Trợ lực nào cho lợi nhuận ngân hàng 2024?

Tốc độ tăng trưởng tín dụng chững lại trong khi chi phí dự phòng rủi ro tăng cao đang đặt ra thách thức không nhỏ cho mục tiêu lợi nhuận ngân hàng cả năm.

Vietcombank tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu với 10.718 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý I/2024. Ảnh: BNEWS phát

Sau quý đầu năm, bức tranh kinh doanh của ngành ngân hàng đã có sự phân hóa rõ rệt. Trong khi một số ngân hàng ghi nhận mức lợi nhuận ấn tượng với sự tăng trưởng đáng kể, thì lại có những ngân hàng phải đối mặt với sự suy giảm. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng tín dụng chững lại trong khi chi phí dự phòng rủi ro tăng cao đang đặt ra thách thức không nhỏ cho mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Phân hóa lợi nhuận
Cập nhật mới nhất từ các ngân hàng cho thấy tổng lợi nhuận trước thuế của 28 ngân hàng niêm yết trong quý I vừa qua tăng hơn 9,5% so với cùng kỳ năm 2023, đạt mức 72.096 tỷ đồng.
Trong đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu với 10.718 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, dù giảm nhẹ 4% so với kết quả kinh doanh quý I năm trước.

Vươn lên vị trí thứ 2 về lợi nhuận là Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) với mức tăng trưởng mạnh tới 39% so với cùng kỳ. Quý vừa qua, Techcombank đạt lợi nhuận trước thuế là 7.802 tỷ đồng, chủ yếu đến từ tăng trưởng tín dụng và cải thiện chi phí vốn, cùng với thu nhập từ hoạt động dịch vụ và thu phí từ dịch vụ ngân hàng đầu tư.
Các vị trí tiếp theo lần lượt là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với 7.390 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) với 6.210 tỷ đồng, mức tăng trưởng tương ứng là 7% và 4% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, không phải tất cả các ngân hàng đều ghi nhận mức lợi nhuận tăng trưởng dương với hàng nghìn tỷ đồng. Trái lại, một số ngân hàng đã có sự "tụt dốc" như Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank), Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank).... Trong đó, ABBank giảm tới 71% lợi nhuận trước thuế so với cùng kỳ, Vietbank giảm 63%, Saigonbank giảm 35%...

Khách hàng giao dịch tại BIDV. Ảnh: BNEWS phát

Trao đổi với báo chí, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhận định lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2024 sẽ có sự tăng trưởng khả quan hơn, tuy nhiên, sự phân hóa giữa các ngân hàng sẽ tiếp tục tồn tại. Các ngân hàng quy mô lớn có khả năng đạt được lợi nhuận cao hơn nhờ vào việc tăng cường trích lập dự phòng rủi ro trong quá khứ, giảm áp lực khi nợ xấu tăng cao.
Áp lực từ việc trích lập dự phòng rủi ro cao hơn do nợ xấu tăng cùng với giảm giá trị tài sản đảm bảo có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng. Ngoài ra, các nguồn thu dịch vụ như phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance), thu nợ ngoại bảng vẫn chưa thể phục hồi nhanh chóng sau đại dịch. Đây là những thách thức đối với tăng trưởng lợi nhuận mà TS. Cấn Văn Lực cảnh báo các ngân hàng trong năm 2024.
Đồng quan điểm, báo cáo mới nhất của Trung tâm nghiên cứu Công ty Cổ phần chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng gánh nặng dự phòng rủi ro vẫn có thể tiếp diễn trong các quý tới. Điều này đồng nghĩa với việc lợi nhuận ngân hàng vẫn có khả năng bị bào mòn.
Cụ thể, SSI Research đánh giá chất lượng tài sản sau khi được cải thiện trong quý cuối cùng của năm 2023 thì nợ xấu đã tăng trở lại ở hầu hết các ngân hàng trong quý I/2024 với tỷ lệ hình thành nợ xấu tăng mạnh từ 1,12% trong quý IV/2023 lên 2,01% trong quý I/2024. Trong khi đó, chi phí tín dụng vẫn chưa tăng tương ứng với tỷ lệ hình thành nợ xấu, nên áp lực về chi phí dự phòng vẫn tiếp diễn.
Thêm vào đó, biên lợi nhuận (NIM) vẫn gặp một số áp lực nhất định so với quý trước do tín dụng yếu và cạnh tranh giữa các ngân hàng diễn ra mạnh mẽ hơn. Nhìn chung, SSI Research kỳ vọng sự hồi phục về các yếu tố cơ bản sẽ rõ rệt hơn trong nửa cuối năm 2024.
Yếu tố kỳ vọng
Theo TS. Cấn Văn Lực, bên cạnh những thách thức vẫn còn có những yếu tố kỳ vọng giúp lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2024 khả quan hơn như tình hình phục hồi của nền kinh tế, dự báo tăng trưởng tín dụng ở mức cao, thị trường chứng khoán có dấu hiệu tăng trưởng tích cực, thanh khoản bớt dư thừa giúp NIM tăng nhẹ...
Ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích Ngành và Cổ phiếu, Công ty cổ phần chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng triển vọng của ngành ngân hàng năm 2024 phụ thuộc vào việc cải thiện NIM do chi phí vốn thấp và động lực cho vay từ vốn đầu tư nước ngoài (FDI) do việc nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ và Nhật Bản, xuất nhập khẩu và nhu cầu vay trong nước phục hồi. Tuy nhiên, vẫn có những rủi ro như thị trường bất động sản đóng băng và áp lực xử lý nợ xấu.
VPBankS dự báo lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng niêm yết sẽ tăng trưởng ở mức 15%, tương đương đạt 293.650 tỷ đồng. Trong đó, các ngân hàng như Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB)... đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận ở mức 10-18%, trong khi các ngân hàng nhỏ hơn như Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB)... đặt mục tiêu cao hơn, ở mức từ 20-35%.
Theo VPBankS, lợi nhuận này đến từ sự phục hồi của NIM ở hầu hết ngân hàng lớn, nhờ chi phí vốn thấp khi nền lãi suất huy động thấp và sự phục hồi tiền gửi không kỳ hạn (CASA), kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu giảm lãi suất từ nửa cuối năm 2024 và tăng trưởng tín dụng có xu hương gia tăng mạnh từ nửa cuối năm theo yếu tố chu kỳ. Ngoài ra, chi phí hoạt động được kiểm soát chặt chẽ qua quá trình số hóa hoạt động ngân hàng, chỉ số chi phí trên thu nhập (CIR) liên tục cải thiện hỗ trợ lợi nhuận.

Kết thúc quý I/2024, BVBank hoàn thành 35% kế hoạch lợi nhuận năm.

Còn theo dự báo của Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcombank (VCBS), NIM của ngành ngân hàng có thể đi ngang hoặc tăng nhẹ trong năm 2024 do chi phí vốn được cải thiện. Tuy nhiên, vẫn có áp lực giảm lãi suất cho vay và có sự phân hóa về triển vọng lợi nhuận giữa các ngân hàng với mức tăng trưởng trung bình khoảng 10%, một số ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ sẽ tiếp tục giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm.
Theo kế hoạch kinh doanh được công bố tại kỳ đại hội cổ đông vừa qua, Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank) là một trong những ngân hàng đặt ra một mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận cao nhất hệ thống. Dự kiến, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này trong năm nay sẽ đạt 200 tỷ đồng, tăng lên đến 179% so với năm 2023, tương đương với mức tăng 2,7 lần.
Không riêng BVBank, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) lên kế hoạch lợi nhuận hợp nhất trước thuế tăng 114% so với năm 2023. Ngoài ra, Eximbank và ABBank cũng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận hơn 90% so với năm trước.

Lê Phương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tro-luc-nao-cho-loi-nhuan-ngan-hang-2024/332433.html