Triệt phá cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng giảm cân giả tại Hà Nội

Một cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng giảm cân giả quy mô lớn tại quận Bắc Từ Liêm – Hà Nội vừa bị lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ.

Cụ thể, đội Cảnh sát Kinh tế Công an quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội vừa phối hợp Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện, bắt giữ quả tang một nhóm đối tượng đang sản xuất thực phẩm chức năng tăng, giảm cân giả.

Nhóm đối tượng sản xuất thực phẩm chức năng giả tại cơ quan điều tra

Nhóm đối tượng sản xuất thực phẩm chức năng giả tại cơ quan điều tra

Theo đó, nhóm đối tượng liên quan đã bị bắt giữ để phục vụ công tác điều tra gồm: Phạm Huy Hiếu (SN 1999) trú tại xã Liên Giang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình; Nguyễn Văn Hoàng (SN 2000) trú tại xã Trực Đạo, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định; Nguyễn Đức Hoàn (SN 2000) trú tại xã Cát Phong, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.

Trước đó, ngày 2/11, tổ công tác Đội Cảnh sát Kinh tế, Công an quận Bắc Từ Liêm phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 1, Cục QLTT Hà Nội tiến hành kiểm tra điểm tập kết hàng hóa ở địa chỉ tại đường Phú Minh, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm do Nguyễn Văn Hoàng làm chủ. Tại đây, tổ công tác phát hiện Nguyễn Văn Hoàng cùng Nguyễn Đức Hoàn đang đóng hộp một số hàng hóa là thực phẩm chức năng mang nhãn hiệu CANXI PLUS; TOCA; V3; EXTRAMAN; MOLI; LADY và hộp viên sủi an thần. Toàn bộ hàng hóa đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Tại cơ quan công an, Nguyễn Văn Hoàng khai nhận mua số hàng trên từ một đối tượng có tên Phạm Huy Hiếu. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Đội Cảnh sát Kinh tế Công an quận Bắc Từ Liêm đã phối hợp với Công an tỉnh Thái Bình rà soát, xác định được địa chỉ của đối tượng Hiếu tại xã Liên Giang và triệu tập, di lý đối tượng Hiếu về trụ sở Công an quận Bắc Từ Liêm để giải quyết vụ việc.

Còn Hoàng và Hiếu khai nhận, do không có việc làm đã tìm kiếm thông tin về việc mua bán hàng giả là thực phẩm chức năng. Hiếu là người trực tiếp mua các sản phẩm từ các hội nhóm trên mạng xã hội, sau đó bán cho Hoàng để bán lẻ cho người có nhu cầu.

Tổ công tác đã làm việc với đại diện Công ty TNHH thương mại KHT - đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng của sản phẩm viên sủi an thần và thực phẩm bảo vệ sức khỏe TOCA. Qua kiểm tra, xác định toàn bộ số sản phẩm thu giữ là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Ngoài ra, các sản phẩm khác như thực phẩm bảo vệ sức khỏe EXTRAMAN, LADY, MOLI đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc và chất lượng. Cơ sở không có giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh theo quy định.

Cơ quan chức năng đã thu giữ tổng cộng 893 hộp thực phẩm chức năng giả. Trong đó có 175 hộp thực phẩm chức năng CANXI PLUS; 102 hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhãn hiệu TOCA; 75 hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhãn hiệu V3; 108 hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhãn hiệu EXTRAMAN; 385 hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhãn hiệu viên sủi an thần; 93 hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhãn hiệu MOLI; 132 hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhãn hiệu LADY.

Hiện, Đội Cảnh sát Kinh tế Công an quận Bắc Từ Liêm đang tập trung khai thác điều tra mở rộng và làm rõ các đối tượng có liên quan trong vụ việc.

Việc sản xuất và buôn bán thực phẩm chức năng giả ngày càng “nở rộ” do lợi nhuận khủng, các đối tượng không cần có cửa hàng, cửa hiệu mà chỉ cần đăng tin trên mạng xã hội, vào các hội nhóm và “chốt đơn” khá dễ dàng.

Đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng liên tục tổ chức ra quân, kiếm tra, kiểm soát các điểm sản xuất, kinh doanh thuốc, thực phẩm chức năng và mạnh tay với các hình thức kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng này. Vào tháng 7/2022, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng phối hợp với các cơ quan chức năng tiêu hủy gần 8 tấn hàng hóa là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, trang thiết bị y tế nhập lậu, không đảm bảo lưu thông trên thị trường.

Cụ thể, ngày 22/7/2022, Đội Quản lý thị trường số 12 (Cục QLTT TP. Hà Nội) phối hợp với Công an quận Thanh Xuân và Phòng Thanh tra – pháp chế Cục QLTT TP. Hà Nội giám sát buộc tiêu hủy gần 8 tấn hàng hóa là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, trang thiết bị y tế nhập lậu, không đảm bảo lưu thông trên thị trường, trị giá hơn 2,4 tỷ đồng.

Toàn bộ gần 8 tấn hàng hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, trang thiết bị y tế nhập lậu trị giá hơn 2.4 tỷ đồng bị tiêu hủy

Toàn bộ gần 8 tấn hàng hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, trang thiết bị y tế nhập lậu trị giá hơn 2.4 tỷ đồng bị tiêu hủy

Lô hàng trên thuộc sở hữu của Phạm Quốc Hưng (trú tại quận Cầu Giấy). Các sản phẩm bị tiêu hủy chủ yếu là dầu gội, dầu xả nhãn hiệu Biotin&Collagen đang được bán thịnh hành trên các trang mạng online, các loại viên uống trắng da, dưỡng da, … được chị em phụ nữ ưa chuộng.

Trước đó, ngày 29/9/2021, Đội QLTT số 12 thuộc Cục QLTT TP. Hà Nội phối hợp với Công an quận Thanh xuân kiểm tra cơ sở kinh doanh mỹ phẩm tại số 10B (ngõ 126 Hoàng Văn Thái, Thanh Xuân) của chủ kinh doanh là Phạm Quốc Hưng.

Kết quả, Đoàn kiểm tra đã tạm giữ 566 sản phẩm sữa tắm Tesori d'Oriente made in Italy là hàng mỹ phẩm giả và gần 8 tấn mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, trang thiết bị y tế nhập lậu.

Ngày 21/6/2022, Tòa án nhân dân quận Thanh Xuân đã tuyên bị cáo Phạm Quốc Hưng 30 tháng tù cho hưởng án treo về tội buôn bán hàng giả (đối với sản phẩm sữa tắm Tesori d'Oriente made in Italy).

Ngày 11/7/2022, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định xử phạt hành chính đối với Phạm Quốc Hưng, phạt tiền hơn 129 triệu đồng đối với các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và trang thiết bị y tế; không đăng ký thành lập hộ kinh doanh; kinh doanh hàng hóa trên nhãn có các thông tin không đúng sự thật và không niêm yết giá; đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa nhập lậu trị giá trên 2,4 tỷ đồng.

Nguyễn Duyên

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/triet-pha-co-so-san-xuat-thuc-pham-chuc-nang-giam-can-gia-tai-ha-noi-226465.html