Triệu Phong chú trọng khám, chữa bệnh cho người dân bằng y học cổ truyền

Hội Đông y huyện Triệu Phong có 4 chi hội trực thuộc với tổng số 35 hội viên. Thực hiện phương châm kết hợp đông- tây y điều trị cho người bệnh, các phòng chẩn trị y học cổ truyền tư nhân được mở ở nhiều địa phương và nhiều trạm y tế xã đã có y sĩ y học cổ truyền. Hằng năm, từ trung tâm y tế đến trạm y tế xã và các phòng chẩn trị đông y tư nhân tích cực khám, chữa bệnh cho hàng trăm lượt người bệnh bằng y học cổ truyền.

Vườn thuốc nam mẫu ở Bệnh viện huyện Triệu Phong -Ảnh: XV

Cùng với công tác khám, chữa bệnh, Hội Đông y huyện còn đẩy mạnh khôi phục vườn thuốc nam mẫu ở tuyến huyện và trạm y tế xã để tuyên truyền cho cộng đồng biết cách sử dụng thuốc nam. Qua đó, vận động người dân trồng khóm thuốc gia đình để dùng khi cần, góp phần thực hiện chuẩn quốc gia về y tế.

Đến nay, đã có nhiều hộ dân trồng, chế biến dược liệu với diện tích khá lớn như trồng cây cà gai leo, dây thìa canh, sâm Bố Chính, cây an xoa. Tại thôn Gia Độ, xã Triệu Độ đã có công ty đầu tư phát triển mô hình nuôi trồng thành công sản phẩm đông trùng hạ thảo với sản lượng hằng năm hơn 20.000 hộp thành phẩm, trọng lượng mỗi hộp từ 150g- 200g, giá 80.000 đồng/ hộp, doanh thu đạt 1,5 tỉ đồng/năm.

Ở xã Triệu Sơn đã có công ty sản xuất chế biến nhiều sản phẩm như tinh bột cát căn, liên nhục, diếp cá, nghệ, ngũ cốc, đạt doanh thu hơn 1,5 tỉ đồng/năm. Xã Triệu Trung có cơ sở chưng cất các loại tinh dầu như dầu tràm, dầu sả, dầu bưởi, dầu ngũ sắc, đạt doanh thu khoảng 1 tỉ đồng/năm. Các sản phẩm dược liệu này đều được đăng ký nhãn hiệu và đã có mặt trên thị trường thuốc toàn quốc.

Với đội ngũ thầy thuốc có tay nghề cao, nguồn thuốc đảm bảo, từ năm 2018 đến nay, trung tâm y tế từ huyện đến cơ sở đã khám và chữa bệnh bằng y học cổ truyền cho 112.790 lượt bệnh nhân, trong đó số bệnh nhân điều trị không dùng thuốc gần 74.000 lượt người. Đối với điều trị kết hợp đông- tây y đã chữa lành bệnh cho gần 37.600 bệnh nhân, đạt hơn 33%, bệnh nhân đỡ bệnh nhiều 70.000 người, đạt 61,9%, bệnh nhân đỡ ít hoặc không đỡ bệnh phải chuyển qua điều trị bằng y học hiện đại chỉ chiếm 4,7%.

Để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ thầy thuốc, Hội Đông y huyện chú trọng công tác hội thảo, nghiên cứu khoa học về y học cổ truyền. Theo đó, hội đã tổ chức hội thảo “Những bài thuốc hay, cây thuốc quý và các phương pháp điều trị bằng y học cổ truyền có hiệu quả” được tổ chức 2 năm 1 lần để trao đổi kinh nghiệm, học tập giữa các thế hệ thầy thuốc.

Bên cạnh đó, hằng năm, thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện về công tác quản lý hành nghề y tế tư nhân về y học cổ truyền, kiểm soát chất lượng dược liệu, Phòng Y tế và Hội Đông y huyện tiến hành nhiều đợt kiểm tra các phòng chẩn trị y học cổ truyền trên địa bàn huyện để kịp thời hướng dẫn và chấn chỉnh những thiếu sót trong thực hiện khám, chữa bệnh, việc ghi chép sổ sách, đảm bảo chất lượng và nguồn gốc dược liệu, thuốc cổ truyền để thầy thuốc thực hiện đúng Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các văn bản quy phạm pháp luật, quy chế chuyên môn của Nhà nước và Bộ Y tế ban hành.

Để giúp cán bộ, hội viên thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn và y đức của người thầy thuốc, Hội Đông y huyện tổ chức học tập, nghiên cứu các quy định liên quan đến nghề y, trong đó có Chỉ thị số 24 ngày 4/7/2008 của Ban Bí thư, khóa X về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới. Theo đó, Hội Đông y huyện đã bám sát 5 quan điểm chỉ đạo, 3 mục tiêu lớn, 9 nhiệm vụ và giải pháp của chỉ thị để nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên và tiến hành xây dựng nội dung công việc cụ thể để thực hiện.

Ghi nhận thành tích đạt được, từ năm 2018 đến nay, Hội Đông y huyện được Trung ương Hội Đông y Việt Nam, UBND tỉnh tặng bằng khen, nhiều tập thể, cá nhân được Hội Đông y tỉnh, UBND huyện tặng giấy khen vì đã có nhiều thành tích trong công tác khám, chữa bệnh.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch Hội Đông y huyện Triệu Phong Lương Minh Trí cho biết, Hội Đông y huyện sẽ tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 24 năm 2008 của Ban Bí thư để phát triển y học cổ truyền trên địa bàn huyện, góp phần làm tốt công tác khám, chữa bệnh cho Nhân dân. Tăng cường kết nạp cán bộ, hội viên theo kế hoạch, đồng thời củng cố, sắp xếp lại các chi hội do có sự thay đổi của cán bộ, hội viên và xem xét thành lập hội liên kết xã cũng như củng cố và phát triển hệ thống phòng chẩn trị để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng y học cổ truyền đáp ứng nhu cầu của cộng đồng.

Để đạt được kế hoạch đó, Hội Đông y huyện tạo điều kiện cho cán bộ, hội viên tham gia học tập để cập nhật tiến bộ mới của y học nhằm nâng cao trình độ chuyên môn phục vụ tốt công tác khám, chữa bệnh; đồng thời phối hợp với ngành y tế huyện hướng về cơ sở, tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn về y học cổ truyền, phát triển vườn thuốc nam mẫu ở các cơ sở y tế và khóm thuốc gia đình trong Nhân dân, trong đó chú trọng nhân rộng mô hình trồng, chế biến những dược liệu có tác dụng chữa bệnh hiệu quả cao.

Mặt khác, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và y đức, kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền, đảm bảo chất lượng dược liệu, dùng thuốc có nguồn gốc rõ ràng, có hóa đơn đúng quy định, thực hiện ghi chép sổ sách đầy đủ và nâng cao chất lượng hội thảo “Những bài thuốc hay, cây thuốc quý và các phương pháp điều trị bằng y học cổ truyền có hiệu quả”.

Bên cạnh công tác chuyên môn, Hội Đông y huyện Triệu Phong chú trọng công tác từ thiện- xã hội để khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cũng như tặng quà cho đối tượng chính sách, người nghèo trong huyện.

Xuân Vinh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/trieu-phong-chu-trong-kham-chua-benh-cho-nguoi-dan-bang-y-hoc-co-truyen/180904.htm