Triển vọng trồng rừng gỗ lớn bằng giống keo lai nuôi cấy mô

Trồng rừng gỗ lớn bằng giống keo lai nuôi cấy mô (keo lai mô) đang là xu hướng sản xuất, kinh doanh rừng trồng có hiệu quả và bền vững trên địa bàn tỉnh. Đây là một trong những giải pháp quan trọng góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị của rừng trồng, nhất là rừng trồng gỗ lớn.

 Lãnh đạo tỉnh và ngành nông nghiệp kiểm tra mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn cây keo lai mô của HTX Phú Hưng - Ảnh: B.B

Lãnh đạo tỉnh và ngành nông nghiệp kiểm tra mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn cây keo lai mô của HTX Phú Hưng - Ảnh: B.B

Hơn 20 ha rừng giống keo lai mô được trồng trên địa bàn thôn Phú Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, thuộc quản lý của Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Phú Hưng đến nay đã được hơn 3 năm tuổi. Đây là một trong những đơn vị được Trung tâm Khuyến nông tỉnh (Sở Nông nghiệp và PTNT) chọn làm thí điểm xây dựng mô hình “Trồng rừng thâm canh gỗ lớn cây keo lai mô” với nguồn giống từ Trung tâm Khoa học lâm nghiệp Bắc Trung Bộ. Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Phú Hưng Nguyễn Thể cho biết: “Toàn HTX có 270 ha rừng, trong đó có 20 ha rừng gỗ lớn được trồng thí điểm bởi giống keo lai mô. Sau khi được tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc, các thành viên HTX đã áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trong việc trồng và chăm sóc. Sau hơn một năm rưỡi triển khai mô hình cho thấy cây phát triển tốt, tỉ lệ sống trung bình đạt 95%, chiều cao bình quân trên 3m, đường kính 1 bình quân 5,5cm, cây không bị sâu bệnh, khả năng chống chịu thiên tai tốt, ít gãy đổ”.

Đối với mô hình keo lai mô 20 ha trồng mới ở HTX Thượng Phước, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, hiện nay người dân đã thực hiện bón thúc phân đợt 2, cây phát triển tốt với chiều cao hơn 3m. Giám đốc HTX Thượng Phước Bùi Hữu Thiện cho biết: “Việc sử dụng giống keo lai mô bước đầu cho thấy nhiều ưu điểm vượt trội so với giống cây giâm hom. Người dân rất muốn nhân rộng mô hình, tuy nhiên có một thực tế là diện tích trồng rừng của các hộ dân đang còn nhỏ lẻ, manh mún, cần phải có sự liên kết của nhiều hộ dân với diện tích rừng tập trung ít nhất phải từ 5 ha trở lên mới thực hiện được. Ngoài ra, giá thành của giống keo lai mô đắt gần gấp 3 lần so với giống cây giâm hom nên cũng là một trở ngại trong việc nhân rộng mô hình nếu không có các chính sách hỗ trợ cây giống đối với người trồng rừng”.

Từ trước đến nay người dân trồng rừng chủ yếu là cây keo lai được sản xuất bằng phương pháp dâm hom với hệ rễ bàng nên dễ bị đỗ ngã khi mùa mưa bão. Từ năm 2019, Trung tâm Khuyến nông quốc gia triển khai dự án “Trồng rừng thâm canh gỗ lớn cây keo lai mô” tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế với mục tiêu chuyển giao kỹ thuật, áp dụng đồng bộ các biện pháp trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng các giống mới keo lai mô có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ nguồn vốn của Trung tâm Khuyến công quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã lựa chọn hai đơn vị làm thí điểm gồm HTX Phú Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng và HTX Thượng Phước, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong trên diện tích 40 ha với 2 dòng keo lai AH1 và AH7.

Tiến bộ mới áp dụng trong mô hình trồng rừng gỗ lớn của dự án là cây keo lai và keo tai tượng được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô. Ưu điểm vượt trội của giống keo lai mô là được lấy mẫu từ cây bố mẹ khỏe mạnh, nguồn giống sạch được bảo quản trong phòng kỹ thuật nên khi đưa ra hiện trường trồng rừng, cây con ít bị sâu bệnh, cây phát triển nhanh. Cây có bộ rễ cọc nên khả năng chống chịu thiên tai tốt, ít gãy đổ. Đặc biệt, trữ lượng gỗ lớn, chất lượng gỗ đồng đều và rút ngắn chu kỳ kinh doanh từ 4 -7 năm cho gỗ làm nguyên liệu giấy, gỗ dăm, từ 8 -12 năm cho gỗ lớn, gỗ xẻ, gỗ dân dụng. Để người dân nắm bắt các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới áp dụng vào sản xuất, dự án tổ chức tập huấn trồng rừng năm thứ nhất, chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng các năm tiếp theo. Riêng trong năm đầu tiên 2019, chương trình đã triển khai 11 lớp tập huấn cho các hộ dân tham gia mô hình về quy trình trồng rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế FSC với các bước thực hiện xử lý thực bì, xác định mật độ trồng phù hợp để tiến hành đào hố, bón phân, lấp hố, trồng cây và chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng sau khi trồng.

Thành công bước đầu từ các mô hình trồng keo lai mô đã mở ra hướng đi mới cho nông dân về đầu tư thâm canh rừng sản xuất hiệu quả, bền vững trên địa bàn tỉnh. Từ mô hình trồng cây keo lai mô, người dân bước đầu nâng cao nhận thức về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng, chủ động thay đổi dần cách trồng rừng truyền thống sang trồng rừng kinh tế. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hồng Phương cho biết: “Với những ưu điểm vượt trội của giống keo lai mô sẽ là điều kiện thuận lợi để nhân rộng mô hình trồng rừng gỗ lớn trong những năm tới. Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tham mưu trình UBND tỉnh ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ về vốn, giống, tập huấn kỹ thuật, liên kết tiêu thụ sản phẩm nhằm hỗ trợ người dân tham gia trồng rừng gỗ lớn sử dụng các giống cây lâm nghiệp hiệu quả”.

Việc định hướng nhân rộng diện tích trồng rừng thâm canh gỗ lớn giống cây keo lai mô trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới sẽ góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành lâm nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị giá trị của rừng trồng.

Bảo Bình

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=158724&title=trien-vong-trong-rung-go-lon-bang-giong-keo-lai-nuoi-cay-mo