Trọn vị tết với kiệu ngâm chua

Không phải cao lương mỹ vị nhưng các món ăn quen thuộc như dưa cải chua, dưa kiệu, dưa món,... không bao giờ thiếu trên bàn ăn ngày tết, góp thêm sự tròn đầy hương vị. Vì vậy, cuối năm, nghề làm dưa chua từ các loại rau, củ cũng tất bật theo, giúp những phụ nữ khéo tay có thêm 'đồng ra, đồng vào'.

Món dưa kiệu có nhiều công thức làm khác nhau, tùy theo khẩu vị, sở thích mỗi người muốn ăn nhanh hay ngâm nhiều ngày cho đủ độ chua, ngọt. Riêng chị Hoàng Thị Mỹ Hương (ấp Cầu Tre, xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An, tỉnh Long An) làm theo cách được mẹ chồng truyền dạy và từ kinh nghiệm của bản thân. Chị chỉ ngâm kiệu với đường, giấm. Muốn kiệu ngon, vừa ăn thì phải làm trước tết tầm 20 ngày. Năm nào chị Mỹ Hương cũng làm nhiều dưa kiệu để ăn và khi có đám tiệc, dịp tết, bạn bè đặt, chị làm số lượng nhiều.

Mỗi năm, vào dịp tết, chị Hoàng Thị Mỹ Hương thường làm dưa cải, dưa kiệu vừa làm quà biếu, vừa bán cho khách gần, xa

Mùa này, nhu cầu làm dưa kiệu của người dân rất nhiều nên giá củ kiệu tăng theo. Củ kiệu tươi sau khi bỏ lá, rễ, được ngâm muối, rửa sạch, ngâm giấm,... Kiệu tiếp tục được trộn đường theo tỷ lệ phù hợp và cho vào keo, để hơn 10 ngày là có thể ăn. Đường tự nhiên sẽ ngấm vào kiệu, tạo vị chua, ngọt, có độ giòn, màu vàng nhạt chứ không tẩy trắng. Chị Mỹ Hương nói: “Có nhiều cách để kiệu nhanh chua hơn nhưng tôi thích làm theo cách mẹ chồng chỉ dạy. Làm dưa kiệu cực lắm, tính ra lời không được bao nhiêu, chủ yếu là vui khi nghe nhiều người khen hợp khẩu vị”.

Chị Mỹ Hương có nhiều năm làm dưa món thập cẩm, dưa kiệu ngày tết. Chị Mỹ Hương cho biết, trước đây, vợ chồng chị sinh sống ở TP.HCM. Gia đình chồng có truyền thống làm nghề này. Cứ mỗi dịp tết đến, xuân về, mẹ chồng của chị bán hàng trăm kilôgam kiệu, cải lá, củ cải, cà rốt, đu đủ,... Những dịp như vậy, chị thường phụ gia đình chồng. Sau đó, dần dần, chị cũng có niềm đam mê với món ngon bình dị này. Cách đây 5 năm, chị cùng chồng về Long An định cư. Với niềm đam mê và sự khéo léo, chị vẫn duy trì nghề truyền thống này. “Lúc đầu, tôi nghĩ chủ yếu làm dưa kiệu để biếu, sau đó bán cho những khách hàng thân quen. Ngày thường, nếu ai dặn với số lượng nhiều, tôi vẫn làm. Những ngày giáp tết, tôi làm theo đơn đặt hàng với các món dưa kiệu, dưa cải, dưa món thập cẩm, lỗ tai heo ngâm sả tắc,... Vì làm một mình nên để bảo đảm sản phẩm được ngon, sạch, tôi thường không nhận số lượng nhiều vào dịp tết” - chị Mỹ Hương chia sẻ.

Các loại dưa chua do chị Mỹ Hương làm không sử dụng chất bảo quản và được làm theo phương pháp truyền thống

Sản phẩm được đưa từ quê lên phố bởi khách hàng của chị Mỹ Hương chủ yếu ở TP.HCM, chỉ một số ít ở TP.Tân An. Sau khi đặt hàng và thưởng thức, cảm thấy ngon miệng nên khách đặt tiếp vào những đợt sau. Chị làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, lên men tự nhiên, không có chất bảo quản nhưng vẫn bảo đảm được vị ngon, giòn, màu sắc đẹp mắt của các món dưa chua.

Có mặt từ sáng sớm, nhìn quá trình chị sơ chế từng củ kiệu, lá cải, cà rốt, củ cải,... mới cảm nhận được sự chăm chút, tỉ mỉ mà chỉ những người yêu nghề mới có thể làm được. “Tôi nghĩ, làm bất cứ nghề gì cũng cần có niềm đam mê. Đối với nghề làm dưa chua cũng vậy, dù nhiều người cho là vất vả nhưng tôi lại thích, cảm thấy vui khi nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng” - chị Mỹ Hương nói.

Món dưa cải, dưa kiệu, dưa món thập cẩm,... không hiếm trong ngày thường nhưng ăn vào những ngày tết sẽ cho cảm nhận khác. Ngày tết phương Nam nhất định phải có món dưa chua, tuy không phải món ăn chính nhưng thiếu thì hương vị tết cũng không trọn vẹn./.

Thanh Nga - Hoàng Tuân

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tron-vi-tet-voi-kieu-ngam-chua-a148099.html