Triển vọng phục hồi xuất khẩu năm 2024

Kết thúc năm 2023, kinh tế khó khăn nên xuất - nhập khẩu (XNK) của Việt Nam có phần suy giảm so với năm trước. Đối với địa phương có nhiều khu công nghiệp và các doanh nghiệp (DN) hoạt động XNK như Đồng Nai, việc suy giảm những chỉ số này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình phát triển chung của tỉnh.

Sản xuất tại một doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ở TP.Biên Hòa. Ảnh: V.Gia

Một điều đáng mừng là càng về cuối năm, triển vọng phục hồi XNK càng rõ nét hơn khi thị trường tại các quốc gia trọng điểm ổn định trở lại. Các DN cũng nỗ lực tận dụng cơ hội từ những hiệp định thương mại tự do đã ký kết, đồng thời tìm thêm thị trường mới, tiềm năng, tạo đà cho xuất khẩu khởi sắc hơn trong năm 2024.

* Triển vọng dần sáng hơn

Theo Bộ Công thương, càng về cuối năm, xuất khẩu của Việt Nam phục hồi rõ nét hơn. Tuy chưa đạt được mức tăng trở lại so với năm trước nhưng mức suy giảm tiếp tục được thu hẹp từ thực tế giảm 12% trong nửa đầu năm 2023 xuống mức giảm khoảng 4,6% trong cả năm 2023. Từ những triển vọng trên nên hoạt động XNK năm 2024 được dự báo vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định, song Việt Nam vẫn đặt chỉ tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trên 6% so với năm 2023. Cán cân thương mại tiếp tục có xuất siêu.

Tương tự, Tổng cục Thống kê đã thực hiện cuộc khảo sát với các DN về tình hình đơn hàng xuất khẩu năm 2024. Trong đó, 22% công ty khẳng định số đơn hàng xuất khẩu mới cao hơn; 45% công ty có đơn hàng xuất khẩu mới ổn định và 33% công ty có đơn hàng xuất khẩu mới giảm.

Qua khảo sát thực tế, các DN mong muốn chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng được kéo dài hết năm 2024 nhằm hỗ trợ giảm chi phí sản xuất, giữ được giá thành cạnh tranh.

Về xu hướng quý I-2024, khoảng 24,6% số DN dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới; 46,8% dự kiến ổn định và 28,6% số DN dự kiến giảm. Trong tình hình khó khăn từ những thị trường trọng điểm do người tiêu dùng tại các nước thắt chặt chi tiêu thì kim ngạch xuất khẩu sang các nước châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á tăng lên chứng tỏ các DN đã chủ động tìm cách trụ vững, phát triển. Mặt khác, DN đã tận dụng tốt các cơ hội mang lại từ các cam kết trong hiệp định thương mại tự do nhằm khai thác hết tiềm năng, lợi thế của mình.

Tại Đồng Nai, năm 2023, sản xuất công nghiệp tuy đạt mức tăng trưởng thấp nhưng vẫn có sự cải thiện, phục hồi tích cực qua từng quý (quý I giảm 9,63% so quý trước, quý II tăng 2,38%, quý III tăng 1,85%, quý IV tăng 3,41%) và tăng cao hơn mức tăng chung của cả nước (cả nước ước tăng 2,3%).

Hoạt động xuất khẩu hàng hóa của tỉnh tiếp tục gặp khó, chưa tăng trở lại như năm 2022, nhưng mức suy giảm có thu hẹp từ giảm gần 19% trong nửa đầu năm 2023 xuống hơn 12% trong cả năm 2023. Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận mức xuất siêu cao, đóng góp lớn vào xuất siêu của cả nước. Năm 2024, Đồng Nai phấn đấu kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 8% so với năm 2023.

* Tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), hoạt động XNK năm 2024 vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định. Xu hướng bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn, nhiều nước có các biện pháp đưa đầu tư về trong nước, dựng nên các rào cản thương mại để bảo vệ, thúc đẩy sản xuất trong nước.

Các thị trường phát triển như EU chú trọng đến phát triển bền vững, hiện đã và đang đưa ra nhiều quy định mới như cơ chế điều chỉnh carbon, quy định chống phá rừng châu Âu... có tác động đến một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta, điều này đòi hỏi các DN phải thay đổi.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (tỉnh Bình Dương) Mai Hữu Tín cho rằng, các quy định về sản xuất từ các nước phát triển đặt ra những thách thức cho DN khi đưa hàng thâm nhập vào thị trường. Tuy nhiên, đây là cuộc chơi bắt buộc và các DN sẽ không thể đứng ngoài cuộc, do vậy từng ngành nghề cần phải có sự liên kết với nhau để tận dụng lợi ích, năng lực chung.

Đồng quan điểm, Giám đốc Công ty CP Tân Vĩnh Cửu (TP.Biên Hòa) Võ Quang Hà nhận định đây là thời gian mà hơn lúc nào hết cần sự đoàn kết của các DN. Thời gian qua, Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai đã tích cực kết nối với các cơ quan, ban ngành, hiệp hội để tổ chức nhiều chương trình phục vụ sản xuất, xuất khẩu, nâng chất ngành gỗ, từ đó tạo cơ sở ổn định hơn cho phục hồi trở lại trong năm 2024.

Bên cạnh đó, nhiều DN cho hay, muốn đưa hàng quảng bá nhưng ít có thông tin, đầu mối, do vậy việc hỗ trợ DN tham gia các hoạt động hội chợ, triển lãm quốc tế để các DN xuất khẩu có thêm cơ hội mở rộng thị trường, tìm khách hàng mới ở những thị trường lớn là rất quan trọng.

“Chúng tôi mong muốn được kết nối với các đối tác ở trong và ngoài nước một cách thuận lợi hơn để những DN nhỏ và vừa có cơ hội hợp tác, gia tăng doanh số của mình” - Giám đốc Công ty TNHH Astek (TP.Biên Hòa) Lê Xuân Thời kỳ vọng.

Văn Gia

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202401/trien-vong-phuc-hoi-xuat-khau-nam-2024-f9c4d60/