Trông đợi hiệu quả sau chất vấn

Tại kỳ họp này, Quốc hội dành hai ngày rưỡi (từ 15 đến 17-11) cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn với sự hoàn thiện hơn trong quy chế hỏi đáp, tranh luận. Những vấn đề nóng bỏng nhất của đất nước mà các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặt ra đã được các thành viên Chính phủ trả lời. Song, điều mà cử tri và nhân dân cả nước quan tâm, mong đợi hơn cả là hiệu quả thực chất của những hành động sau mỗi kỳ chất vấn.

Hoàn thiện quy chế hỏi - đáp

Chất vấn và trả lời chất vấn được coi là hoạt động giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện quyền lực của cơ quan dân cử và trách nhiệm của các đại biểu với cử tri của mình, đồng thời cũng xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan công quyền. Vì thế, các phiên chất vấn tại mỗi kỳ họp Quốc hội ngày càng thu hút sự quan tâm, theo dõi của cử tri, của cộng đồng và xã hội. Cũng bởi thế mà những quy chế, quy định trong hoạt động này những năm qua đã luôn được điều chỉnh, hoàn thiện.

Khác với các phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII (được đổi mới theo hướng đề nghị tất cả các thành viên Chính phủ phải có mặt, và các đại biểu có thể hỏi bất cứ vấn đề quan tâm nào); rút kinh nghiệm, tại kỳ họp lần này, để tránh tản mạn, ý kiến ĐBQH đã được lựa chọn, tổng hợp thành bốn nhóm vấn đề quan trọng.

Theo đó, Bộ trưởng các Bộ Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, các Phó Thủ tướng và Thủ tướng sẽ lần lượt đăng đàn trả lời những vấn đề đại biểu đặt ra. Được coi như điểm nhấn của các phiên chất vấn lần này là các đại biểu có nhiều hơn ý kiến “chất vấn lại vấn đề chất vấn”, tranh luận và bày tỏ sự hài lòng hay không với nội dung trả lời.

Nhiều cử tri đã chia sẻ sự hài lòng khi những vấn đề nóng bỏng, bức xúc đã được các đại biểu nêu ra. Trong lĩnh vực công thương, các ý kiến quan tâm đến nguyên nhân, trách nhiệm thực hiện và biện pháp xử lý đối với các dự án lớn bị thua lỗ, kém hiệu quả, gây lãng phí; rồi việc kiểm soát chặt chẽ bán hàng đa cấp, chống hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng,… để tránh thiệt hại cho người dân.

Các đại biểu cũng đã nêu vấn đề quản lý xử lý về ô nhiễm môi trường, các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, khai thác tài nguyên khoáng sản,… đang trở thành mối lo chung của cả nước. Nhiều đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về hiệu quả của các chương trình nhằm đổi mới giáo dục – đào tạo, những đổi mới trong công tác thi và học… Lĩnh vực nội vụ, các ĐBQH đặt nhiều câu hỏi về việc tinh giản bộ máy biên chế gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; đổi mới công tác quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ,…

Bên cạnh những ý kiến ngắn gọn, chất vấn thẳng vào vấn đề trọng tâm, đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành nhận rõ trách nhiệm của mình, vẫn còn nhiều đại biểu diễn giải dài dòng khiến chủ tọa phải nhắc nhở, một số câu hỏi chưa có tính khái quát cao, một số đại biểu đưa ra câu hỏi không cụ thể, chưa đúng tầm. Nhiều câu hỏi cùng một vấn đề, nhưng cách chất vấn chưa được khai thác ở nhiều khía cạnh, buộc bộ trưởng phải trả lời sâu vào từng ý.

Với quy chế chất vấn mới, tuy đã có nhiều đại biểu tích cực tranh luận, lật đi lật lại để làm sáng tỏ vấn đề ngay trên nghị trường, song một số ý kiến chưa thật sự nổi bật, ít ý kiến “truy” đến cùng những đơn vị, cá nhân có trách nhiệm.

Cần nhiều những “chất vấn” ngoài nghị trường

Trong bối cảnh khoa học - công nghệ phát triển, bùng nổ thông tin như hiện nay, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn không chỉ khu biệt trong hội trường Quốc hội mà ngay lập tức nhận được phản hồi của đông đảo cử tri và nhân dân cả nước thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Có lẽ bởi thế, các bộ trưởng, trưởng ngành cũng sẽ phải chịu nhiều hơn áp lực từ dư luận.

Mục tiêu cuối cùng và quan trọng nhất của hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn là khiến những mong muốn, bức xúc của cử tri được làm rõ địa chỉ trách nhiệm, nguyên nhân và hướng xử lý. Thế nhưng, tại các phiên chất vấn ở kỳ họp này, vẫn còn không ít những câu hỏi chung chung, kiểu như: “Chúng ta phải có biện pháp gì”, “Bộ trưởng giải thích thế nào về điều này”,… hoặc “Tôi thấy báo chí nêu…”. Tương tự, trong phần trả lời chất vấn của mình, một số bộ trưởng, trưởng ngành tuy đã “nhận trách nhiệm” song chưa nêu rõ giải pháp, hướng khắc phục.

Tất nhiên, với thời gian hạn hẹp trên nghị trường, rất khó làm rõ ngọn ngành được mọi vấn đề “quốc kế dân sinh”; nhưng chí ít, những nội dung đưa ra phải được tập trung, câu hỏi và trả lời phải thật sự xác đáng. Muốn thế, bằng trí tuệ và trách nhiệm, cũng như các điều kiện khác nhằm hỗ trợ thực thi nhiệm vụ giám sát, cử tri luôn mong mỗi ĐBQH khi chất vấn phải có chứng lý thuyết phục (không chỉ dựa vào dư luận hoặc báo chí) để buộc người trả lời không thể vòng vo.

Hơn thế, cử tri luôn mong mỏi, hoạt động chất vấn phải luôn được thực hiện và duy trì “độ nóng” cả ở ngoài nghị trường, lan tỏa đến từng đoàn ĐBQH, đến mỗi cơ quan, đơn vị và những người có trách nhiệm. Bao giờ cũng thế, đất nước và nhân dân luôn mong đợi hiệu quả thật sự của những hành động sau các phiên chất vấn, sau mỗi lời hứa và những cam kết.

Một trong những vấn đề khiến cử tri còn băn khoăn là nhiều nội dung được đưa ra chất vấn tại kỳ họp này thuộc trách nhiệm liên ngành và kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ Quốc hội. Vì thế, cử tri yêu cầu khi đăng đàn, mỗi bộ trưởng, trưởng ngành cần phát huy tính kế thừa, nhất là kế thừa trách nhiệm giải quyết những vấn đề còn tồn đọng, không thể cứ nói “Tôi mới nhận nhiệm vụ” là xong…

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/thoi-su-chinh-tri/item/31308602-trong-doi-hieu-qua-sau-chat-van.html