Triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Trong những năm qua, việc triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Đông Anh đã đạt được mục tiêu đề ra của từng giai đoạn, góp phần tích cực trong công tác giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Mới đây, Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” trên địa bàn huyện giai đoạn 2010-2020 và khen thưởng cho 21 tập thể, 18 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án.

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh, trong 10 năm qua, việc triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã đạt được mục tiêu đề ra của từng giai đoạn, góp phần tích cực trong công tác giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (Ảnh: Trung Dũng)

Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (Ảnh: Trung Dũng)

Huyện đã tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án đến các cấp, các ngành và người lao động, nhất là lao động nông thôn; tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho lao động nông thôn trên cơ sở nhu cầu và đề xuất của từng địa phương; xây dựng các mô hình đào tạo nghề gắn với sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ và giải quyết việc làm cho lao động nông dân nhân rộng các mô hình đào tạo nghề đạt hiệu quả.

Giai đoạn 2010 – 2019, huyện đã tổ chức 231 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp và nông nghiệp cho 7.947 lao động nông thôn, hơn 6.800 học viên có việc làm sau khi học nghề, trong đó nghề nông nghiệp là 3.349 người, nghề phi nông nghiệp là 3.455 người. Ngoài ra, từ năm 2010-2019 đã có 712 hộ được vậy với tổng số vốn 22 tỉ 817 triệu đồng.

Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong những năm qua vẫn còn một số hạn chế, việc đăng ký học các ngành nghề trên địa bàn một số xã không tạp trung nên quá trình tập hợp mở lớp ở một số nghề còn khó khăn. Số lượng học viên tham gia học nghề phi nông nghiệp được tuyển dụng vào các doanh nghiệp trên địa bàn còn hạn chế, việc tiêu thụ sản phẩm sản xuất ra còn gặp khó khăn, công tác kiểm tra, giám sát tổ chức lớp học nghề ở một số xã chưa được quan tâm đúng mức.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Tám - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh yêu cầu trong giai đoạn tới các đơn vị, xã cần quan tâm hơn nữa đến việc rà soát, nắm bắt nhu cầu học nghề của lao động nông thôn. Thực hiện Đề án trong những năm tiếp theo phải chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực; đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải đặc biệt quan tâm đến đối tượng trong độ tuổi lao động, giúp họ có việc làm, để thực hiện mục tiêu cuối cùng là lực lượng lao động nông thôn sau khi được đào tạo có việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn.

Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Thị Tám cũng đề nghị lãnh đạo các địa phương cần điều tra, rà soát về nhu cầu việc làm thực tế của người lao động, đảm bảo phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, từ đó có kế hoạch đào tạo nghề một cách phù hợp, thiết thực và hiệu quả; các ngành, các doanh nghiệp quan tâm đến công tác đào tạo người lao động có tay nghề, liên kết, đặt hàng, để lao động có được việc làm ngay sau khi được đào tạo.

Thanh Hoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/trien-khai-hieu-qua-cong-tac-dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-115511.html