Trồng chè thắng lớn nhờ liên kết, áp dụng công nghệ

Cuộc 'cách mạng' trong quy trình sản xuất từ nhỏ lẻ, thô sơ sang hiện đại, ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật, gắn với canh tác hữu cơ đang giúp những người trồng chè ở Thái Nguyên thắng lớn.

Cách đây tròn 8 năm, sau thời gian dài thử nghiệm và cho thấy hiệu quả tích cực, anh Đinh Quốc Văn, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất chè VietGAP, xã Vô Tranh, huyện Phú Lương, quyết định đầu tư hơn 30 triệu đồng làm hệ thống nhà lưới hiện đại, diện tích trên 700 m2, để trồng chè vụ Đông.

Bắt nhịp công nghệ cao

Việc sản xuất trong nhà lưới, theo anh Văn, giúp kiểm soát tốt chất lượng đất, nước, không khí, đồng thời dễ dàng áp dụng các loại máy móc phục vụ quá trình chăm sóc như tưới tự động, bón phân hữu cơ..., từ đó nâng cao năng suất, chất lượng chè nguyên liệu.

“Nhà lưới giúp giữ nhiệt nên cây chè có thể cho thêm thêm được 2 lứa vụ đông. Đây chính là vụ có ít chè thành phẩm nên giá bán tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với chính vụ. Mặt khác, việc che phủ như vậy còn giúp hạn chế một số loại sâu bệnh, công chăm sóc và tưới nước cũng ít hơn”, anh Văn nói.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất giúp người trồng chè ở Thái Nguyên nâng cao giá trị canh tác.

Được biết, ngoài làm nhà kính cho vườn chè, anh Văn cùng các thành viên Tổ hợp tác còn áp dụng phương pháp bảo quản chè khá mới, đó là giữ trong tủ lạnh. Phương thức này giúp giữ được hương vị và màu sắc của chè như vừa thu hái với thời gian đến cả năm.

Theo người trồng chè ở Vô Tranh, đây chính là bài toán mà nhiều người làm chè cá thể đã loay hoay nhiều năm nhưng chưa tìm được lời giải. Bởi, chè chính vụ có sản lượng lớn nhưng giá bán rẻ, muốn giữ lại dạng thô bán vào dịp Tết Nguyên đán thì hương vị và chất lượng lại giảm nhiều.

Không chỉ là hiện tượng cục bộ, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất chè đang ngày càng được nhân rộng trên địa bàn huyện Phú Lương nói riêng và toàn tỉnh Thái Nguyên nói chung. Đáng chú ý, trong quá trình này, vai trò của các HTX, tổ hợp tác được thể hiện khá rõ nét.

Điển hình, HTX chè Tân Hương (xã Phúc Xuân, T.P Thái Nguyên) là một trong những đơn vị tiên phong trong ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất chè, cho kết quả vượt trội.

Để sản phẩm vừa đảm bảo chất lượng và an toàn, HTX đã tiến hành nâng cấp nhà xưởng, mua sắm máy móc thiết bị phục vụ cho việc chế biến chè bằng công nghệ hiện đại kết hợp với phương pháp truyền thống của nghệ nhân. Ngoài ra, HTX còn trang bị các loại máy chuyên dụng như máy sấy ủ hương chè, máy hút chân không, máy đóng gói băng chuyền tiên tiến…

Đẩy mạnh sản xuất hữu cơ

Tương tự, sau hơn thập kỷ đẩy mạnh áp dụng phương thức sản xuất hữu cơ gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật mới trên diện tích hơn 5 ha chè, giá trị các sản phẩm chè của HTX chè Thủy Thuật (xóm Phúc Thành, xã Phúc Trìu, TP. Thái Nguyên) đã tăng hơn nhiều so với trước đây.

Bà Phạm Thị Thủy, Giám đốc HTX chè Thủy Thuật, chia sẻ trung bình mỗi tháng, HTX xuất bán trên 1 tấn chè búp khô. Mặc dù sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ có năng suất bằng hoặc thấp hơn so với phương pháp khác, nhưng đổi lại chất lượng được nâng lên, giá trị sản phẩm cũng cao hơn khoảng 20%.

Đơn cử, 1kg chè tôm nõn sản xuất thông thường bán được 500 nghìn đồng, trong khi ứng dụng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, thành viên HTX bán được với giá trên 600 nghìn đồng.

Các công nghệ như tưới tự động giúp nông dân giảm công lao động, tăng năng suất cây trồng.

Trong khi đó, tại HTX nông nghiệp hữu cơ Thành Đạt, xã Phú Đô, huyện Phú Lương, đang định hướng chuyển đổi hơn 5ha chè đã được cấp chứng nhận VietGAP sang sản xuất theo hướng hữu cơ, đồng thời ứng dụng các công nghệ mới nhất trong chăm sóc và chế biến chè.

“Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với Chi hội Nông nghiệp hữu cơ Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên tiến hành khảo sát thực tế, nếu đạt yêu cầu thì HTX sẽ áp dụng sản xuất hoàn toàn theo tiêu chuẩn hữu cơ", bà Trần Thị Bình, Giám đốc HTX Thành Đạt cho hay.

Có thể thấy, bên cạnh tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào quá trình sản xuất, người trồng chè ở Thái Nguyên còn đang đẩy mạnh áp dụng phương thức sản xuất hữu cơ, từ đó gia tăng đáng kể chất lượng, năng suất sản phẩm, đảm bảo sức cạnh tranh trên thị trường.

Tiếp sức để "đi đường dài"

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên, chè là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh, với tổng diện tích hiện đạt khoảng 22,2 nghìn ha (lớn nhất cả nước). Cây chè đang mang lại nguồn thu nhập thường xuyên cho khoảng 50% số hộ dân trên địa bàn tỉnh.

Nhằm nâng cao chất lượng, giá trị cây trồng, cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, ngành nông nghiệp tỉnh đã lựa chọn cây chè để triển khai các mô hình sản xuất hữu cơ gắn với công nghệ cao.

Ông Hà Trọng Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết ngoài việc được hỗ trợ về phân bón, chế phẩm hữu cơ, chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, người dân tham gia mô hình còn được hướng dẫn quy trình ủ phân hữu cơ, có cán bộ kỹ thuật hỗ trợ trực tiếp...

Qua đánh giá cho thấy, sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn hữu cơ gắn với khoa học kỹ thuật mới đang giúp hệ sinh thái nương chè thay đổi rõ rệt, môi trường và cuộc sống dần cân bằng; cây chè khỏe, sinh trưởng tốt, năng suất ổn định; đồng thời góp phần nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm chè.

Thời gian tới, tỉnh dự kiến đẩy mạnh quy hoạch vùng sản xuất tập trung, xây dựng kế hoạch phát triển chè hàng năm và giai đoạn theo lộ trình kế hoạch phát triển cây chè và các sản phẩm trà; tiếp tục thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trong đó chú trọng chế biến các dòng sản phẩm từ trà để nâng cao giá trị sản phẩm.

Đặc biệt, tỉnh sẽ thúc đẩy thành lập các HTX, tổ hợp tác nhằm rà soát sắp xếp cơ sở chế biến thực hiện phân vùng nguyên liệu, thúc đẩy xúc tiến thương mại, quảng bá tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh công tác khuyến nông, chỉ đạo, hướng dẫn phát triển, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ chè giữa doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân và nông dân; mô hình sản xuất chè an toàn, đẩy mạnh liên kết sản xuất.

Cùng với đó, tỉnh cũng sẽ thực hiện chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới (như giống, biện pháp canh tác, phân bón, công nghệ tưới…) nhằm nâng cao năng suất, chất lượng chè nguyên liệu; tăng cường ứng dụng cơ giới hóa, đầu tư mở rộng diện tích được cấp giấy chứng nhận VietGAP, hữu cơ...

Lệ Chi

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//khoa-hoc-cong-nghe/trong-che-thang-lon-nho-lien-ket-ap-dung-cong-nghe-1098307.html