Triển khai những giải pháp quan trọng để thực hiện tốt công tác xuất khẩu lao động

Thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW (Chỉ thị số 20) ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới, Tỉnh ủy Quảng Trị ban hành Chương trình hành động số 63-CTr/ TU, ngày 14/4/2023 thực hiện Chỉ thị số 20, nhằm hiện thực hóa một chủ trương lớn của Đảng, có ý nghĩa sâu rộng, góp phần phát triển KT-XH địa phương.

Đào tạo tiếng Hàn để xuất khẩu lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Trị -Ảnh: TÚ LINH

Đào tạo tiếng Hàn để xuất khẩu lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Trị -Ảnh: TÚ LINH

Bà Nguyễn Thị Ái Loan, Trưởng phòng Lao động-Việc làm, Sở LĐ,TB&XH tỉnh Quảng Trị cho biết, công tác đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài của tỉnh thời gian qua tuy đạt được nhiều kết quả nhưng vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Số lượng lao động tham gia xuất khẩu tuy có tăng qua hằng năm nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Mặt khác, chất lượng lao động chưa cao, chủ yếu là lao động phổ thông, ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp của một số lao động còn hạn chế. Một bộ phận thanh niên còn tư tưởng an phận, ngại đi xa, chưa chịu khó, chưa thực sự mạnh dạn tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ) để tạo việc làm, tăng thu nhập cho bản thân và gia đình.

Mặt khác, thị trường lao động thời gian qua vẫn tập trung chủ yếu ở Đài Loan và các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, một số nước ở Trung Đông, châu Phi. Các thị trường Tây Âu và Bắc Mỹ ít được các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh khai thác. Quảng Trị còn gặp nhiều khó khăn về ngân sách nên ngoài việc triển khai thực hiện các chế độ, chính sách của trung ương hỗ trợ cho NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, tỉnh chưa có chính sách để hỗ trợ chung cho NLĐ trên địa bàn toàn tỉnh.

Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác đưa NLĐ đi làm việc nước ngoài, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, phát triển KT-XH, Chương trình hành động số 63-CTr/TU của Tỉnh ủy Quảng Trị đề ra mục tiêu cụ thể: phấn đấu trong giai đoạn 2023- 2025, số lao động của tỉnh được tạo việc làm mới bình quân hằng năm là 12.000 người, trong đó lao động đi làm việc ở nước ngoài 1.200 người. Giai đoạn 2025-2030 đưa số lao động được tạo việc làm mới bình quân hằng năm cao hơn 500 người, để đạt con số 12.500 lao động được tạo việc làm mới mỗi năm, trong đó lao động đi làm việc ở nước ngoài là 1.500 người.

Giám đốc Sở LĐ,TB&XH tỉnh Quảng Trị Lê Nguyên Hồng cho biết, để thực hiện tốt Chỉ thị số 20, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu tiếp tục đổi mới và tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng; sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; sự phối hợp của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Đặc biệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới theo các nhiệm vụ được xác định tại Chỉ thị số 20 và Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, người lao động và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Xác định trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong hệ thống chính trị đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, gắn với định hướng, chiến lược phát triển KT-XH và công tác đối ngoại của tỉnh.

Chú trọng công tác thông tin kịp thời, khách quan về tình hình lao động của tỉnh ở nước ngoài. Các doanh nghiệp hoạt động XKLĐ chủ động thông tin về thị trường lao động ngoài nước, tư vấn, giới thiệu việc làm giúp NLĐ có nhiều lựa chọn thị trường lao động, doanh nghiệp uy tín, đảm bảo tư cách pháp nhân trong tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Phát huy tốt vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Hội Nông dân, tăng cường lồng ghép các nội dung về việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có thời hạn trong các buổi sinh hoạt của tổ chức mình. Xây dựng các chuyên mục, bản tin, phóng sự... và tổ chức tuyên truyền phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của địa phương về hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trên Báo Quảng Trị, Đài Phát thanh -Truyền hình tỉnh, các trang thông tin điện tử để Nhân dân biết và lan tỏa những hiệu ứng tích cực trong việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, tránh tình trạng lao động bất hợp pháp.

Động viên, khuyến khích doanh nghiệp tích cực tìm kiếm và mở rộng thị trường XKLĐ. Tiếp tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm cố định và lưu động trên địa bàn toàn tỉnh, chú trọng vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển để tư vấn, tuyển chọn lao động có nhu cầu tham gia XKLĐ. Thường xuyên xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề nhằm tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có thời hạn đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động nước ngoài.

Nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, ngoại ngữ, giáo dục pháp luật, văn hóa, phong tục tập quán, rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp cho người lao động khi tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh chủ động phối hợp với các doanh nghiệp XKLĐ tuyển chọn, đào tạo nghề cho người lao động sát với yêu cầu, trình độ mà thị trường đòi hỏi hoặc đang có nhu cầu.

Theo ông Lê Nguyên Hồng, một nội dung quan trọng trong thực hiện Chỉ thị số 20 được đề ra trong Chương trình hành động số 63 của Tỉnh ủy là cần thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc đối tượng được thụ hưởng chính sách.

Đồng thời, xem xét ban hành Chương trình hỗ trợ giải quyết việc làm tỉnh Quảng Trị, trong đó chú trọng đến chính sách hỗ trợ của địa phương đối với người đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo; quân nhân xuất ngũ, thân nhân người có công với cách mạng khi tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Công khai, minh bạch các khoản phí, hướng đến giảm chi phí; bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài; sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực này khi hết thời hạn làm việc ở nước ngoài trở về tham gia thị trường lao động trong nước.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát, theo dõi việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có thời hạn. Kịp thời động viên, khen thưởng và xử lý nghiêm hoặc kiến nghị xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/trien-khai-nhung-giai-phap-quan-trong-de-thuc-hien-tot-cong-tac-xuat-khau-lao-dong/177455.htm