Triều Tiên - sân khấu gây chú ý của người nổi tiếng quốc tế

Những người nổi tiếng nước ngoài đến Triều Tiên nhận được sự chú ý lớn của truyền thông vì tin tức về Bình Nhưỡng rất hiếm hoi.

Một cựu đô vật trở thành thượng nghị sĩ Nhật Bản, một cựu ngôi sao bóng rổ lập dị và một diễn viên hài người Pháp từng bị kết án tù có điểm gì chung?

Họ đều là những người nổi tiếng từng công khai đến Triều Tiên và trở thành tâm điểm chú ý truyền thông. Các chuyên gia nói rằng họ thực hiện các chuyến đi này nhằm tự quảng bá, nhưng họ cũng có thể là đầu mối liên lạc h

Thượng nghị sĩ Nhật Bản Antonio Inoki. Ảnh: alcheton.

iếm hoi vào thời điểm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang gia tăng, theo AFP.

Cựu đô vật Antonio Inoki của Nhật Bản rất dễ nhận ra với trang phục đặc trưng là cà vạt và khăn quàng đỏ. Inoki mới đến Triều Tiên trong chuyến đi 5 ngày và đây đã là lần thứ 32 ông làm việc đó.

Inoki cao 1,9 m và nổi tiếng vào năm 1976 khi đấu với nhà vô địch quyền anh hạng nặng thế giới Muhammad Ali tại Tokyo. Ông được biết đến là có tính cách khoa trương. Sau khi trở thành thượng nghị sĩ, Inoki đã thúc giục chính phủ Nhật đưa ra quan điểm chính thức về người ngoài hành tinh sau khi ông nói trước một ủy ban rằng ông đã nhìn thấy vật thể bay bí ẩn trên trời.

Inoki nói rằng ông muốn "đóng góp vào hòa bình thế giới thông qua thể thao" và đã tổ chức các cuộc đấu võ và đấu vật tại Triều Tiên. Ông thường gặp các quan chức cao cấp nước này trong chuyến thăm của mình. Trong chuyến đi tuần này, Inoki nói ông đã gặp nguyên thủ quốc gia Triều Tiên Kim Yong Nam.

Một người Nhật Bản khác cũng từng gây chú ý là Kenji Fujimoto, người tự nhận là đầu bếp sushi riêng của Kim Jong-un năm 1988 - 2001. Năm ngoái Fujimoto nói rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên đã đích thân đến đón ông tại sân bay.

Cựu ngôi sao bóng rổ Dennis Rodman được biết đến là người bạn Mỹ hiếm hoi của nhà lãnh đạo Triều Tiên. Ông mô tả ông đã đi nghỉ với ông Kim và ăn tối với nhà lãnh đạo trên du thuyền.

Rodman, 56 tuổi, từng đạt được nhiều thành tích trong giải vô địch Bóng rổ Nhà nghề Mỹ (NBA), giải đấu mà Kim Jong-un rất hâm mộ. Ngoài tài năng trên sân đấu, Rodman cũng gây chú ý vì những hành động bị coi là lập dị như mặc váy để tổ chức đám cưới với chính mình. Rodman kể rằng ông luôn gọi ông Kim, 33 tuổi, là "nhóc" và mô tả ông là người "tuyệt vời".

Trong một chuyến thăm Triều Tiên cùng với cựu vận động viên bóng rổ năm 2014, ông còn hát bài "chúc mừng sinh nhật" tại sân vận động để tặng nhà lãnh đạo trẻ.
Diễn viên hài Pháp Dieudonne M'Bala M'Bala cuối tháng 8 tuyên bố trên kênh YouTube rằng ông tới Triều Tiên để xuất hiện trong một "lễ hội hòa bình". Hình ảnh trên Twitter cho thấy ông đến Khu Phi quân sự chia cắt hai miền Triều Tiên - một điểm dừng chân thường xuyên cho các du khách.

Dieudonne từng gây phẫn nộ và bị kết án hai tháng tù được hoãn thi hành tại Pháp khi nói rằng ông thông cảm với một trong những kẻ khủng bố tham gia cuộc tấn công tòa soạn tạp chí trào phúng Charlie Hebdo ở Paris năm 2015.

Diễn viên hài Pháp Dieudonne M'Bala M'Bala. Ảnh: Telegraph.

Các quan chức coi những chuyến đi của những người nổi tiếng kể trên như những "màn trình diễn".

Khi được hỏi về chuyến thăm của Inoki, Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga nhắc nhở các nhà báo rằng Tokyo đã có lệnh cấm đi lại với Triều Tiên và thúc giục các chính trị gia "hành động đúng đắn".

Washington cũng thể hiện rõ họ không liên quan đến các chuyến đi của Rodman. Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng cựu ngôi sao bóng rổ "chưa bao giờ là một nhân tố trong ngoại giao của chúng tôi".

Tuy nhiên, truyền hình Nhật Bản đã đưa tim đậm nét về chuyến đi của Inoki và các chuyến viếng thăm tiếp tục gây nhiều chú ý, vì thế giới bên ngoài rất "khát" thông tin về quốc gia ẩn dật này.

Toshimitsu Shigemura, giáo sư danh dự của Đại học Waseda, nói rằng các cuộc thăm viếng chủ yếu phục vụ "mưu mẹo nội bộ của quan chức Triều Tiên hơn là hoạt động ngoại giao ngầm".

"Những người này được một thân tín của Kim Jong-un mời đến để lấy lòng nhà lãnh đạo. Vì vậy, chúng không có ý nghĩa ngoại giao", ông nói.

Daniel Sneider, chuyên gia về nghiên cứu Đông Á từ Đại học Stanford ở Mỹ, cũng cho rằng các cuộc thăm viếng "không có ích gì trong việc đàm phán nghiêm túc". "Họ chủ yếu mang lại lợi ích cho những người muốn tận dụng danh tiếng".

"Nhưng đôi khi chúng cũng cho chúng ta biết thêm thông tin về Kim Jong-un và vòng tròn thân cận của ông ấy", ông nói thêm.

Một ví dụ điển hình là vào năm 2013, khi tin tức ông Kim có con thứ hai không được tiết lộ bởi Bình Nhưỡng hay tình báo Mỹ. Rodman là người làm việc đó.

Theo Phương Vũ/VnExpress

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/tin-tuc/trieu-tien--san-khau-gay-chu-y-cua-nguoi-noi-tieng-quoc-te-227211/