Tripi: Startup đấu lại với mô hình tour truyền thống?

Tripi.vn là sàn giao dịch du lịch trực tuyến vừa được ra mắt vào giữa năm 2016. Liệu sinh sau đẻ muộn, Tripi có thành công?

Giao diện của Tripi.

Tự tạo tour du lịch cho riêng mình

Tripi.vn là sàn giao dịch du lịch trực tuyến, có thể hình dung sự kết hợp của mô hình so sánh giá và mô hình sàn thương mại điện tử trực tuyến. Có thể thấy rằng, so với các startup về du lịch tại Việt Nam, Tripi "sinh sau đẻ muộn" hơn khi ra đời từ giữa năm 2016.

Theo Founder của Tripi là anh Trần Bình Giang cho biết Tripi ra đời dựa trên việc ưu thích đi du lịch của chính bản thân anh khi còn học tại nước ngoài. Khi về Việt Nam, anh thấy rằng việc tìm kiếm thông tin về du lịch vẫn còn rất hạn chế. Vì vậy anh đã kết hợp với cộng sự thành lập nên Tripi.

Điểm khác biệt của Tripi là việc tích hợp toàn bộ thông tin về 1 tour du lịch hoàn chỉnh nhưng người dùng có thể so sánh giá của khách sạn đã chọn hay vé máy bay và có thể thành lập 1 tour hoàn chỉnh khác.

Được thành lập từ giữa năm 2016, tất nhiên đến nay Tripi vẫn đang gặp hàng loạt khó khăn khi bài toán nhân sự có thể "đảm nhận" được công việc áp lực, doanh nghiệp vẫn đang tìm kiếm. Mặt khác, trong quá trình startup định hình sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề về công nghệ, tìm được nhân sự giỏi chuyên môn này cũng không dễ.

Ngoài ra, chính Founder Trần Bình Giang của Tripi cũng phải thừa nhận, việc phát triển startup mà không gọi được vốn sẽ "xôi hỏng bỏng không".

Đối thủ và hạn chế phát triển

Nếu muốn truy cập vào Tripi, người dùng có thể tạo tài khoản nhanh chóng, hoặc tạo tài khoản bằng cách liên kết với tài khoản mạng xã hội như Facebook, Google. Giao diện tiếng Việt của Tripi cho phép người dùng Việt thao tác dễ dàng trong việc tìm kiếm tour, giá phòng... để chọn các dịch vụ cho mình. Nhưng đây cũng chính là điểm hạn chế cho khách quốc tế đến Việt Nam.

Tripi đang chủ yếu phát triển về các tour du lịch và tất nhiên đối thủ của startup này chính là các hãng tour đã nên thương hiệu. Dịch vụ tour du lịch truyền thống này đã được hình thành khá lâu và ăn sâu vào tiềm thức đi du lịch của nhiều người.

Đây cũng là khó khăn chung với các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực mới khi thị trường đã quá quen với mô hình truyền thống và chính bản thân các startup cần thời gian lâu dài để nhận thức thay đổi. Vì vậy, nếu startup nào không đủ bản lĩnh và nguồn lực sẽ dễ dàng bật khỏi thị trường.

Bên cạnh mô hình truyền thống, Tripi còn gặp phải các đối thủ cũng khởi nghiệp về du lịch như Triip.me, Trippy.vn, Tuogo.com.vn,.... Dù mỗi startup này lại có 1 thế mạnh khác nhau nhưng đều đi theo hướng giống với mô hình tạo tour du lịch cho người dùng.

Điểm hạn chế của Tripi là khá non trẻ nên mới chỉ có hơn 100 nhà cung cấp tham gia, nếu người dùng chưa tìm thấy phòng tại địa điểm mong muốn trên Tripi, thì có thể đặt phòng qua kết nối với Agoda hay Booking...

Là tân binh mới nhưng Tripi không giấu diếm tham vọng có thể phát triển thành một thương hiệu quen thuộc với người dùng và các doanh nghiệp trong ngành du lịch. Tuy nhiên, muốn phát triển tour du lịch người nước ngoài đến Việt Nam, Tripi cần phải xây dựng thêm công cụ bằng tiếng anh để phát triển nhu cầu khách quốc tế.

MINH TRANG

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/cong-nghe/tekinsider-tripi-startup-dau-lai-voi-mo-hinh-tour-truyen-thong-2204052.html