Triển khai tín dụng chính sách theo Chỉ thị 40-CT/TW

Nếu nói tín dụng chính sách như cánh buồm đưa con thuyền an sinh vươn khơi thì Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội được xem như ngọn gió đẩy con thuyền ấy đi nhanh, đúng hướng và ngày càng hiệu quả hơn.

Không để thôn, bản trắng tín dụng chính sách

Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng kiểm tra hoạt động tín dụng chính sách tại Điểm giao dịch xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế

Một trong những thành quả lớn nhất sau 9 năm thực hiện chủ trương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách xã hội chính là việc kiện toàn Ban đại diện HĐQT NHCSXH từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Theo đó, từ năm 2015 đến nay, Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện được bổ sung thêm thành viên là Chủ tịch UBND cấp xã. Chủ trương này đã góp phần nâng cao vai trò quản lý Nhà nước và khẳng định được trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cấp xã đối với hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở. Việc quản lý và thực hiện các chương trình tín dụng chính sách từ đây mang lại đạt hiệu quả cao hơn, mọi chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về tín dụng chính sách được nắm bắt và triển khai kịp thời đến người dân.

Ngoài ra, để thực hiện đúng quy chế tổ chức và hoạt động, Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp cũng thường xuyên quan tâm, chỉ đạo hoạt động của NHCSXH trong việc xây dựng và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của NHCSXH trên địa bàn. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội, một trong những nội dung chỉ đạo quan trọng trong Chỉ thị 40.

Sự nhập cuộc của các tổ chức, cơ sở Đảng trong vai trò chỉ đạo, điều hành và chính quyền các cấp đã góp phần quan trọng đưa nguồn vốn tín dụng chính sách phủ sóng khắp các vùng núi, vùng biển, vùng đặc biệt khó khăn.

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh Tuấn - Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Thừa Thiên Huế, nguồn vốn tín dụng chính sách đến được với người dân tại 141 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, không có thôn, bản trắng tín dụng chính sách. Cùng với sự lãnh đạo của các tổ chức Đảng, chính quyền địa phương các cấp, sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đã đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến gần hơn với người dân, chất lượng tín dụng nhờ đó cũng đã được nâng cao. Hiện, trên địa bàn toàn tỉnh có 2.340 Tổ tiết kiệm và vay vốn có nhiệm vụ kết nối hội viên góp phần tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống, cam kết sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng thời hạn.

Bà Hoàng Thị Hồng Hà - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Tà Roi, xã A Ngo, huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) chia sẻ: Để tạo dựng được thói quen tiết kiệm hằng tháng cũng như ý thức tự lực, tự cường trong phát triển kinh tế là điều không dễ dàng. Do vậy, cán bộ tổ vừa như người bạn, người anh em trong gia đình để nắm bắt tâm lý cùng người dân vượt qua khó khăn, vừa là tấm gương, gương mẫu trong phát triển kinh tế cũng như sử dụng vốn vay phải hiệu quả. Từ đó, mới có thể hướng dẫn, định hướng hỗ trợ hội viên trong tận dụng lợi thế của các nguồn vốn vay ưu đãi, giúp hội viên phát triển kinh tế.

Nhờ sự nhập cuộc đồng bộ này, chất lượng tín dụng được củng cố, nâng caoTừ khi thực hiện Chỉ thị 40, nợ quá hạn giảm 3.331 triệu đồng, tỉ lệ giảm 0,26%, số xã có nợ quá hạn giảm 89 xã, không có tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại yếu kém.

Chính sách tín dụng cùng với các chính sách khác góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giai đoạn 2005 - 2010 từ 21,17% xuống còn 3,56% vào cuối năm 2022 theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025. Thông qua các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH đầu tư cho vay tại các xã xây dựng Nông thôn mới đã góp phần giúp 65/94 xã được công nhận đạt chuẩn xây dựng Nông thôn mới, 2 huyện hoàn thành và đạt chuẩn xây dựng Nông thôn mới.

Thêm nguồn lực

Nguồn vốn tín dụng chính sách phủ sóng khắp các vùng núi, vùng biển, vùng đặc biệt khó khăn

Một trong bốn nội dung quan trọng được nhắc đến trong Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư là tập trung nguồn lực và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội.

Cụ thể, cần ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách Nhà nước để thực hiện các chương trình, dự án tín dụng chính sách xã hội và bảo đảm hoạt động ổn định, bền vững của NHCSXH. HĐND, UBND các cấp tiếp tục dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn vay vốn.

Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã tập trung nguồn lực để thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Hằng năm, UBND tỉnh, các huyện, thị xã và TP. Huế đều dành một phần ngân sách chuyển bổ sung qua NHCSXH để cho vay đáp ứng nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn, nhất là các đối tượng thụ hưởng đặc thù gắn với các chương trình, kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương trong từng giai đoạn.

Từ khi thực hiện Chỉ thị 40 đến nay, UBND các cấp đã cân đối ngân sách chuyển 171,1 tỷ đồng sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay cùng với nguồn vốn của Trung ương, tăng 6,3 lần so với trước khi có Chỉ thị. Trong đó, ngân sách tỉnh chuyển sang 101,6 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện 69,5 tỷ đồng.

Nguồn vốn này được tập trung đầu tư vào những lĩnh vực quan trọng theo định hướng của địa phương. Ví như tại huyện Nam Đông, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách huyện chuyển sang NHCSXH chủ yếu đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực địa phương, như cam, chuối, dứa Kaien… giúp định hình và phát triển các sản phẩm chủ lực theo nghị quyết của Huyện ủy, HĐND huyện, góp phần quan trọng giúp người dân mạnh dạn đầu tư phát triển vùng trồng, chất lượng sản phẩm cũng như đầu tư mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Theo nhận định của ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH tỉnh, sự tăng trưởng nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương trong thời gian gần đây đã thể hiện sự quan tâm rất lớn của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự chỉ đạo sát sao của Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp, sự phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả của các ban, ngành, đơn vị liên quan trong việc tập trung, huy động nguồn vốn để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Nguồn vốn được triển khai kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng đã phát huy hiệu quả trong việc triển khai các chương trình, mục tiêu của tỉnh về giảm nghèo nhanh và bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và bảo đảm an sinh xã hội.

Phát huy những cách làm hay

Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương là nguồn lực quan trọng trong phát triển bền vững tín dụng chính sách nhưng việc linh hoạt trong chuyển vốn đang bị bó hẹp trong nguồn ngân sách của địa phương. Để chủ động hơn nguồn vốn này, nhiều địa phương mạnh dạn huy động, vận dụng được rất nhiều nguồn vốn để bổ sung sang NHCSXH cho vay.

Đơn cử như xã Phú Mậu, TP. Huế; phường Hương Xuân, Hương Vân, Hương Văn thuộc thị xã Hương Trà… có cách làm sáng tạo là thu hồi và chuyển vốn từ các dự án ODA, dự án phi Chính phủ… sau khi kết thúc chương trình vào nguồn vốn ủy thác giao NHCSXH quản lý.

Theo Chủ tịch UBND xã Phú Mậu Nguyễn Văn Trai, nguồn vốn ủy thác của xã Phú Mậu đang duy trì ở mức 230 triệu đồng phục vụ nhu cầu cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn. Đây là nguồn vốn không nhỏ góp phần giải quyết nhu cầu vay vốn tại chỗ cho người dân và thể hiện sự thống nhất trong công tác điều hành và phát huy hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách tại xã Phú Mậu. Ngoài ra, xã luôn tập trung chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong quản lý, nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách, tập trung các nguồn lực để triển khai thực hiện các chương trình. Xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình, dự án với việc triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn.

Thời gian tới, chi nhánh NHCSXH tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội đặc thù. Chủ động thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn hiệu quả; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, hiện đại hóa ngân hàng. Nâng cao năng lực quản trị và công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; phát triển các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ đem lại tiện ích cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác…

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/trien-khai-tin-dung-chinh-sach-theo-chi-thi-40-ct-tw-102230928162112403.htm