Trở lại Sông Hinh

Đoàn văn nghệ sĩ về thăm Di tích căn cứ cách mạng thời kháng chiến chống Mỹ (xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh). Ảnh: CTV

Với tôi, vùng đất Sông Hinh không hề lạ vì từng đến với những chuyến đưa các văn nghệ sĩ khắp đất nước về thăm và cá nhân cũng rong ruổi khám phá. Lần này trở lại với đoàn văn nghệ sĩ của Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên sau 15 năm, chúng tôi được chứng kiến biết bao đổi thay đến kỳ diệu từ cảnh sắc, con người nơi đây…

Về di tích căn cứ cách mạng

Trong chuyến đi tiền trạm, được nghe ông Phan Thanh Quyền, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Sông Hinh giới thiệu khái quát lịch trình phối hợp tổ chức thực tế sáng tác, trong đó có tham quan khu Di tích căn cứ cách mạng thời kháng chiến chống Mỹ của huyện.

Muốn đến khu Di tích căn cứ cách mạng thời kháng chiến chống Mỹ của huyện Sông Hinh ở xã Sông Hinh, chúng tôi phải qua một lần đò khoảng 20 phút và đi bộ 4km với rừng, suối, trảng cây nối tiếp nhau rồi ngược lên các gộp đá granit chồng chất tuyệt đẹp. Cứ nghĩ các văn nghệ sĩ sẽ mệt vì nắng nóng, vì đi bộ một chặng đường dài qua các ruộng rẫy, nhưng không, họ vẫn trò chuyện rôm rả cùng ánh mắt, nụ cười bởi lần đầu được đến. Dốc ngược, từng bậc tam cấp uốn lượn hun hút trong tán cây với hoa rừng nở vàng, suối réo rắt mát lạnh đã xua đi sự mệt mỏi.

Bậc cấp xi măng cuối cùng là đường bê tông đến tảng đá dựng có ghi bia Di tích căn cứ cách mạng thời kháng chiến chống Mỹ (là di tích cấp tỉnh). Đi vào một đoạn là những tảng đá lớn xếp chồng lên nhau với cây rừng và dây leo quấn chằng chịt tạo thành nơi trú ẩn với bên dưới là hang đá sâu cùng những câu chuyện huyền thoại. Ông Phan Thanh Quyền cho biết: “Xã Sông Hinh có vị trí chiến lược, là nơi tiếp giáp giữa hai tỉnh Khánh Hòa - Đắk Lắk cùng cả tuyến đường giao liên miền Tây của tỉnh đi qua. Phía sau lưng dựa vào dãy núi trùng điệp liên hoàn, men theo chân núi bên dưới có đường thông xuống xã Hòa Đồng, Hòa Mỹ, Hòa Thịnh tiếp giáp đồng bằng Tuy Hòa…”. Nghe vậy, kiến trúc sư Hoàng Xuân Thưởng nhìn bao quát cả vùng rồi nói: “Khoảng trời mênh mông thật hấp dẫn, thật cảm động như về nguồn để trải nghiệm một vùng ký ức và đẹp như lên đỉnh Đá Bia”.

Mọi người đều chiêm ngưỡng vẻ đẹp, lắng nghe ông Phan Thanh Quyền kể chậm rãi bằng loa tay mang theo để nhìn các hang đá như hang Hòm, hang Sim, gộp Tà Khô và hướng lên độ cao thông thống gió núi có những dáng cây cổ thụ vươn dài, sừng sững với mây trời. Gió luồn qua gộp đá xếp chồng réo rắt như trở lại một thời hào hùng cha anh cầm súng chống quân xâm lược mà lần đầu tiên giới văn nghệ sĩ được đặt chân đến.

Thác H’Ly bắt nguồn từ tên suối Ea H’Ly trong vùng đất buôn Kit thuộc xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh thu hút nhiều du khách đến tham quan. Ảnh: PV

Vùng đất của văn hóa, con người, thiên nhiên kỳ vĩ

Trước khi đi thăm thắng cảnh thiên nhiên, khu di tích lịch sử, lãnh đạo huyện Sông Hinh cho biết trong buổi khai mạc, địa phương có các đồng bào dân tộc nhiều nhất tỉnh (22 dân tộc kể cả người Kinh) bao gồm người Ê Đê bản địa rồi Dao, Thái, Mèo, Tày, Nùng… rất nổi tiếng về hoạt động văn hóa cộng đồng. Hiện nay, du lịch Sông Hinh gắn liền với du lịch cộng đồng và bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch địa phương từ ẩm thực, lễ hội, làng nghề… Ông Nguyễn Chí Hiền, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Sông Hinh cho biết: “Vùng đất này như một thiếu nữ còn ngái ngủ dần thức giấc, đang và sẽ trở mình, vươn dậy ...”. Thật ra, tôi thích dùng từ sơn nữ hơn vì nơi này có bản sắc riêng so với nơi khác. Và chắc chắn, Sông Hinh sẽ chuyển mình nhanh chóng như câu nói của ông Bùi Văn Thành, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL, thành viên trong đoàn: “Sông Hinh có nét đặc thù riêng so với các huyện, thị trong tỉnh vì văn hóa đa dạng, cảnh sắc hùng vĩ, ngay cả trong thị trấn Hai Riêng và các nơi khác, nếu phối hợp du lịch biển và rừng theo tour thì thành công”.

Kiến trúc sư Hoàng Xuân Thưởng, người từng quy hoạch và thiết kế thị trấn Hai Riêng năm 1984 để chuẩn bị tách từ huyện Sơn Hòa vào năm 1985 thành huyện Sông Hinh (ngày 25/2/1985), trầm ngâm bên đồi thông nhìn xuống lòng hồ Hai Riêng: “Sông Hinh phát triển nhanh, ngày trước chỉ là những ngọn đồi trơ trọi, công sở, nhà cửa tre nứa tạm bợ, giờ thì khác hẳn, đẹp hẳn. Chỉ cần nhìn hành lang dọc theo hồ thì biết, không theo một thiết kế chung chung, na ná mà của riêng mình. Lối đi quanh co tạo dáng, cầu kết cấu bằng sắt nhưng đẹp, nhất là các ban công dọc hồ như những hàng cây vươn dài gắn kết cùng nhau tạo thành một khối đoàn kết”.

Vùng đất Sông Hinh không cách xa TP Tuy Hòa, trung tâm của tỉnh là bao vì chỉ hơn một giờ đi xe ô tô là đến. Nhưng nơi này có một bản sắc riêng, một địa danh mà rất nhiều văn nghệ sĩ đến. Tôi từng đưa nhiều đoàn lên vùng này khi Trại sáng tác Âm nhạc toàn quốc, Văn nghệ Quân đội, Nhà văn và Tác phẩm… được tổ chức tại Phú Yên. Và đều có chung một nhận xét, Sông Hinh nổi tiếng với những trường ca, sử thi, cồng chiêng, dệt thổ cẩm, nhiều nhạc cụ dân tộc lâu đời được giữ lại và các lễ hội của đồng bào dân tộc cũng như ẩm thực. Đặc biệt, thiên nhiên ưu đãi rất nhiều cho vùng đất này như hồ Hai Riêng, các con suối, dòng sông, ngọn thác hùng vĩ.

Rời khu Di tích căn cứ cách mạng thời kháng chiến chống Mỹ, chúng tôi về Ea Trol thăm thác Drai Tang nơi sẽ thành điểm du lịch sinh thái. Ngọn tháp cao trải rộng theo tầm mắt và dù đầu hè nhưng nước vẫn nhiều, tung bọt trắng xóa, chảy róc rách theo triền đá. Ven bờ là các nhà chòi nghỉ chân dưới các tán cây rừng khiến cả đoàn thích thú như kế hoạch nghỉ đêm tại nơi đây để anh em sáng tác, nhất là giới nhiếp ảnh, mỹ thuật đã chuẩn bị phương tiện và người mẫu sẵn sàng tiếp cận cảnh đẹp của núi rừng.

Với một thời gian ngắn dù hai ngày một đêm khi trở lại Sông Hinh, nhưng hơn 40 văn nghệ sĩ tỉnh nhà từ nhiếp ảnh, mỹ thuật, văn học, sân khấu, âm nhạc, kiến trúc, văn nghệ dân gian… đã tiếp cận được cuộc sống, văn hóa, cảnh sắc thiên nhiên vùng đất Sông Hinh - ví như nàng sơn nữ đã cựa mình thức giấc, nhìn ánh bình minh nơi núi rừng tươi đẹp.

Vùng đất Sông Hinh như một thiếu nữ còn ngái ngủ dần thức giấc, đang và sẽ trở mình, vươn dậy...

Ông Nguyễn Chí Hiền, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Sông Hinh

HUỲNH THẠCH THẢO

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/89/276519/tro-lai-song-hinh.html