Trở lại xóm 'Việt kiều'

Hơn 10 năm qua, có gần 400 hộ dân là người gốc Việt ở Campuchia về ấp Tà Dơ, xã Tân Thành, huyện Tân Châu cư trú. Chính quyền địa phương đã xây khu tái định cư cho hơn nửa số hộ dân này, số còn lại vẫn sống lây lất bên hồ Dầu Tiếng.

Trẻ em khu tái định cư Đồng kèn 2 có thể đi học ở Trường mẫu giáo xã Tân Thành (ảnh chụp ngày 22.6.2022)

Trẻ em khu tái định cư Đồng kèn 2 có thể đi học ở Trường mẫu giáo xã Tân Thành (ảnh chụp ngày 22.6.2022)

Tiếp tục quan tâm đầu tư khu tái định cư

Tháng 6.2018, UBND huyện Tân Châu đầu tư xây 183 căn nhà tường ở Khu tái định cư Đồng Kèn 2 (ấp Đồng Kèn 2, xã Tân Thành) cho 183 hộ gia đình “Việt kiều” có hoàn cảnh khó khăn ở ấp Tà Dơ. 5 năm qua, Khu tái định cư Đồng Kèn 2 có nhiều thay đổi.

Con đường chính vào khu tái định cư đã được trải nhựa bằng phẳng. Những tuyến đường giao thông nội bộ được trải sỏi đỏ và xây dựng hệ thống mương thoát nước hai bên đường, không còn cảnh nước ngập mỗi khi mưa to. Nhiều căn nhà tường được che thêm phía trước cho rộng rãi và trồng hoa kiểng.

Cạnh khu tái định cư là trụ sở Văn phòng ấp Đồng Kèn 2 được xây dựng khá khang trang, rộng rãi. Ngoài ra còn có các công trình công ích khác như trạm nước sạch, trường mẫu giáo, trường tiểu học… Tất cả những hình ảnh trên cho thấy Khu tái định cư Đồng Kèn 2 đã được chính quyền địa phương quan tâm xây dựng khá đầy đủ cơ sở vật chất; đời sống của người dân ngày càng ổn định.

Ông Nguyễn Văn Đôi, 60 tuổi, kể, trước đây, gia đình ông sinh sống trên Biển Hồ (Campuchia), năm 2014, vợ chồng dẫn theo con cái về quê hương, tá túc trên bãi đất trống ven hồ Dầu Tiếng (thuộc ở ấp Tà Dơ). Lúc đó, vợ chồng ông đi chặt cây về dựng căn chòi nhỏ ven hồ để ở.

Hằng ngày, vợ chồng, con cái xuống hồ Dầu Tiếng giăng lưới kiếm cá bán lấy tiền mua gạo. Nhận thấy hoàn cảnh khó khăn của gia đình ông Đôi và nhiều hộ dân di cư khác về tạm trú ở địa phương, UBND huyện Tân Châu đã xây dựng 183 căn nhà mới trong Khu tái định cư Đồng Kèn 2 và xét tặng 183 hộ gia đình gốc Việt đang cư ngụ ở ấp Tà Dơ.

Về nơi ở mới, vợ chồng ông Đôi nghỉ nghề chài lưới, chuyển sang kiếm sống bằng nghề đan lưới cá cho một chủ tiệm tạp hóa trong xóm, tiền công 7.000 đồng/tấm. “Thu nhập không cao, nhưng công việc ổn định và đủ để chi tiêu trong cuộc sống, không còn bấp bênh như 5 năm trước”- ông Đôi tâm sự.

Ông Nguyễn Văn Phước, sinh năm 1957, cũng là một trong những cư dân đầu tiên của Khu tái định cư Đồng Kèn 2. Một ngày cuối tháng 6, chúng tôi đến thăm ông Phước. Gương mặt sạm đen vì nắng gió vẫn không giấu được niềm vui, ông khoe: “Từ sáng tới giờ bán được 200 tờ vé số. Cơm nước, nghỉ ngơi một chút rồi đi lấy thêm 100 tờ nữa để chiều đi bán tiếp”.

Ông Phước kể, năm 2015, ông từ Campuchia về cư ngụ ở ấp Tà Dơ, chỉ biết kiếm sống bằng cách đánh bắt cá trong hồ Dầu Tiếng. 5 năm trước, vợ chồng ông được UBND xã Tân Thành tặng căn nhà tường trong khu tái định cư. Hai người con của ông lập gia đình, ra ở riêng và cũng được chính quyền địa phương tặng căn nhà ở khu tái định cư.

Những năm đầu, ông Phước và hai người con trai đi làm phụ hồ. Gần đây, tuổi cao sức yếu, ông chuyển sang nghề bán vé số dạo, mỗi ngày ước chừng bán được 200 - 300 tờ. Trừ các khoản chi phí, trung bình ông Phước kiếm lời được vài chục ngàn đồng mỗi ngày. Nhờ cần cù lao động và chi tiêu tiết kiệm, ông còn mua sắm được những vật dụng như tủ kính, bàn thờ, ti vi, quạt máy.

Đến nay, vợ chồng ông có 5 đứa cháu nội, ngoại, đều được đi học. Ông Phước bộc bạch: “Tôi không ngờ có ngày gia đình mình rời bỏ được cuộc sống lênh đênh trên sông nước, được sống trong căn nhà tường khang trang như thế này”.

Ông Huỳnh Tấn Hiệp- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành nhận xét, đời sống của các hộ dân ở Khu tái định cư Đồng Kèn 2 khá ổn định. Về môi trường, năm 2021, UBND huyện đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước trong khu dân cư và nâng cấp trạm cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Đôi đan lưới cá (ảnh chụp ngày 22.6.2022)

Ông Nguyễn Văn Đôi đan lưới cá (ảnh chụp ngày 22.6.2022)

Còn gần 200 hộ dân “Việt kiều” sống ven hồ Dầu Tiếng

Trong khi các hộ dân ở Khu tái định cư Đồng Kèn 2 đã ổn định cuộc sống thì còn 191 hộ dân “Việt kiều” sống tạm bợ ở bờ hồ, tập trung thành 3 khu dân cư nhỏ, mỗi khu có vài chục hộ. Họ cất chòi ở san sát nhau, kiếm sống bằng nghề đánh bắt cá, cào hến trong hồ Dầu Tiếng. Thanh niên thì đi làm thuê làm mướn khắp nơi, người lớn tuổi và trẻ em bán vé số dạo, còn phụ nữ ở nhà chăm con và kiếm thêm thu nhập bằng nghề cạo vỏ lụa hạt điều, cắt phao, cắt chì trong những tay lưới cũ.

Vợ chồng chị Trần Thị Tố có 3 đứa con, đứa lớn nhất 8 tuổi, chưa được đi học, đứa nhỏ nhất mới 1 tuổi. Hằng ngày, chồng chị đi làm phụ hồ ở các công trình xây dựng, còn chị Tố nhận hạt điều về cạo vỏ lụa gia công. Hết mùa hạt điều, người phụ nữ này nhận những tấm lưới cũ đem về cắt lấy phao, chì gia công cho các hộ dân trong xóm.

“Cạo vỏ lụa hạt điều hay cắt phao, chì đều được trả tiền công 5.000 đồng/kg. Mỗi ngày tôi làm được 2 - 3kg”, chị Tố cho biết. Cả gia đình chị Tố với 5 nhân khẩu chưa ai có giấy tờ tùy thân, cùng sống chen chúc trong căn chòi gỗ ọp ẹp, chiều ngang khoảng 2m, chiều dài chừng 4m. “Mưa giông, gió lớn là tôi ẵm con sang nhà khác trú ẩn. Ước mơ lớn nhất của vợ chồng tôi là làm sao có căn nhà ở, để an tâm làm ăn sinh sống”- người phụ nữ 27 tuổi trải lòng.

Hoàn cảnh gia đình chị Nguyễn Thị Sếu cũng tương tự. Những năm trước, cả nhà chị đều trú ngụ trong nhà bè trên Biển Hồ (Campuchia). Gần 5 năm nay, vợ chồng chị hồi hương, về ấp Tà Dơ sinh sống. Hằng ngày, chồng chị đi làm thợ hồ, chị Sếu ở nhà chăm sóc 2 đứa con. Mọi chi phí gia đình đều dựa vào tiền làm thuê của chồng.

Gia đình chị Sếu cũng như nhiều hộ dân ở đây sử dụng điện bằng cách tự mắc dây điện từ nhà này sang nhà khác và trả 200 ngàn đồng/tháng cho chủ hộ có đồng hồ điện. Tất cả các hộ dân ở đây đều không có đất để trồng trọt, chăn nuôi, hầu như trông chờ vào sự cứu giúp của chính quyền địa phương và các đoàn từ thiện.

Mỗi căn chòi trong khu vực này đều có vài thùng nhựa, thau nhựa chứa nước sinh hoạt, được bơm lên từ một giếng khoan trong xóm. Nước thải, rác thải sinh hoạt của gần 200 hộ dân ở đây xả trực tiếp xuống hồ Dầu Tiếng, gây ô nhiễm môi trường.

Theo ông Huỳnh Tấn Hiệp- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành, những năm gần đây không có thêm trường hợp dân di cư từ Campuchia về Tà Dơ, nhưng số hộ ở đây có tăng lên do họ lập gia đình, cất chòi ra ở riêng.

Thực tế cho thấy, khi được về sinh sống ở Khu tái định cư Đồng Kèn 2, tất cả hộ gia đình “Việt kiều” đều an cư lạc nghiệp. Nguyện vọng lớn của những hộ dân này là được vào ở khu tái định cư. Như vậy, địa phương cũng giải quyết được nhiều vấn đề, trước tiên là việc xả nước thải gây ô nhiễm môi trường ở thượng nguồn của lòng hồ Dầu Tiếng.

Đại Dương

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/tro-lai-xom-viet-kieu-a146831.html