Trở lại Khe Táu

Những ngày cuối năm, chúng tôi lại có dịp trở lại Khe Táu - thôn người Mông khó khăn nhất của xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên. Những thửa ruộng bậc thang trải dài theo sườn núi, những nụ cười rạng rỡ của người Mông nơi đây cho thấy một cuộc sống ấm no...

Cán bộ xã Phong Dụ Thượng và người dân Khe Táu trò chuyện trong buổi lao động.

Đón chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Lò Văn Mạnh vui mừng chia sẻ: Khe Táu năm nay đã có nhiều đổi mới, đời sống người dân được nâng lên, tết năm nay sẽ ấm no hơn. Từ khi triển khai thực hiện hoạt động "Ngày thứ Bảy cùng dân”, đường làng ngõ xóm luôn sạch bóng. Khe Táu cũng là một trong những thôn vùng cao đầu tiên của huyện Văn Yên thực hiện hoạt động "lắng nghe dân nói”.

Cán bộ xã dành thời gian để lắng nghe ý kiến của nhân dân, cùng bàn bạc những vấn đề trực tiếp liên quan đến đời sống. Qua đó, nhiều vấn đề đã được giải quyết như: thiếu nước sản xuất dẫn tới tranh chấp, người ruộng cao được lấy trước khiến nhiều ruộng thấp nước chậm, có khoảnh ruộng không đủ nước sản xuất ảnh hưởng trực tiếp đến thời vụ, năng suất…

Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khe Táu Lù A Dờ cho biết: "Diện tích lúa nước có thể khai hoang thêm 15 ha nữa vì vẫn còn nhiều đất đai nhưng khó nhất là thiếu nước. Nếu làm thêm được tuyến kênh dẫn nước sẽ giải quyết được các vấn đề: tăng vụ, tăng năng suất, khai hoang ruộng mới, hạn chế tranh chấp nguồn nước”. Sau khi lắng nghe ý kiến của các hộ dân, Bí thư Lò Văn Mạnh khẳng định: "Xã đã khảo sát nguồn nước ở Khe Mạn To và đưa vào kế hoạch. Mặc dù chưa có nguồn lực đầu tư nhưng đây là công trình chắc chắn sẽ phải thực hiện được”.

Từ 17 hộ dân ban đầu, đến nay, Khe Táu có 82 hộ dân với 433 nhân khẩu đều là người Mông. Sau 25 năm khai hoang và định cư ở Khe Táu, người dân đã có được 36 ha lúa nước, 27 ha quế, 26 ha ngô, 2 ha rau màu. Có cuộc sống như hôm nay ai cũng biết nhờ vai trò của Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lù A Dờ. Năm 2001, anh Dờ đã vận động và cùng các hộ dân đào được tuyến kênh 3 km dẫn nước từ Khe Mạn Con về thôn. 3 năm tiếp đó, anh lại tích cực vận động mọi người khai hoang, chuyển đổi toàn bộ diện tích đất nương sang lúa nước.

Anh Dờ chia sẻ: "Khai hoang được khoảnh ruộng thì sức một người rất khó làm. Vì thế, chúng tôi vận động mỗi ngày làm một hộ, có bao nhiêu lao động là đi hết”.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất nhiệm kỳ 2022 - 2025 đề ra là Khe Táu phải giảm số hộ nghèo từ 98% xuống còn 20%. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lù A Dờ cho biết: "Khi có thêm nước sản xuất, chúng tôi sẽ vận động nhân dân tăng vụ, khai hoang thêm ruộng nước có thể đạt 50 ha và chăm sóc tốt diện tích 27 ha quế, 15 ha ngô đồi. Cùng với đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc. Hiện tại, toàn thôn có 187 con trâu, có gia đình nuôi 6 - 7 con. Đây là hướng phát triển kinh tế tốt nhất để đưa người dân thoát nghèo. Ngay sau Đại hội Chi bộ, chúng tôi đã xây dựng chương trình hành động, phân công đảng viên phụ trách khu vực, phụ trách từng hộ dân, trực tiếp vận động và giúp đỡ người dân. Bên cạnh đó, Chi bộ tiếp tục củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, cải thiện vấn đề môi trường sống, thay đổi thói quen, xóa bỏ hủ tục”.

Một thay đổi lớn nhất trong sinh hoạt của người Mông Khe Táu chính là nhà nào cũng xây dựng được nhà vệ sinh, nền nhà được đổ xi măng hoặc nệm chặt, trâu bò có chuồng trại và nuôi nhốt xa nơi ở.

Đứng trên đỉnh Khe Táu, Bí thư Chi bộ Lù A Dờ chỉ cho chúng tôi khoảnh ruộng mâm xôi mới được khai hoang trong "Ngày thứ Bảy cùng dân” hồi tháng 4/2022. Rồi vẫn nét mặt hân hoan ấy, Bí thư Dờ khẳng định: "Người Mông Khe Táu sẽ luôn đoàn kết, chung sức xây dựng đời sống mới để vùng cao này sẽ ngày càng ấm no, hạnh phúc”.

Anh Dũng

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/13/318143/tro-lai-khe-tau.aspx