'Triệu phú trâu, bò' thả tiền tỷ trên núi Tê Giác

Anh Phây xách theo túi muối, chỉ lên đỉnh núi cao chót vót bảo đó là núi Tê Giác, đàn trâu bò đang thả trên đấy cho gặm cỏ. Tôi theo chân anh vượt qua 2 ngọn đồi, gió thổi ràn rạt vào đám hoa mua tím ngắt,...

Theo dấu đàn gia súc

Trước khi bắt đầu hành trình theo dấu đàn gia súc, anh Đặng Hữu Phây, thôn Nậm Hò, xã Dần Thàng (huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) bảo tôi: Đàn trâu, bò nhà mình thả hết trên núi Tê Giác rồi, để lên đó phải leo núi hơn một tiếng rất mệt đấy.

Anh Đặng Hữu Phây, thôn Nậm Hò, xã Dần Thàng

Anh Đặng Hữu Phây, thôn Nậm Hò, xã Dần Thàng

Mặc dù biết việc vượt dốc hàng tiếng đồng hồ lên núi chỉ để được nhìn thấy đàn gia súc của anh và chụp vài kiểu ảnh nghe có vẻ “ngớ ngẩn” nhưng tôi vẫn muốn thỏa trí tò mò.

Thấy tôi quyết tâm, anh Phây vào bếp lấy một túi muối rồi bắt đầu chuyến đi. Mặc dù được báo trước để chuẩn bị tinh thần nhưng việc cuốc bộ leo núi khiến tôi muốn “đứt hơi”.

Sở dĩ núi này có tên là Tê Giác vì có hình dáng giống như con tê giác đang nằm. Lúc đầu tôi cứ nghĩ rằng đó là những quả đồi vô chủ nhưng anh Phây nói toàn bộ mấy ngọn đồi cỏ rộng khoảng 30 ha đều của gia đình anh.

“Ngày trước, đây là đồi trọc, đất khô cằn, cho cũng chẳng ai lấy vì không trồng được cây gì. Bố mẹ mình nuôi trâu bò cứ thả trên núi này, trâu đi tới đâu thì dựng lều, lán ở đó. Năm này qua năm khác, đàn trâu ăn hết cỏ đồi này lại chuyển sang đồi kia, đến vị trí dựng lán bây giờ là quả đồi thứ 5 rồi. Thấy đồi cỏ đã đủ rộng để chăn thả gia súc, gia đình mình đào hào, đóng cọc làm ranh giới, không để trâu, bò sang đất của các gia đình khác”, anh Phây cho hay.

Trong khi tôi mải ngắm đồng cỏ mênh mông, tận hưởng không khí trong lành thì anh Phây đã đi tít về phía xa, hú gọi đàn gia súc trở về. Tiếng hú của anh văng vẳng trên bát ngát đồng cỏ xanh.

Một lúc sau, tôi đã thấy đàn trâu, bò từ các hướng kéo nhau về phía chiếc chuồng tạm dưới thung lũng. Không phải vài ba, năm bảy con, mà có tới vài chục con cả to lẫn nhỏ, đứng vênh sừng như chờ đợi điều gì.

Anh Phây lấy muối trong túi ra, đều tay rắc trên những tảng đá nhẵn thín. Đàn gia súc thấy vậy chen nhau đến liếm những hạt muối mặn có vẻ khoái chí. Anh Phây bảo mỗi tuần vợ chồng mình lên núi 2 lần để kiểm tra đàn gia súc, mang muối lên cho chúng ăn. Bây giờ thành thói quen, chỉ cần lên hú gọi là chúng biết sẽ được ăn muối nên lũ lượt kéo về chuồng. Còn bình thường trâu, bò cứ tự do đi tìm cỏ, tối lại quay về chuồng ngủ, không cần người chăn dắt.

Đặng Hữu Phây “thả” cả tỷ đồng trên đỉnh núi

Tôi hỏi cả đàn gia súc có bao nhiêu con, anh Phây cười: “Năm 2015, mình bán đi 13 con trâu, bò được gần 200 triệu đồng, bây giờ còn 30 con bò, 15 con trâu và 20 con dê nữa”.

Tôi nhẩm tính, với số gia súc này, anh Phây đang “thả” cả tỷ đồng trên núi Tê Giác. Thảo nào người dân ở đây đều gọi anh là “triệu phú trâu, bò” hay “vua trâu trên núi Tê Giác”.

Triệu phú từ lúa, ngô và thảo quả

Tôi vào thăm nhà anh Đặng Hữu Phây. Ngôi nhà gỗ rộng rãi nằm cuối thôn Nậm Hò. Bên cạnh nhà, chị Triệu Thị Mấy, vợ anh Phây, cùng con gái đang bận rộn dọn kho thóc để chuẩn bị cho vụ thu hoạch mới.

Ở đây, đồng bào Dao đỏ nhà nào cũng có một kho thóc làm bằng gỗ dạng nhà sàn, trông như một cái chòi nhỏ để chứa thóc, ngô sau khi thu hoạch xong. Nậm Hò, Nậm Cần từ lâu đã nổi tiếng là hai thôn “giàu” nhất xã Dần Thàng. Lý do đơn giản vì ở đây có cánh đồng lúa rộng mênh mông nằm trong thung lũng khá bằng phẳng. Đồng bào Dao đỏ chăm chỉ lao động, thu nhập chủ yếu từ trồng lúa, ngô.

Anh Phây trò chuyện: Trước đây, tuy bà con có nhiều ruộng nhưng thóc lúa không nhiều, vì chủ yếu là trồng giống lúa địa phương cho năng suất thấp, nhà nhiều nhất cũng chỉ được 70-80 bao thóc. Khoảng 10 năm trở lại đây, bà con tích cực trồng các giống lúa lai có năng suất cao, nên mỗi năm hộ nào ít nhất cũng thu hoạch được 60 bao thóc, có hộ được nhiều thu hoạch cả trăm bao thóc.

Đặng Hữu Phây “thả” cả tỷ đồng trên đỉnh núi

- Vậy nhà anh mỗi năm thu hoạch được bao nhiêu bao thóc? Tôi hỏi.

- Nhà mình gieo cấy 25 kg thóc giống, mỗi năm được khoảng 120 bao. Tính ra khối lượng thì được khoảng 6 tấn thóc. Đấy là còn một nửa diện tích ruộng nữa mình cho anh, em mượn để gieo cấy, vì nhà mình neo người không đủ sức để làm hết ruộng.

- Ngoài lúa ra, ngô có thu hoạch được nhiều không?

- Ngô thì ít hơn, mỗi năm nhà mình chỉ thu được trên 1 tấn thôi, cũng đủ để chăn nuôi gia súc, không phải đi mua ngoài. Đất ở đây không phù hợp để trồng ngô, và giá ngô bây giờ cũng thấp, tiêu thụ khó, nên bà con chỉ trồng để chăn nuôi.

Trong gian nhà anh Phây lúc nào cũng thoang thoảng một mùi hương quen thuộc, tôi nhận ra đó là hương thảo quả khô, được coi là “vàng nâu” của vùng cao Tây Bắc. Thì ra, cùng với trồng lúa, ngô, anh Phây còn trồng thảo quả dưới tán rừng già. Mỗi năm gia đình anh thu hoạch 4 tạ thảo quả, bán được khoảng 40 triệu đồng. Năm 2015, do núi cao có tuyết phủ, nên thảo quả mất mùa, gia đình anh Phây chỉ thu được hơn 20 triệu. Tuy ít hơn mọi năm, nhưng với vùng cao, đó cũng không phải là khoản tiền nhỏ. Tính tổng thu nhập từ trồng trọt và chăn nuôi, mỗi năm gia đình anh Đặng Hữu Phây thu nhập khoảng 200 triệu đồng.

Trò chuyện với Đặng Hữu Phây, tôi càng thêm bất ngờ vì anh vừa là một nông dân chính hiệu, hiện nay còn là Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Dần Thàng. Làm cán bộ xã đã luôn bận rộn với công việc, anh còn dành thời gian cho phát triển kinh tế gia đình, 2 lần được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về sản xuất kinh doanh giỏi (năm 2010, 2013), được Trung ương Đoàn tặng Giải thưởng Lương Định Của dành cho Nhà nông trẻ xuất sắc năm 2013...

Đặng Hữu Phây nhớ lại: “Năm 2001, mình làm Phó Bí thư Đoàn xã Dần Thàng. Nhờ cố gắng phấn đấu, năm 2004 được giao nhiệm vụ Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Dần Thàng. Tuy nhiên, đến cuối năm 2008, các con đều đi học xa, bố mẹ già lâm bệnh nặng không có ai chăm sóc, trong nhà chỉ còn vợ phải gánh vác hết việc gia đình, ruộng nương quá vất vả. Mình công tác ở xã cách nhà hơn 20 km, đường đất đi lại rất khó khăn. Sau nhiều đêm suy nghĩ, mình không còn lựa chọn nào khác, đành phải viết đơn xin nghỉ việc để về chăm sóc bố mẹ và tập trung lao động sản xuất nuôi các con ăn học”.

Đặng Hữu Phây “thả” cả tỷ đồng trên đỉnh núi

Thế là ngày ngày, người ta đều thấy Phây tất bật với ruộng nương, chăn thả gia súc, chăm lo việc gia đình. Tuy bất đắc dĩ phải xin nghỉ việc ở xã, nhưng Đặng Hữu Phây vẫn ấp ủ mong muốn một ngày được tiếp tục quay trở lại cống hiến.

Năm 2010, Phây được bà con và các đảng viên trong Chi bộ tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Nậm Hò. Sau đó, anh làm Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, rồi từ 7/2015 Đặng Hữu Phây được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Dần Thàng. Dù ở cương vị nào, anh cũng cố gắng hết mình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Buổi tối hôm đó tôi ở lại nhà anh Phây. Tiết trời Nậm Hò đầu thu se lạnh. Bữa cơm thật ngon miệng vì có thịt gà đồi và đĩa măng bói giòn ngọt gia đình anh trồng thử mới cho thu hoạch. Bếp lửa cứ bập bùng cháy. Còn câu chuyện về chặng đường lập nghiệp thăng trầm của Đặng Hữu Phây cứ như một cuốn phim để lại dấu ấn đậm nét khiến tôi không thể nào quên.

TUẤN NGỌC

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/trieu-phu-trau-bo-tha-tien-ty-tren-nui-te-giac-post177827.html