Trốn vé tàu, xe buýt gây thiệt hại trăm triệu USD ở Mỹ

Để đối phó với nạn trốn vé phương tiện giao thông công cộng tại Mỹ, một nghiên cứu mới đã đề xuất các giải pháp buộc hành khách chi trả đầy đủ.

Thiệt hại hàng trăm triệu USD

Tờ New York Times dẫn kết quả một nghiên cứu về vấn nạn trốn vé tại Mỹ năm nay cho thấy, hầu hết tình trạng trốn vé xảy ra trên xe buýt, gây thiệt hại khoảng 315 triệu USD năm 2022.

Hành vi trốn vé bị NYPD ghi lại. Nguồn: Nyposts.

Trong khi đó, những nỗ lực giải quyết vấn đề này chủ yếu tập trung vào tàu điện ngầm, nơi ghi nhận mức thiệt hại khoảng 285 triệu USD. Các tuyến đường sắt cũng báo cáo thiệt hại khoảng 44 triệu USD. Chính quyền cũng mất 46 triệu USD tiền vé đối với các phương tiện di chuyển qua cầu và đường hầm.

Trung bình có khoảng 700.000 người đi xe buýt không trả tiền vé/ngày trong tuần. Hành khách có thể dễ dàng trốn vé xe buýt bằng cách bước thẳng tới chỗ ngồi, không quẹt thẻ vào máy trả tiền. Hoặc trên những chiếc xe thanh toán bằng tiền mặt, họ có thể bỏ ít hơn số tiền thực sự cần trả vào hộp đựng.

Còn trên tàu điện ngầm, hầu hết hành khách trốn vé bằng cách đi lách qua các cổng soát vé khi chúng đang mở, nhảy qua các thanh chắn ngang soát vé hoặc chen lấn nhau tại các cửa soát vé trong giờ cao điểm. Theo hệ thống camera của chính quyền New York, có hơn 50% các vụ trốn vé tàu điện ngầm xảy ra tại cửa soát vé.

Trong nhiều năm qua, Cơ quan Giao thông đô thị New York (MTA) hầu như chỉ có một giải pháp đối với những người trốn vé trên tàu điện ngầm của thành phố. Khi hành khách lách qua cửa kiểm soát vé tàu điện, các nhân viên cảnh sát đứng ngay phía bên trong và viết vé phạt cho họ.

Tuy nhiên, biện pháp này chưa cho thấy hiệu quả và MTA đang đau đầu với một câu hỏi là liệu biện pháp phạt này có phải là cách tiếp cận đúng đắn hay không?

Trốn vé và bạo lực dấy lên lo ngại

Đối với các quan chức thực thi pháp luật Mỹ, việc tìm ra những người trốn vé là để nhận dạng thêm nhiều đối tượng phạm các tội danh nghiêm trọng hơn.

Theo New York Post, gần một nửa số người trốn vé ở New York bị phát hiện trong năm nay đều đang có lệnh truy nã đối với các tội danh khác, trong đó có ít nhất một người đã bị buộc tội giết người.

Cảnh sát và chó nghiệp vụ giám sát tại ga tàu ở Washington DC. Nguồn: Bloomberg.

Tính đến tháng 7 năm nay, trong số 2.502 người bị xác nhận trốn vé, có tới 1.136 người (45%) đã có các tội danh khác trong hồ sơ, theo dữ liệu của Sở Cảnh sát New York (NYPD).

Đặc biệt, có hơn 200 người trốn vé đã bị phát hiện khi mang theo vũ khí sát thương, gồm 13 khẩu súng và hơn 200 con dao.

Đây là những con số đáng báo động khi vào tháng 6, một người đàn ông vô gia cư tên là Claude White bị buộc tội đâm chết một người tên là Tavon Silver trên chuyến tàu điện số 4 đi về phía nam. Trước đó, người này từng bị bắt quả tang khi đang cố gắng trốn vé trên tàu điện ngầm ở Harlem.

Ông Eugene O›Donnell, giáo sư tại Đại học Tư pháp Hình sự John Jay, đồng thời là cựu cảnh sát và công tố viên cho biết: "Những kẻ phạm tội thường không muốn sử dụng thẻ MetroCard (thẻ tàu điện). Chúng hầu như luôn đi tàu điện nhưng không trả tiền".

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều ý kiến xoay quanh hành động của lực lượng cảnh sát do các vụ bắt giữ và triệu tập vì trốn vé chủ yếu nhắm vào người da đen và người gốc Latinh.

Theo một phân tích của nhà kinh tế tại Đại học Columbia Harold Stolper, người nghiên cứu chính sách trốn vé, trong năm 2022, người da đen và gốc Latinh chiếm 73% số người bị bắt và bị triệu tập trốn vé.

Ông Stolper nói: "Khó khăn về kinh tế là một trong những động lực chính dẫn đến việc trốn vé. Vì vậy, xét về ý nghĩa sâu xa, việc trấn áp với tình trạng trốn vé chính là trấn áp tình trạng nghèo đói".

Bà Molly Griffard, luật sư của Hiệp hội Trợ giúp pháp lý cho biết, các nguồn lực đối phó trốn vé nên được chuyển hướng sang giải quyết nguyên nhân cốt lõi của hành vi. Bà nói: "Bạn thấy nhiều người thực sự không đủ khả năng trả tiền di chuyển vì họ không đủ khả năng chi trả chi phí sinh hoạt ở New York".

Cần chi phí lớn

Tình trạng trốn vé như trên không chỉ xảy ra ở New York mà còn ở nhiều thành phố lớn khác của Mỹ. Trong khi đó, chính quyền các nơi cũng đều gặp khó khăn trong việc giải quyết vấn đề này, một phần vì chi phí để triển khai "cỗ máy" phạt hành khách có thể tốn hơn nhiều số tiền thu được từ việc viết phiếu phạt. Do đó, một số nơi như San Francisco và Seattle đã nới lỏng việc thực thi.

Còn các quan chức New York không nêu rõ họ đã chi bao nhiêu để chống trốn vé, nhưng tại cuộc họp của Hội đồng thành phố vào tháng 12 năm ngoái, ông Richard Davey, người phụ trách cơ quan giám sát tàu điện ngầm và xe buýt của New York cho biết chính quyền đã trả khoảng 1 triệu USD/ tháng cho 200 vệ sĩ tư nhân để giám sát các cửa quay tàu điện ngầm.

Lực lượng này không có quyền phạt hoặc yêu cầu người trốn vé tuân thủ quy định đi lại, vì vậy, nhiều người đã đặt ra câu hỏi rằng liệu chi phí thuê họ có hợp lý hay không.

Vào tháng 5 năm nay, một nghiên cứu mới của chính quyền thành phố New York đã đưa ra những đề xuất mới, bao gồm phân bổ nhiều nguồn lực hơn cho xe buýt, thúc đẩy chương trình trợ cấp chi phí tham gia giao thông công cộng cho người dân New York có thu nhập thấp, đăng nhiều quảng cáo kêu gọi hành khách trả tiền và lắp đặt thêm các cổng bán vé mới để khó lách qua hơn tại nhà ga tàu điện ngầm.

Người phát ngôn của Thị trưởng Eric Adams cũng cho biết, New York đã cố gắng giúp đỡ người nghèo thông qua chương trình Fair Fares của thành phố. Chương trình này trợ cấp phí vận chuyển công cộng cho người dân New York có thu nhập dưới mức nghèo liên bang – tổng thu nhập khoảng 30.000 USD/năm cho một gia đình bốn người.

Vị này khẳng định, việc người dân từ chối trả tiền khi tham gia giao thông công cộng là không thể chấp nhận được, đồng thời, gọi đây là mối lo ngại về an toàn công cộng đối với thành phố.

Hướng tới các giải pháp toàn diện hơn

Hiện nay, MTA đã triển khai các thiết bị giám sát mới ở một số nhà ga, trang bị công nghệ trí tuệ nhân tạo để phát hiện những người trốn vé. Hệ thống này sẽ thu thập dữ liệu về việc trốn vé, tuy nhiên không thông báo liên tục cho cảnh sát về những người trốn vé.

Tháng 7 năm nay, MTA đã thay thế ổ khóa tại hơn 1.600 cổng khẩn cấp trong đường hầm tàu điện ngầm nhằm hạn chế tình trạng người trốn vé sử dụng các lối đi này. Cơ quan vận tải New York cũng cho biết các cửa soát vé tại tàu điện ngầm cũng sẽ được nâng cấp để ngăn chặn hiệu quả hơn.

Để chống nạn trốn vé, tờ New York Times trích dẫn một nghiên cứu, đưa ra khuyến nghị thay thế các cửa soát vé hiện tại bằng thiết bị "cửa soát vé của tương lai". Đây là những cánh cửa bằng thủy tinh plexi giúp dễ dàng phát hiện mọi kẻ sai phạm. Công nghệ này đã được lắp đặt ở Amsterdam, Paris, New Jersey và San Francisco.

Tại các địa phương khác ở Mỹ, nhiều biện pháp mới cũng đã và đang được triển khai. Các cổng soát vé điện tử mới đã có mặt tại nhà ga phía Bắc của thành phố Boston vào tháng 10/2022. Vào tháng 3 năm nay, WashingtonDC đã bắt đầu lắp đặt các cửa mới trong hệ thống tàu điện ngầm. San Francisco và Philadelphia cũng có ý tưởng thực hiện tương tự.

An Bình

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tron-ve-tau-xe-buyt-gay-thiet-hai-tram-trieu-usd-o-my-192231030211433066.htm