Triều Nguyễn với các di sản văn hóa cung đình

Triều Nguyễn là triều đại quân chủ cuối cùng tại Việt Nam, với gần 400 năm tồn tại (1558-1945), các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn đã để lại cho dân tộc những di sản văn hóa vô cùng phong phú và mang giá trị đặc biệt.

Huế là thủ phủ của các chúa Nguyễn và là kinh đô của vương triều Nguyễn nên đã thừa hưởng được nhiều di sản văn hóa quan trọng. Cho đến nay, Huế đã có 5 di sản của triều Nguyễn được UNESCO công nhận. Trong những năm qua, cùng với sự đổi mới và phát triển của đất nước, sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa cung đình thời Nguyễn đã đạt được nhiều thành quả to lớn, góp phần xây dựng Huế trở thành một trung tâm văn hóa du lịch của đất nước, thành phố festival đặc trưng của Việt Nam.

Đêm hoàng cung nguy nga, tráng lệ – Ảnh Trương Vững

Công cuộc xây dựng kinh đô Huế thời Nguyễn bắt đầu từ năm 1804, kéo dài qua suốt thời Gia Long (1802-1820), qua gần hết thời Minh Mạng (1820-1840) mới cơ bản hoàn chỉnh.

Vua Gia Long đã cho xây dựng Hoàng thành (từ 1804), rồi Kinh thành cùng các công trình kiến trúc liên quan (từ 1805), xây dựng đàn Nam Giao (1806), đàn Xã Tắc (1806), Kỳ Đài (1807), Văn Miếu (1808), trùng kiến lăng các chúa Nguyễn và các Phi (1807-1808), quy hoạch và xây dựng Thiên Thọ lăng (tức lăng Gia Long)…

Vua Minh Mạng quy hoạch lại Hoàng thành và Tử cấm thành (từ 1821 với việc xây dựng Thế Miếu), xây dựng Ngọ Môn (1833), hoàn chỉnh việc xây tường gạch cho Kinh thành, xây dựng các vọng lâu trên cửa thành (1829-1831), đào hoàn chính sông Ngự Hà bên trong Kinh thành (1825) cùng hệ thống hào, sông hộ thành và thủy hệ bên ngoài, xây dựng Hổ Quyền (1830), Võ Miếu, quy hoạch và xây dựng Hiếu lăng (tức lăng Minh Mạng, từ 1840)…

Trao bằng di sản ký ức Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế – Ảnh Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế

Đến thời vua Thiệu Trị (1841-1847) và vua Tự Đức (1848-1883), Kinh thành Huế vẫn được xây dựng bổ sung một số công trình, đáng kể nhất là Xương lăng (lăng Thiệu Trị) và Khiêm lăng (lăng Tự Đức), một số khu vườn hoàng gia bên trong và ngoài Kinh thành cùng một số biệt cung, hành cung khác. Có thể nói, bốn vị vua đầu triều Nguyễn đã tạo nên một kinh đô Huế hoàn bị và vẫn mang đậm bản sắc văn hóa phương Đông truyền thống.

Nhưng từ thời vua Đồng Khánh (1885-1888) về sau, do ảnh hưởng của văn minh phương Tây, một số công trình đã sử dụng vật liệu mới, thậm chí mang phong cách châu Âu được xây dựng thêm hoặc thay thế công trình cũ ở cả bên trong và bên ngoài Kinh thành, như lăng Đồng Khánh, lăng Khải Định, cung An Định, lầu Kiến Trung. Điều đó khiến diện mạo kiến trúc của kinh đô Huế càng thêm phong phú, đa dạng.

Khu Thế miếu với những trầm tích được gìn giữ qua hàng trăm năm – Ảnh Trương Vững

Như vậy, việc xây dựng kinh đô Huế đã được đặt cơ sở từ thời chúa Nguyễn, nhưng các vua Nguyễn mới thực sự là những người kiến tạo và hoàn chỉnh về mọi mặt, từ quy hoạch đến cấu trúc đô thị.

Kinh đô Huế của triều Nguyễn là kinh đô có quy mô to lớn, hoàn chỉnh nhất của một nước Việt Nam thống nhất với cương vực lãnh thổ rộng lớn nhất trong lịch sử phát triển của dân tộc cho đến thời điểm đó. Đây là sự kết tinh của công sức, trí tuệ và thành quả lao động sáng tạo của bao nhiêu trí thức, nghệ nhân, thợ khéo của cả nước.

Tại kinh đô này, một triều đại quân chủ tập quyền với các thể chế hoàn chỉnh nhất trong lịch sử, từ luật pháp, điển chế, nghi lễ, âm nhạc đến bộ máy chính quyền từ trung ương đến cơ sở đã được thiết lập và hoạt động từ đầu thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX.

Tại kinh đô này đã từng có một nền học thuật phát triển thu hút rất nhiều nhân tài đến làm việc, cống hiến, để lại một khối lượng công trình tác phẩm khổng lồ do các cơ quan của triều đình và các cá nhân trước tác, biên soạn, “nhiều hơn tất cả các triều đại trước đó cộng lại” – Giáo sư Trần Văn Giàu từng nhận xét. .

Chính vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi ngày nay Huế là nơi có số lượng di sản văn hóa hàng đầu của Việt Nam, là địa phương đầu tiên của nước ta được UNESCO vinh danh các di sản văn hóa, bao gồm cả di sản vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu, trong đó nổi bật là hệ thống di sản văn hóa cung đình của triều Nguyễn.

Hoàng Dương

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/trieu-nguyen-voi-cac-di-san-van-hoa-cung-dinh/