Triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông mới

Năm học 2020-2021 là năm đầu ngành Giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Chương trình) đối với lớp một. Đến năm học 2022-2023, Chương trình được triển khai ở các lớp một, hai, ba, sáu, bẩy và 10. Việc triển khai Chương trình từ năm 2020 đến nay đã đạt được những kết quả bước đầu, bảo đảm đúng tiến độ, kế hoạch, đồng bộ, việc dạy và học, kiểm tra, đánh giá từng bước được đổi mới...

Giờ học ở Trường Tiểu học Chu Hóa, thành phố Việt Trì.

Hiện nay, toàn tỉnh có 874 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Từ 2018 đến nay, tỉnh đã tuyển bổ sung 1.281 giáo viên phổ thông, trong đó có 166 người được tuyển theo chính sách đặc cách và thu hút người có trình độ cao về tỉnh công tác theo quy định của tỉnh. Toàn tỉnh hiện đang hợp đồng 2.448 giáo viên, trong đó bậc học phổ thông là 198 giáo viên. Việc hợp đồng giáo viên do các cơ sở giáo dục thực hiện ký kết với các thỏa thuận về nhiệm vụ và mức lương được hưởng đối với giáo viên theo quy định. Hằng năm, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, huyện, thị, thành để huy động lồng ghép các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị trường học theo hướng kiên cố hóa, từng bước chuẩn hóa, đảm bảo các điều kiện cho thực hiện triển khai Chương trình theo lộ trình. Đến nay, tỉ lệ đáp ứng so với nhu cầu đạt khoảng 75,8%.

Nhà giáo Ưu tú Phùng Quốc Lập- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Chương trình giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng được học vào đời sống và tự học suốt đời, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, biết xây dựng, phát triển hài hòa các mối quan hệ xã hội, có cá tính, nhân cách, đời sống tâm hồn phong phú, nhờ đó có được cuộc sống có ý nghĩa, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước, nhân loại”.

Chương trình bảo đảm phát triển năng lực, phẩm chất người học thông qua nội dung giáo dục với những kiến thức, kỹ năng cơ bản, thiết thực, hiện đại, hài hòa đức, trí, thể, mỹ; chú trọng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học để giải quyết vấn đề trong học tập, đời sống; thông qua các phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục phát huy tính chủ động, tiềm năng của mỗi học sinh, các phương pháp đánh giá phù hợp với mục tiêu giáo dục và phương pháp giáo dục để đạt mục tiêu đó.

Tại Trường Tiểu học Giấy Bãi Bằng, huyện Phù Ninh, cô giáo Nguyễn Thị Kim Liên - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Triển khai Chương trình, sau hai năm học, mặt bằng chất lượng học sinh lớp một của nhà trường được nâng lên so với những năm học trước. Đáng chú ý, học sinh tích cực hơn, nhiều em tiến bộ nhanh. Nội dung các bài học trong sách giáo khoa mới đa dạng, ngữ liệu có tranh minh họa giúp giáo viên, học sinh dễ nhận biết, hiểu rõ nghĩa, bài tập thực hành.

Tuy nhiên, trong Chương trình có một số điểm mới gây khó khăn nhất định trong việc tổ chức dạy học. Cụ thể là: Đa số giáo viên trước đây chỉ được đào tạo đơn môn, nay chưa thể dạy toàn bộ các phân môn của môn tích hợp như Tin học và Công nghệ (cấp tiểu học), Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên (cấp THCS). Học sinh THPT chỉ học các môn học bắt buộc và một số môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập theo nguyện vọng, phù hợp với định hướng nghề nghiệp của học sinh nhưng với điều kiện thực tế về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của các trường hiện nay đều chưa đáp ứng hết nguyện vọng của học sinh.

Để đảm bảo có đủ và cơ cấu giáo viên, những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thị, thành thực hiện việc điều động, luân chuyển, tăng cường giữa trường thừa, trường thiếu, bố trí một giáo viên dạy nhiều trường, dạy liên cấp, hợp đồng bổ sung giáo viên các môn còn thiếu.

Hạnh Thúy

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//giao-duc/trien-khai-hieu-qua-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi/190105.htm