Trộm thú cưng hoành hành ở Hà Nội (*): Ám ảnh lò mổ

Chúng tôi không dám hình dung tâm trạng người chủ của thú cưng thế nào khi biết con vật họ yêu thương phải lìa đời một cách đau đớn…

Chúng tôi đến lò mổ trên phố Hữu Hưng, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội vào đầu giờ chiều một ngày cuối năm. Thanh, người dẫn tới, cho hay đó là giờ mang lại nhiều nỗi ám ảnh nhất vì là thời điểm giết chó mèo, chuẩn bị cho việc bán thịt.

Mèo bị nhốt chen chúc trong lồng tại lò mổ

Những ánh mắt khiếp sợ

Từ nhiều năm nay, Hữu Hưng nổi tiếng là phố lò mổ. Chỉ đi khoảng 100 m, chúng tôi ghi nhận hàng chục cửa hàng bán thịt chó mèo. Sau khi thu thập chó mèo từ nhiều nguồn vào ban đêm, mỗi sáng, những người buôn sẽ đổ hàng cho các đầu mối buôn bán thú cưng hoặc lò mổ. Với những chú chó mèo tây xinh xắn, cơ hội sống sót khá cao khi được tiếp tục mang ra chợ chó mèo cảnh. Ngược lại, với chó mèo ta, thời gian sống của chúng ở lò mổ thường rất ngắn.

Mèo nhốt trong lồng sẵn sàng làm thịt cho khách có nhu cầu

Chó mèo bị nhốt chen chúc trong lồng. Mèo ta lồng riêng, mèo tây lồng riêng, chó lồng riêng. Trong đó, giá mèo tây phụ thuộc vào độ đẹp của mèo, trung bình trên 1 triệu đồng/con, cá biệt với mèo đẹp và độc, chủ lò có thể báo giá lên đến 4-5 triệu đồng. Mèo ta để làm thịt là 160.000-180.000 đồng/kg.

Cách thức làm thịt ở đây hết sức bạo lực, đi ngược lại tiêu chuẩn về phúc lợi động vật. Hai giờ chiều trở đi là thời gian các chủ lò làm việc "hết tốc lực". Tiếng băm chặt, tiếng ngã giá, tiếng chó mèo kêu cầu cứu… tất cả tạo nên một khung cảnh đầy ám ảnh.

Đứng, ngồi, nằm chen chúc trong lồng, nỗi khiếp sợ hiện lên mắt chó mèo khi chứng kiến đồng loại bị giết ngay khu vực bên cạnh. Biểu hiện của chúng hoặc ủ rũ, hoặc co rúm lại, hoặc lồng lộn trong chuồng tìm cách thoát thân.

Mèo bị kẹp cổ bằng những chiếc kẹp sắt

Theo quan sát, khách đến mua thịt chó mèo gồm cả đàn ông và đàn bà. Không chỉ mua thịt làm sẵn, họ còn yêu cầu làm thịt tươi, nghĩa là chọn từng con trong chuồng để thịt ngay trước mắt. Một đôi vợ chồng đã chọn con mèo đen có đôi mắt màu hổ phách mang vòng cổ màu xanh. Cái ánh mắt buồn đến tuyệt vọng của chú mèo khiến chúng tôi bị ám ảnh và day dứt vì không thể cứu nó, đến mức không dám nhìn lại những bức hình đã chụp. Chúng tôi cũng không dám nghĩ chủ nó có tâm trạng như thế nào khi biết con vật được yêu thương chăm bẵm ấy đã lìa đời theo cách đau đớn như vậy.

"Em đã làm nghề này được 11 năm" - một chủ lò kể. Khi chúng tôi hỏi 11 năm ấy có bao giờ bị áy náy vì xuống tay không, câu trả lời là không.

Một chú chó trong lò mổ hoảng sợ mỗi khi thấy người tới

Những người sống đẹp

Trong những ngày có mặt ở các lò mổ hay điểm bán chó mèo, bên cạnh những cá nhân sẵn sàng giết thịt, chúng tôi cũng đã gặp nhiều người dành thời gian, tâm sức, tiền bạc cưu mang chó mèo bất hạnh.

Trần Minh Quang là người đàn ông 39 tuổi có khuôn mặt hiền lành, dễ mến. Yêu chó mèo, mong muốn cứu giúp những con vật đáng thương bị bỏ rơi, từ 10 năm trước, anh và các tình nguyện viên thành lập nhóm cứu hộ. Nhóm âm thầm thu gom, chăm sóc những chú chó mèo bị bỏ rơi, bệnh tật hoặc giải cứu từ các lò mổ.

Anh Trần Minh Quang, người bỏ rất nhiều công sức, tiền bạc cưu mang những chú chó, mèo

Để lan tỏa, thay đổi thái độ ứng xử của cộng đồng với chó mèo hơn, cách đây hơn 2 năm, nhóm quyết định hoạt động công khai với tên "Sân nhà nhiều chó", tại huyện Thanh Oai, TP Hà Nội .

Rất nhiều chó mèo đưa từ các lò mổ về đều ủ bệnh trong người, sức khỏe kém, dễ bị bệnh. Mỗi ngày, anh Quang và các tình nguyện viên dậy từ sớm. Việc rất nhiều, từ dọn dẹp vệ sinh chuồng trại, chuẩn bị bữa ăn cho hàng trăm chó mèo đến cho đi dạo, tắm trị nấm, chăm sóc những con ốm.

Một thực tế không vui là thịt chó mèo vẫn là món ăn khá phổ biến ở một số địa phương, có khi còn là đặc sản. Không ít người có quan niệm ăn mèo sẽ "giải được vận đen" dù không có cơ sở nào chứng minh điều này.

Mặc dù thường xuyên quá tải nhưng "Sân nhà nhiều chó" luôn rộng lòng tiếp nhận những chó mèo bị bỏ rơi hoặc được giải cứu. Anh Quang cho hay nhiều áp lực nhưng vẫn làm để từ đó hướng tới việc thay đổi quan điểm và nâng cao nhận thức về phúc lợi của động vật. "Thông qua mạng xã hội và các hoạt động thiện nguyện, "Sân nhà nhiều chó" thể hiện tinh thần yêu thương với động vật, mong muốn xây dựng một cộng đồng có trách nhiệm đối với vật nuôi trong gia đình" - anh Quang chia sẻ.

Một trường hợp khác là bà Phùng Thị Chung, người sở hữu "nhà mèo" 150 con tại quận Thanh Xuân. Công việc của nữ nội trợ 51 tuổi này là hằng ngày dậy từ tinh mơ mua đồ, làm hàng cho chồng bán thịt xiên nướng, bánh mì, sau đó dọn dẹp, lo nấu cơm rồi cho mèo ăn và chăm sóc mèo bệnh.

Anh Nguyễn Tùng, người được coi là "hiệp sĩ" của thú cưng

150 con chó mèo ở nhà bà Chung già nhất là con mèo đen đã 17 tuổi, nhiều con khác cũng đã rụng hết răng. Phần đông trong số này là cứu từ lò mổ, khi về hoảng sợ, có con bỏ ăn nhiều ngày.

"Mình yêu chó mèo từ nhỏ, đến mức suốt ngày bị bố mắng vì cho mèo lên giường ngủ cùng" - bà Phùng Thị Chung kể. Bà cho biết những con vật đáng yêu này trước đây sau khi cứu chúng thì chuyển về trạm cứu hộ Trường Đại học Nông nghiệp, đến năm 2008, khi con gái lớn đi lấy chồng, chồng lại thường đi công trường xa, bà quyết định chăm sóc chúng luôn tại nhà mình.

Bây giờ, với bà Chung, nỗi lo duy nhất chính là sức khỏe. "Một năm nay dính mấy trận ốm, tôi yếu đi nhiều. Giờ chỉ cần có sức khỏe thôi, chứ nếu mình ốm thì tụi chó mèo không có người chăm sóc, lại khổ" - bà Chung bày tỏ.

Nhìn được kẻ trộm nhưng bất lực

Chị Bích Ngọc, sống tại quận Hai Bà Trưng tâm sự, trong đêm cuối năm, nhà chị bị mất con mèo Anh lông trắng. Trích xuất camera, chị Ngọc chứng kiến hai "miêu tặc" vác đồ nghề câu trộm.

Hình ảnh 2 đối tượng trộm thú cưng nhà chị Ngọc

Theo chị Ngọc, hai tuần đi tìm mèo là quãng thời gian rất vất vả. Cả nhà đi khắp nơi rải tờ rơi, đến các lò mổ, đăng trên các trang mạng… "Đến lúc tuyệt vọng nghĩ không tìm được nữa thì may mắn có người gọi điện thông báo đã mua lại bé mèo từ một nhóm buôn bán. Họ cho tôi chuộc lại với giá 5 triệu, gồm cả tiền đồ họ đã mua cho con. Lúc về con hoảng loạn, gầy và đói. Giờ thì đã ổn hơn" - chị Bích Ngọc kể câu chuyện tìm lại chú mèo mà cả nhà coi như "con".

Hiệp sĩ của thú cưng

"Em có nhiều năm làm nhà nước" - Nguyễn Tùng, một thành viên tích cực của nhóm giải cứu chó mèo Hà Nội, mở đầu câu chuyện với chúng tôi. Theo Tùng, vì lý do riêng, bạn rời công việc đó ở quê để ra thủ đô, bắt đầu hành trình công việc mới.

Hai năm trước, Tùng được một người quen nhờ tìm chú chó bị lạc. Nhiệt tình, chàng trai sinh năm 1989 sục sạo khắp các điểm bán chó mèo, cả lò mổ để tìm thú cưng cho người quen. Sau lần ấy, với kinh nghiệm có được, Nguyễn Tùng bắt đầu hỗ trợ những gia đình lạc thú cưng.

Biểu hiện quấn quýt, tình cảm của những chú chó được cứu, gặp lại chủ đã khiến Tùng ngày càng quyến luyến với sinh vật bốn chân đáng yêu. Bất kể nắng hay mưa, ngày hay đêm, ở đâu có chó mèo bị lạc hay bị mất, nhiều người lại "réo" Nguyễn Tùng. Mà cứ nghe "réo" là lại đi, có khi lùng sục cả đêm ngoài đường.

Với những chú chó bị bỏ rơi, thương chúng, Tùng mang về nuôi. Đã có lúc chuồng chó của Tùng lên đến gần 20 con, toàn chó ta, ăn khỏe hơn người. "Đôi lúc cũng thấy chạnh lòng vì thời gian dành hết cho chó mèo, người yêu cũng không có" - Tùng nói nhưng ngay sau đó lại cười xòa, vì: "Đời em gắn bó với chó mèo rồi. Thôi kệ đi".

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 5-2

Bài và ảnh: Nhóm phóng viên Hà Nội

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/trom-thu-cung-hoanh-hanh-o-ha-noi-am-anh-lo-mo-196240205194405031.htm