Trong 10 năm, số nhà giàu Trung Quốc tăng chóng mặt

Theo khảo sát mới công bố hôm qua (19/6), số lượng các cá nhân có tài sản lớn (HNWIs) ở Trung Quốc đã tăng gần 9 lần trong vòng một thập kỷ trở lại đây, cho thấy sự tăng trưởng mạnh của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tạo ra một lớp tỷ phú mới.

Reuters trích báo cáo tài sản cá nhân của Ngân hàng Thương mại Trung Quốc kết hợp với công ty tư vấn Bain của Hoa Kỳ cho biết, các tài sản đầu tư của Trung Quốc đã đạt mức 1,6 triệu USD năm 2016, tăng 9 lần so với 180.000 USD năm 2006. Tổng giá trị của thị trường tư nhân cũng tăng lên mức 165 nghìn tỉ nhân dân tệ trong năm 2016, tăng 21% mỗi năm từ 2014 đến 2016.

Theo báo cáo, số cá nhân giàu có với mức tài sản đầu tư trị giá ít nhất 100 triệu nhân dân tệ (14,6 triệu USD) đã đạt mức khoảng 120.000 người, tăng rất nhiều so với con số 10.000 người năm 2006. Số lượng HNWIs có tham gia đầu tư ở nước ngoài đã tăng 56% trong năm 2017, dẫu vậy số tài sản đầu tư nước ngoài vẫn giữ mức ổn định kể từ năm 2013.

Một "tiểu thư" con đại gia ở Trung Quốc khoe xe sang trong khi đi du học tại Mỹ. Nguồn: New York Times

Năm địa điểm mà người giàu Trung Quốc chọn để đầu tư ngoài nước gồm có Hong Kong, Mỹ, Australia và Canada mặc dù sự phổ biến của Hong Kong đã giảm 18% và thị trường Mỹ cũng giảm 3% trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến 2017.

Những người tham gia khảo sát cho biết ba lý do hàng đầu mà họ chọn đầu tư ở nước ngoài là các rủi ro đầu tư đa dạng hơn, có thể nắm bắt các cơ hội thị trường của việc đầu tư nước ngoài và lý do thứ ba là thuận lợi cho việc di cư.

63% người giàu Trung Quốc dựa chủ yếu vào các nhà cung cấp dịch vụ tài chính để quản lý các tài sản trong nước; và trong số 65% đó, khoảng một nửa sử dụng các dịch vụ riêng tư do các ngân hàng thương mại cung cấp.

Giới giàu có của Trung Quốc tập trung chủ yếu ở các thành phố và khu vực ven biển, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại khoảng 22 tỉnh thành Trung Quốc đã có tới 20.000 người thuộc diện HNWIs. Hầu hết người tham gia khảo sát cho biết các ưu tiên hàng đầu của họ là “gìn giữ tài sản” và “thừa kế tài sản”, đối lập với khảo sát năm 2009 khi gần một nửa số người giàu trả lời rằng “việc tạo ra tài sản” hay “chất lượng cuộc sống” mới là mục tiêu chính của họ.

Tuệ Minh (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/trong-10-nam-so-nha-giau-trung-quoc-tang-chong-mat-post230188.info