Triển lãm "Anh hùng dân tộc và Danh nhân văn hóa Việt Nam"

(Chinhphu.vn) - Hơn 500 hiện vật, tư liệu, hình ảnh, trong đó có nhiều hiện vật gốc đã phản ánh những nét khái quát nhất về đất nước và con người Việt Nam trong lịch sử nghìn năm dựng nước, giữ nước.

Chiều 4/10, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội khai mạc triển lãm “Anh hùng dân tộc và Danh nhân văn hóa Việt Nam”. Triển lãm gồm 3 phần: Việt Nam: đất nước - con người; Anh hùng dân tộc và Danh nhân văn hóa Việt Nam; Thăng Long – Hà Nội ngày nay. Hơn 500 hiện vật, tư liệu, hình ảnh trong đó có nhiều hiện vật gốc đã phản ánh được những nét khái quát nhất về đất nước và con người Việt Nam, về lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc anh hùng. Triển lãm giới thiệu những hình ảnh, tư liệu hiện vật về thân thế và sự nghiệp Vua Lý Thái Tổ, đặc biệt là sự kiện mùa Thu năm 1010, ông dời đô từ Hoa Lư về Đại La và đổi tên thành Thăng Long mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc… Những nét khái quát nhất về thân thế và sự nghiệp của các vị Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử được giới thiệu sinh động bằng hình ảnh, tư liệu, hiện vật tiểu biểu như: Bản khắc gỗ bài thơ thần của Lý Thường Kiệt; những câu thơ bất hủ trong Hịch tướng sĩ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn; những chiếc cọc Bạch Đằng đã làm nên chiến thắng lịch sử năm 1288… Đặc biệt, triển lãm dành một không gian trang trọng giới thiệu những tư liệu, hiện vật quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc Việt Nam. Nhiều du khách đã rất xúc động khi được tận mắt thấy bản gốc tập “Nhật ký trong tù”, bức tranh “Bác Hồ với thiếu nhi Bắc – Trung – Nam” được vẽ bằng máu của họa sĩ Diệp Minh Châu năm 1947, bản thảo các bài viết của Người trên giấy tận dụng thể hiện tấm gương về thực hành tiết kiệm của Bác Hồ… Khách đến thăm triển lãm cũng được nghe bà Nguyễn Bích Ngọc kể câu chuyện về pho tượng đồng Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập mà gia đình bà đã hiến tặng cho Bảo tàng Cách mạng. Bà Ngọc cho biết, chiếc micro Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập là do cha bà làm, điều này đã gợi cảm hứng cho bà tạc tượng. Bà rất xúc động khi Bảo tàng Cách mạng dành vị trí trang trọng để trưng bày tượng Bác và giới thiệu với khách tham quan trong dịp đặc biệt này. Triển lãm mở cửa đến hết 31/12/2010. Thu Cúc

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/trien-lam-anh-hung-dan-toc-va-danh-nhan-van-hoa-viet-nam/201010/37153.vgp