Triển vọng hợp tác mới cho quan hệ Việt Nam- Trung Quốc

Chuyến thăm Việt Nam của ông Tập Cận Bình không chỉ đem lại định vị mới, tầm mức mới cho quan hệ song phương, mà còn mở ra nhiều cơ hội và không gian hợp tác trên các lĩnh vực mới giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên VOV tại Bắc Kinh, các chuyên gia Trung Quốc khẳng định, chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, mở ra triển vọng hợp tác mới giữa hai bên.

Kết thúc chuyến công tác dài ngày đầu tiên sau đại dịch tới Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á ngay trước thềm chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, giáo sư Hứa Lợi Bình, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, đã hết sức vui mừng trước những thành quả mà hai nước đạt được.

Giáo sư Hứa Lợi Bình, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc

Theo ông, chuyến thăm đã gặt hái được nhiều kết quả phong phú, vừa vĩ mô vừa cụ thể, làm sâu sắc hơn tin cậy giữa hai bên, thúc đẩy hợp tác toàn diện và thiết thực giữa hai nước. Chuyến thăm không chỉ đem lại định vị mới, tầm mức mới cho quan hệ song phương, mà còn mở ra nhiều cơ hội và không gian hợp tác trên các lĩnh vực mới giữa Việt Nam và Trung Quốc.

“Điều này cho thấy quan hệ giữa hai Đảng, hai nước Trung Quốc và Việt Nam đã bước vào một giai đoạn mới. Giai đoạn này thực chất là giai đoạn nâng cao chất lượng và tầm mức. Hai nước đã ký 36 văn kiện. Tôi cho rằng, đây là kết quả cụ thể mà chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đạt được và bao trùm mọi mặt", ông Hứa Lợi Bình cho biết.

Ông Hứa Lợi Bình cũng khẳng định, chuyến thăm đã khép lại một năm ngoại giao nguyên thủ đầy ý nghĩa của Trung Quốc, khi ông Tập Cận Bình đến thăm một quốc gia láng giềng. Diễn ra ngay sau khi lãnh đạo Trung Quốc dự Hội nghị thượng đỉnh APEC tại San Francisco và tổ chức cuộc gặp với Tổng thống Hoa Kỳ, chuyến thăm tới Việt Nam đã cho thấy ngoại giao cường quốc và ngoại giao láng giềng luôn là hướng ưu tiên của Trung Quốc.

Còn theo ông Hứa Ninh Ninh, Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Trung Quốc-ASEAN, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác công nghiệp trong khuôn khổ Hiệp định RCEP, việc duy trì các chuyến thăm thường xuyên giữa lãnh đạo hai nước rất có ý nghĩa, không chỉ giúp thắt chặt quan hệ giữa hai bên với tư cách là những quốc gia láng giềng gần gũi, mà còn là cơ hội để hai nước trao đổi về những chủ đề cùng quan tâm và các lĩnh vực hợp tác cụ thể.

“Việc trao đổi trực diện này rất quan trọng và trực tiếp hơn các cuộc điện đàm hay gọi qua video. Vì vậy, chúng tôi mong muốn hai nước tiếp tục đà tiếp xúc này trong tương lai. Ngoài lãnh đạo cấp cao thường xuyên thăm hỏi, lãnh đạo các ban, ngành, hiệp hội doanh nghiệp và ngành nghề, doanh nhân hai bên cũng nên thường xuyên qua lại", ông Hứa Ninh Ninh cho biết.

Ông Hứa Ninh Ninh, Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Trung Quốc-ASEAN, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác công nghiệp trong khuôn khổ Hiệp định RCEP

Ông cũng đánh giá cao tiềm năng to lớn trong hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước, bởi tính bổ sung giữa hai nền kinh tế vô cùng mạnh mẽ. Theo ông, hai bên cần tích cực triển khai đồng thuận và Tuyên bố chung giữa lãnh đạo hai nước, đưa hợp tác kinh tế, thương mại đi vào chi tiết và thiết thực.

Cụ thể hơn, ông cho rằng, hai nước cần thúc đẩy hợp tác ngành nghề, nhằm tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) hay Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), điều chỉnh cơ cấu ngành nghề một cách hiệu quả, tạo chuỗi công nghiệp mới với lợi thế bổ sung, từ đó kéo theo sự tối ưu hóa cơ cấu và mở rộng quy mô thương mại, đầu tư hai nước.

Ngoài ra, theo ông, hai bên cũng cần nâng cao trình độ hợp tác quốc tế giữa doanh nghiệp hai nước, coi đây là nhiệm vụ cấp bách, ưu tiên hàng đầu và yếu tố căn bản để củng cố nền tảng hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai bên.

“Trước những thay đổi của tình hình kinh tế, chính trị khu vực và toàn cầu, doanh nghiệp hai nước đặc biệt cần nâng cao trình độ hợp tác quốc tế, trong đó bao gồm việc doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực khai thác và phát triển thị trường lớn Trung Quốc, doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam làm thế nào để nhập gia tùy tục và tuân thủ luật pháp sở tại, cũng như nội địa hóa phương thức kinh doanh. Có thể nói, nâng cao mức độ hợp tác quốc tế là nhiệm vụ thực tế quan trọng đối với các doanh nhân hai bên, bởi doanh nhân là đội quân chủ lực trong hợp tác giữa hai nước", ông Hứa Ninh Ninh nói.

Về phần mình, ông Hứa Lợi Bình đặt hy vọng vào các lĩnh vực hợp tác mới giữa hai bên, nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho người dân hai nước.

“Trong lĩnh vực kinh tế thương mại, Trung Quốc sẽ nhập khẩu một lượng lớn nông sản tươi từ Việt Nam. Còn trong các lĩnh vực mới như kinh tế số hay thương mại điện tử, xây dựng thành phố thông minh, kinh tế xanh, công nghiệp quang điện và năng lượng mặt trời..., Trung Quốc sẽ đầu tư mạnh vào Việt Nam. Trong tương lai, những lĩnh vực đầu tư mới này sẽ có những bước phát triển đột phá", ông nói.

Đánh giá về kết quả chuyến thăm, không chỉ các chuyên gia, truyền thông Trung Quốc cũng khẳng định, việc Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Việt Nam đã gửi đi tín hiệu tích cực về việc hai nước Việt – Trung dốc sức cho đoàn kết, hữu nghị và cùng nhau phát triển, mở ra chương mới cho quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.

Bích Thuận-Tuấn Đạt/VOV-Bắc Kinh

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/trien-vong-hop-tac-moi-cho-quan-he-viet-nam-trung-quoc-post1065463.vov