Triệu Phong tích cực triển khai sản xuất vụ hè thu

Để sản xuất vụ hè thu đạt hiệu quả cao, căn cứ Thông báo số 837 ngày 19/4/2022 của Sở Nông nghiệp và PTNT về thông báo lịch thời vụ và cơ cấu giống cây trồng vụ hè thu và thu đông năm 2022 cũng như căn cứ vào đặc điểm khí hậu, đất đai, tình hình sử dụng vật tư kỹ thuật, phương thức canh tác của nông dân, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Triệu Phong yêu cầu các địa phương bám sát khung thời vụ của huyện để thực hiện.

Người dân triển khai khâu làm đất vụ hè thu - Ảnh: N.V

Theo đó, những vùng ruộng chủ động nước tưới, nhất là các xã vùng trũng phải bố trí thời vụ gieo cấy sớm từ đầu tháng 5, kết thúc gieo sạ chậm nhất đến 20/5/2022, đối với diện tích gieo sau ngày 20/5 đến 25/5 phải gieo sạ các giống có thời gian sinh trưởng ngắn và cực ngắn dưới 90 ngày như HN6, Khang Dân để đảm bảo thu hoạch trước ngày 25/8/2022. Những vùng ruộng cao, ít bị ngập lũ, không chủ động nước tưới, lịch gieo sạ có thể bố trí muộn hơn nhưng phải đảm bảo thu hoạch trước ngày 30/8/2022, chậm nhất đến ngày 5/9/2022 để tránh ngập khi mưa lũ xảy ra.

Vụ hè thu năm nay toàn huyện Triệu Phong gieo cấy trên diện tích gần 5.540 ha. Các giống lúa chủ lực được người dân sản xuất đại trà (cơ cấu 70% diện tích) gồm HN6, Khang Dân, Bắc Thơm 7, Đài Thơm 8, Dự Hương 8, HC95. Các giống lúa bổ sung (cơ cấu dưới 20% diện tích) gồm ST24, ST25, VNR20, Thiên Ưu 8, NA2, An Sinh 1399, Bắc Thịnh, Hà Phát 3 , ĐD2. Bên cạnh đó, người dân cũng đưa dần vào sản xuất các giống lúa đã khảo nghiệm có triển vọng (cơ cấu dưới 10% diện tích) gồm QR1, DCG66. Giống lúa đưa vào sản xuất đạt tiêu chuẩn về phẩm cấp theo quy định (giống nguyên chủng, xác nhận), không có tình trạng sử dụng giống lúa đã thoái hóa, thóc thịt làm giống. Lượng giống sử dụng gieo sạ từ 70 - 80 kg/ha.

Đặc biệt, với phương châm sản xuất tập trung, đồng loạt trên từng khu vực, từng cánh đồng, không để cùng một cánh đồng có nhiều trà lúa khác nhau nên người dân đã tuân thủ nghiêm ngặt sự chỉ đạo của ngành nông nghiệp. Đối với cơ cấu tỉ lệ giống đưa vào sản xuất trên địa bàn xã không quá 30% diện tích cho mỗi giống. Do đó, các hợp tác xã đã cơ cấu từ 3 - 4 loại giống lúa phù hợp từ bộ giống lúa khuyến cáo của tỉnh, huyện để tập trung thâm canh.

Để kịp thời chỉ đạo các địa phương, lãnh đạo huyện thường xuyên trực tiếp xuống đồng để tháo gỡ khó khăn cho nông dân. Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong Phan Văn Linh cho biết, các địa phương đã thực hiện tốt khung lịch thời vụ để triển khai sản xuất vụ hè thu. Kết quả nổi bật nhất là đã đẩy mạnh chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng cơ giới hóa trong quá trình sản xuất cũng như liên doanh, liên kết giữa nhà nông với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm. Trong thời gian tới, huyện sẽ chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT tích cực thăm đồng, chỉ đạo sản xuất, hướng dẫn nông dân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng để đạt năng suất cao nhất.

Đồng hành với quá trình sản xuất, Xí nghiệp Thủy nông Nam Thạch Hãn đã chủ động xây dựng phương án cung cấp nước tưới cho các HTX sản xuất nông nghiệp. Các trạm, tổ thủy nông của xí nghiệp tăng cường kiểm tra kênh mương, điều tiết nước hợp lý, tích cực bám sát địa bàn nắm chắc tình hình trong từng đợt tưới, không để lãng phí nước hoặc tranh chấp nước tưới giữa các địa phương, quản lý chặt khẩu độ các cống trên kênh cấp 1, kênh cấp 2 và kênh vượt cấp theo đúng lịch đã phân, hạn chế mức thấp nhất lượng nước chảy về kênh tiêu.

Tổ chức tưới luân phiên trên kênh cấp 1 và kênh vượt cấp đảm bảo nước tưới, nhất là nước tưới cho các chu kỳ sinh trưởng của cây lúa như ngay sau khi gieo xong, thời kỳ tỉa dặm và thời kỳ lúa làm đòng. Các HTX nông nghiệp triển khai biện pháp chống tổn thất nước như be bờ đắp đập giữ nước, nạo vét khơi thông dòng chảy kênh tiêu để tập trung nước bơm chống hạn, kiểm tra bảo dưỡng công trình máy móc thiết bị các trạm bơm phục vụ sản xuất. Điện lực Triệu Phong có kế hoạch cung cấp đủ điện để trạm bơm phục vụ tưới cho sản xuất. Hiện nay, hệ thống kênh Nam Thạch Hãn trên địa bàn huyện Triệu Phong có 16,3 km kênh chính, kênh cấp 1 hơn 31,2 km, kênh cấp 2 hơn 146 km, kênh nội đồng 442,02 km.

Để tránh bỏ hoang đất sản xuất nông nghiệp, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện chỉ đạo các địa phương, HTX rà soát diện tích ruộng lúa thiếu nước không thể sản xuất hoặc sản xuất lúa hiệu quả thấp để vận động người dân chuyển đổi sang cây trồng cạn như đậu xanh, ngô, lạc, rau hoặc các hình thức sản xuất khác phù hợp mang lại hiệu quả cao hơn…

Tuấn Việt

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=167772&title=trieu-phong-tich-cuc-trien-khai-san-xuat-vu-he-thu