong tiếp tục cố gắng tiên phong trong các phong trào bảo vệ, xây dựng đất nước, đặc biệt trong giai đoạn đất nước liên tiếp trải qua các cuộc chiến tranh biên giới, rơi vào thế bị bao vây.

1. Đổi mới mạnh mẽ nội dung và hình thức

Trước tình hình mới, báo Tiền Phong nhanh nhạy đề xuất phát động hoặc tuyên truyền cổ vũ mạnh mẽ cho các phong trào như “Điểm tựa tiền tiêu” hướng đến bộ đội biên giới, hải đảo; “Đoàn kết ba lực lượng” với nội dung đoàn kết thanh niên địa phương, bộ đội và công an; “Ba xung kích làm chủ tập thể”.

Loạt bài “Người vô danh” tạo tiếng vang lớn giai đoạn Đổi Mới.

Đầu những năm 1980, báo Tiền Phong triển khai, bám sát để tuyên truyền và phản ánh phong trào tiêu biểu nhất của thanh niên cả nước là Phong trào “Thanh niên cộng sản”, thông tin về mọi mặt đời sống, xã hội trên các công trình trọng điểm quốc gia như Thủy điện Sông Đà. Một trong những chuyên mục được nhắc đến nhiều nhất là “ Đâu cần thanh niên có”, choán 1/4 số trang mỗi kỳ báo.

Đặc biệt trước thềm ĐH Đảng toàn quốc lần thứ VI, nhân kỷ niệm 55 năm thành lập Đoàn 26/3/1986, báo Tiền Phong đăng bài thơ “Mùa Xuân nhớ Bác” của Phạm Thị Xuân Khải, SV năm thứ 2 khoa Văn, ĐH Tổng hợp Hà Nội, gây tiếng vang lớn, tác động sâu sắc tới độc giả trong và ngoài nước.

Nhóm cán bộ báo Tiền Phong với các tác phẩm dự một cuộc thi tìm hiểu trên báo Tiền Phong.

Bài thơ hàm chứa nhiều nội dung gai góc trong thời kỳ đất nước gặp nhiều vấn đề, trong đó có cả suy thoái về phẩm chất chính trị và đạo đức của một bộ phận cán bộ quan chức, trước khi bước vào giai đoạn Đổi Mới. Nó được ví như “quả bom” công luận, làm phát lộ yêu cầu phải đổi mới. Trong bài có nhiều những câu thẳng thừng, ví dụ như: “Tuổi trẻ chúng tôi vẫn tự hào/ Những trang sử vẻ vang dân tộc/ Chúng tôi được học/ Được thử thách nhiều trong chiến tranh/ Chúng tôi nghĩ: Nguyễn Huệ - Quang Trung/ Lứa tuổi hai mươi lập nên nhiều chiến công hiển hách/ Lẽ nào tuổi trẻ hôm nay thua thiệt/ Có học hành, lại phải sống cầu an/ Phải thu mình, xin hai chữ “bình yên”/ Bởi lẽ đấu tranh - tránh đâu cho được?/ Đồng chí không bằng đồng tiền/ Bằng lòng vẫn hơn bằng cấp/ Có ai thấu chăng/ Và ai phải sửa?”

Bài thơ được tìm đọc đến mức số báo Tiền Phong kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Đoàn ra ngày 25/3/1986 tăng giá ở ngoài từ 4.000 đồng lên 120.000 đồng. Bài thơ này chứng tỏ sự dũng cảm, dấn thân của Ban Biên tập báo Tiền Phong thời điểm đó đứng đầu là Tổng Biên tập Đinh Văn Nam và của cả lãnh đạo T.Ư Đoàn mà Bí thư thứ nhất là đồng chí Vũ Mão. Điều may mắn là Đảng đã chấp nhận bài thơ bởi trong thời điểm đó, những ý tưởng về Đổi Mới cũng đang được tích cực chuẩn bị để 9 tháng sau, tháng 12/1986, Đại hội Đảng lần thứ VI đưa ra đường lối Đổi Mới.

Giai đoạn Đổi Mới, báo Tiền Phong tiên phong tổ chức nhiều sự kiện trong đó có cuộc thi Hoa hậu Việt Nam.

Năm 1986, Tiền Phong còn có các loạt phóng sự điều tra gây tiếng vang như cuộc đấu tranh với Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Hà Trọng Hòa, đưa ra ánh sáng Vụ án hai nghìn ngày oan trái của người tù Nguyễn Sỹ Lý (loạt bài điều ra “Người Vô danh”)…

Song song với đó, báo Tiền Phong cũng rất tích cực nêu những tấm gương điển hình, phát hiện được nhiều gương ưu tú của thanh niên, sau này trở thành ngọn cờ trong các lĩnh vực. Đó là Anh hùng Lao động Vũ Tất Ban (lúc đó là thợ đổ bê tông của ngành xây dựng, sau này trở thành Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam); Anh hùng Cù Thị Hậu (công nhân nhà máy dệt 8 - 3, sau giữ chức Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam...)

Cuối thập niên 80, và trong thập niên 90 thế kỷ XX, rồi tiếp nối sang thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, báo Tiền Phong đa dạng hóa thông tin trên tờ Tiền Phong hàng tuần với ba vấn đề: Đấu tranh cho dân chủ hóa xã hội; Thông tin đa chiều; Chống tiêu cực bảo vệ người dân và các đoàn viên thanh niên.

Báo đã tổ chức nhiều loạt bài, bảo vệ mạnh mẽ những nguyện vọng chính đáng của tuổi trẻ. Có những khi phải rất quyết liệt mạnh mẽ như vụ bênh vực 30 cô gái, 30 cựu Thanh niên xung phong không chồng mà khao khát có con ở Làng Lòi (Nghệ An); vụ minh oan cho những người bị quy vượt biên trái phép ở Quảng Bình. Báo cũng mạnh mẽ liên tục chống tiêu cực, tham gia tích cực vạch trần sự thoái hóa, biến chất của một số quan chức trong vụ án Năm Cam, Vụ án PMU 18, vụ một phó văn phòng Chính phủ để quên cặp đựng phong bì được biếu ở sân bay; sớm đưa ra cảnh báo về con tàu Vinashin có nguy cơ “đắm”...

Báo tổ chức nhiều diễn đàn thanh niên như “Sống hiện đại, yêu hiện đại;” “Nếu tôi là lãnh đạo”, “Tình yêu và sự nghiệp”, thu hút sự tranh luận của hàng vạn độc giả trên cả nước. Cũng đáng chú ý như các diễn đàn trên là trong thập niên 90 của thế kỷ XX, báo Tiền Phong tổ chức rất nhiều cuộc thi viết, thi tìm hiểu, thu hút đông đảo ĐVTN và nhân dân tham dự, một số cuộc đạt đến hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu bài thi như thi tìm hiểu “Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, đất nước đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội”. Có cả những cuộc thi sáng tác thơ văn như “Tác phẩm tuổi xanh” duy trì nhiều năm trời.

Việc ra các ấn phẩm phụ là một trong những hướng đi nhằm thúc đẩy tờ Tiền Phong, cũng là cách làm “lách qua khe cửa hẹp” của cơ chế. Đầu 1989, Ban Biên tập quyết định phải ra số phụ. Đến cuối năm 1989, xuất bản tờ Tiền phong Chủ nhật với khổ bé, nội dung hoàn toàn mới, hấp dẫn bạn đọc. Cuối năm 1994, ra Người đẹp Việt Nam, một chuyên san in 4 màu rất đẹp và thành công ngay từ số đầu tiên. Sang năm 1995, ra tiếp chuyên san Tri thức trẻ, làm nhiệm vụ phổ biến tri thức khoa học và sức khỏe. Cả hai ấn phẩm đều có số lượng phát hành nhiều vạn bản. Sau đó là lần lượt các ấn phẩm Tiền Phong cuối tháng, Tiền phong Cuối tuần ra đời. Đến năm 2005, Tiền Phong điện tử lần đầu tiên ra mắt bạn đọc. Cũng trong thập niên đầu tiên của những năm 2000, báo Tiền Phong đã phát triển thành tờ nhật báo.

2. Sớm tự hạch toán, tự chủ về kinh tế, sớm đổi mới tổ chức và mô hình nhân sự

Năm 1973, Ban Biên tập báo Tiền Phong đề xuất lên Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề án xây dựng chế độ tự hạch toán, thực hiện chính sách tự cân đối không hưởng ngân sách nhà nước và xây dựng định mức cho phóng viên.

Năm 1974, Ban Bí thư T.Ư Đoàn đã có quyết định cho phép báo Tiền Phong tự hạch toán và tính định mức cho phóng viên. Việc thực hiện chủ trương này đã giúp báo Tiền Phong thúc đẩy được phóng viên sản xuất tin bài có chất lượng, chăm lo cho đời sống cán bộ công nhân viên tốt hơn. Như vậy, Tiền Phong có thể là tờ báo đầu tiên (ít nhất thì cũng là một trong số ít những tờ đầu tiên) của báo chí cách mạng chuyển sang tự hạch toán.

Những năm này, báo cũng đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, trẻ hóa nhanh đội ngũ, những cây viết trẻ, những PV, BTV trẻ có khả năng quản lý được tạo cơ hội tham gia Hội đồng biên tập và làm lãnh đạo, đồng thời tuyển chọn hàng loạt phóng viên công tác từ các ngành nghề khác nhau sau trở thành những cây viết hoặc bộ quản lý tạo nên thương hiệu Tiền Phong. Năm 1988, báo Tiền Phong trở thành cơ quan báo chí đầu tiên ở Việt Nam thi tuyển phóng viên công khai. Đây cũng là giai đoạn Tiền Phong biết khai thác tối đa năng lực và đóng góp của cộng tác viên. Cuối những năm 1980 và những năm 1990, Tiền Phong có đội ngũ cộng tác viên lên tới hàng trăm người ở mọi miền đất nước, cung cấp lượng bài vở và thông tin rất đa dạng, độc đáo.

Từ cộng tác viên, báo Tiền Phong tổ chức được nhiều chuyên mục tưởng nhỏ nhưng thiết thực, gần gũi, rất thành công trong bạn đọc trong một thời gian dài như “A lô! Tiền Phong đây”, “Tầm thư”, “Kết bạn”, “Sau lũy tre làng”…

Cuối năm 1998, báo Tiền Phong thành lập công ty cổ phần Tiền Phong với 51% vốn của báo và phần còn lại là đóng góp của cán bộ công nhân viên. Việc này đưa Tiền Phong trở thành tờ báo có lẽ là đầu tiên trong làng báo cách mạng Việt Nam thành lập công ty cổ phần. Đến năm 2004, báo xây xong trụ sở khang trang nhờ vào khoản lợi nhuận hằng năm được phép giữ lại.

Cuối thập niên đầu của những năm 2000, báo đi hết một chu kỳ phát triển rực rỡ, bắt đầu gặp những khó khăn mà giai đoạn 10 năm kế tiếp một thế hệ Tiền Phong mới sẽ giải quyết.

(Còn nữa)

(Biên soạn theo cuốn lịch sử 60 năm báo Tiền Phong và hồi ký “Một thời và mãi mãi” của nhà báo Nguyễn Thanh Dương, người là Thư ký tòa soạn đầu tiên của báo Tiền Phong và là Tổng Biên tập báo một giai đoạn dài)

Lê Xuân Sơn

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/trong-doi-ngu-tien-phong-ky-3-xuat-phat-som-va-doi-moi-thanh-cong-post1586744.tpo