Triệu chứng và những lưu ý của bệnh tổ đỉa

Tổ đỉa có biểu hiện là những mụn nước màu trắng trong, kích thước nhỏ khoảng 1mm, nằm sâu, chắc, khó vỡ, thường tập trung thành từng chùm hơi gồ trên mặt da. Đôi khi nhiều mụn nước kết tụ thành bóng nước lớn.

Triệu chứng khi bị bệnh tổ đỉa

Bệnh tổ đỉa thường được chia thành nhiều thể lâm sàng dựa vào mức độ tổn thương:

Thể đơn giản: tổn thương vừa và nhẹ, đây là thể lâm sàng thường gặp.
Thể nhiễm khuẩn: tác nhân gây bệnh xâm nhập vào da, xuất hiện mụn mủ.
Thể bọng nước: hình thành các bọng nước to trên da nếu da không có phương pháp chăm sóc thích hợp, thường xuyên tiếp xúc hóa chất.
Thể khô: không xuất hiện mụn nước, chỉ có tình trạng da đỏ rát, tróc vảy.

Các triệu chứng bệnh thường kéo dài 3 - 4 tuần, sau đó biến mất và có thể tái phát nhiều lần. Cụ thể các triệu chứng là:

Tổn thương thường đối xứng và bệnh thường không bao giờ vượt quá cổ tay, cổ chân.
Bệnh thường xảy ra từng đợt, trước khi nổi mụn nước thường có cảm giác ngứa, rát, một số trường hợp kèm tăng tiết mồ hôi.
Mụn nước của bệnh tổ đỉa thường có xu hướng khô ít khi tự vỡ, rồi để lại một điểm dày sừng màu vàng đục, tróc da.
Khi bị nhiễm khuẩn thì mụn nước hoặc bóng nước sẽ đục, sưng đỏ kèm theo sưng hạch bạch huyết ở vùng kế cận và người bệnh nóng sốt.
Nếu người bệnh gãi, chà xát làm vỡ mụn nước, dễ thành nhiễm khuẩn phụ, sưng tấy, nổi hạch, có khi phát sốt.
Bệnh tiến triển dai dẳng, hay tái phát theo chu kỳ (dân gian gọi là theo tuần trăng) thành mạn tính, kéo dài nhiều tháng, nhiều năm, trở ngại nhiều cho sinh hoạt, lao động nếu không được điều trị đúng cách.

Bệnh tổ đỉa, là một thể đặc biệt của bệnh chàm, khu trú ở lòng bàn tay, bàn chân và rìa các ngón, Bệnh thường gặp ở tuổi từ 20 đến 40, nam nữ có tỷ lệ bằng nhau.

Nguyên nhân mắc tổ đỉa

Dị ứng với hóa chất trong sinh hoạt, trong nghề nghiệp như xăng, dầu mỡ, thuốc kháng sinh, xà bông thơm, xà phòng giặt, chất tẩy rửa, dầu thơm, xi măng, vôi v.v...
Do nhiễm khuẩn trong khi làm việc, tiếp xúc với đất, nước bẩn.
Dị ứng với nấm kẽ chân.
Do tăng tiết mồ hôi tay chân
Dị ứng thức ăn: hải sản, trứng, thịt gà, bò, đậu phộng, đậu nành, đồ lên men, tinh bột… bệnh có thể tái phát lại nếu hiện diện các yếu tố thúc đẩy bệnh như đã kể ở trên.

Những điều cần lưu ý khi mắc tổ đỉa

Do bệnh rất dễ tái phát, nên phòng tránh rất quan trọng.

Nên rửa tay chân nhẹ, không cào gãi,làm xây xước các mụn nước đề phòng nhiễm khuẩn phụ
Tránh bóc vảy, chọc lể mụn..
Không nên ngâm tay nhiều làm ẩm ướt lớp sừng, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm phát triển mạnh hơn.
Tránh tiếp xúc xăng dầu, mỡ, xà phòng, hóa chất, thuốc tẩy rửa. Khi cần phải đeo găng bảo vệ
Cắt ngắn móng tay và giữ khô, sạch da lòng bàn tay, lòng bàn chân.
Hạn chế tiếp xúc với các dị nguyên có khả năng gây dị ứng để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh như hóa chất, lông động vật,...
Uống thêm các loại vitamin như A, B, C. Nếu mụn nước bị vỡ có thể xức thuốc sát khuẩn tránh nhiễm trùng và uống thêm kháng sinh.
Sử dụng thuốc điều trị bệnh theo đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, không nên quá lạm dụng thuốc khiến hàng rào bảo vệ da bị ảnh hưởng.

Hạn chế tiêu thụ thực phẩm nhiều đường, đồ cay nóng, đồ ăn nhiều dầu mỡ, thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, đậu phộng,...
Uống đủ nước mỗi ngày, tránh dùng đồ uống có cồn, chất kích thích do những ảnh hưởng xấu đến hệ miễn dịch.
Xây dựng lối sống sinh hoạt khoa học và lành mạnh, có thời gian nghỉ ngơi và làm việc hợp lý để tránh căng thẳng kéo dài,
Khi điều trị bệnh tổ đỉa, ngoài các phương pháp điều trị của bác sĩ đưa ra thì sự phối hợp, tuân thủ điều trị của bệnh nhân là hết sức quan trọng để nhanh chóng cải thiện tình trạng bệnh.

Bs Vũ Mai Khanh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/trieu-chung-va-nhung-luu-y-cua-benh-to-dia-169230626105909429.htm