Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đảm bảo cung ứng điện

Tại tọa đàm 'Tiết kiệm điện – Từ chính sách đến cuộc sống' do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vào chiều 15/5, ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc EVN đã chia sẻ thông tin về các kế hoạch, giải pháp cụ thể trong triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm điều tiết, cung ứng đủ điện năng cho sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh gắn liền với các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo tinh thần của Chỉ thị số 20.

Kế hoạch rõ ràng, triển khai đồng bộ

Theo ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc EVN: Ngay từ cuối năm 2023, EVN đã dự báo năm 2024 chúng ta sẽ đối diện với mức độ sử dụng điện cao hơn. EVN đã xây dựng và trình Bộ Công Thương kế hoạch vận hành hệ thống điện và thị trường điện. Trong đó, EVN xây dựng 2 kịch bản, một kịch bản cơ sở là chúng ta tăng trưởng 6% và một kịch bản cao, tăng trưởng khoảng hơn 9%.

Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc EVN (áo trắng) chia sẻ về việc thực hiện Chỉ thị số 20 của Thủ tướng - Ảnh nguồn VGP

Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc EVN (áo trắng) chia sẻ về việc thực hiện Chỉ thị số 20 của Thủ tướng - Ảnh nguồn VGP

Tuy nhiên, trong vòng 4 tháng chúng ta đã tăng trưởng 14,1%, cao hơn 1,5 lần so với kịch bản cao và tăng hơn 2 lần so với kịch bản cơ sở. Chính vì vậy, ngay từ những ngày đầu năm 2024, bám sát sự tăng trưởng của nền kinh tế, cũng như diễn biến của tình hình thời tiết, nhu cầu sử dụng điện cũng tăng cao, EVN đã phải thực hiện một loạt giải pháp đồng bộ để có thể bảo đảm được đủ điện trong thời gian vừa qua.

Theo đó, từ cuối năm 2023, đầu năm 2024, EVN đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện tốt việc đổ ải vụ Đông Xuân. Với sự phối hợp tốt của các địa phương, các công ty thủy nông, đặc biệt là người dân khu vực đồng bằng Bắc Bộ, sau hai đợt thực hiện đổ ải, chúng ta đã tiết kiệm được khoảng 800 triệu m3 nước, nếu quy ra thì chúng ta có được một nguồn điện khoảng hơn 1 tỷ kWh để dành cho những tháng đầu năm của 2024. Tuy nhiên, do tình hình thủy văn những tháng đầu năm 2024 diễn biến rất kém, EVN đã chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia tăng cường huy động các nguồn điện khác để tiếp tục giữ nước ở mức độ cao nhất, đáp ứng cho những tháng cao điểm mùa khô sắp đến.

Trong 4 tháng vừa qua, năng lượng tái tạo đã được huy động một cách tối đa. Riêng điện gió đã huy động cao hơn 19,2%; điện mặt trời đã huy động cao hơn 12,8% và đối với nhiệt điện than, một nguồn điện rất ổn định đã huy động cao hơn năm ngoái 42,5%, tức là gần gấp rưỡi năm 2023. Những sản lượng này có được do đã có kế hoạch vận hành tốt, bám sát nhu cầu phụ tải, diễn biến thời tiết.

EVN cũng phối hợp với các đơn vị khác như Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc trong việc bảo đảm các nguồn nhiên liệu cho các nhà máy điện truyền thống, kể cả than, khí, các nguồn khác.

EVN cũng chỉ đạo các đơn vị trong ngành bảo đảm độ khả dụng cao nhất của các nhà máy điện. Hiện nay, EVN đang sở hữu 37% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện (công suất khoảng hơn 80.000 MW). Các nhà máy sở hữu 63% do các doanh nghiệp bên ngoài. Một mặt, các nhà máy thuộc quyền kiểm soát của Tập đoàn thì EVN bảo đảm độ khả dụng cao nhất. EVN cũng cùng Bộ Công Thương, Sở Công Thương các địa phương lập kế hoạch vận hành kiểm tra công tác chuẩn bị sản xuất của các nhà máy điện trong toàn quốc để bảo đảm độ khả dụng cao nhất.

Trong 4 tháng đầu năm 2024, do nguồn khí tự nhiên suy giảm, EVN đã chỉ đạo Tổng Công ty Phát điện 3 nhập khí hóa lỏng. Đây cũng là lần đầu tiên trong hệ thống điện sử dụng khí hóa lỏng làm nhiên liệu mới cho các nhà máy của EVN ở khu trung tâm điện lực Phú Mỹ. Hiện nay, theo phân công của Chính phủ, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã nhập hai chuyến khí hóa lỏng và hiện đang làm thủ tục nhập chuyến thứ ba để hỗ trợ cho việc suy giảm các nguồn khí ở Biển Đông.

EVN cũng đang tập trung các nguồn lực cao nhất để thực hiện việc đầu tư các nhà máy điện truyền thống. Đến tháng 11/2024, EVN sẽ khánh thành tổ máy đầu tiên của Thủy điện Yaly mở rộng và tháng 12/2024, sẽ khánh thành tổ máy số 2. Năm 2025 sắp tới, khoảng tháng 9-10, EVN sẽ khánh thành Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng và đến 2026, sẽ khánh thành Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1. Song song với thúc đẩy đầu tư các dự án trọng điểm này, EVN đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư một loạt nhà máy mới như Trị An mở rộng, Thủy điện Tích năng Bác Ái, các nhà máy nữa như trung tâm điện lực Dung Quất, Quảng Trạch 2… là những dự án liên quan đến nguồn.

Về lưới điện, EVN đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng đường trục mạch 3 để khép kín hệ thống 500 kV đường trục toàn quốc đoạn từ Quảng Trạch (Quảng Bình) ra đến Phố Nối (Hưng Yên) dài 513 km theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng. Ngoài ra, một loạt dự án để giải tỏa công suất của các trung tâm điện lực, các nguồn năng lượng mới sắp vào, EVN cũng đã thực hiện tốt, đặc biệt là tăng cường năng lực nhập khẩu của các nước láng giềng.

Đặt ra mục tiêu cụ thể trong việc tiết kiệm điện năm 2024

Trong vấn đề tiết kiệm điện, EVN đã và đang triển khai nhiều giải pháp và đã có những hiệu quả tích cực. Đối với khách hàng là doanh nghiệp công nghiệp và sản xuất hiện EVN đã ký thỏa thuận về việc điều chỉnh phụ tải phi thương mại và EVN cũng đang thực hiện các chương trình dịch chuyển phụ tải để công suất đỉnh của các doanh nghiệp này được dịch chuyển ra khỏi công suất đỉnh của hệ thống điện. Đối với khách hàng trong toàn quốc, hiện nay các công ty điện lực địa phương ký được gần 1,4 triệu thỏa thuận tiết kiệm điện. Điều này, góp phần bảo đảm cân bằng cung cầu của các giai đoạn cao điểm mùa khô sắp đến.

“Đối với nhóm khách hàng đang thực hiện trong Chỉ thị 20/CT-TTg, khối cơ quan hành chính, sự nghiệp, bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước, trường học, bệnh viện… hiện nay đang sử dụng khoảng 7,26 tỷ kWh một năm; nhóm chiếu sáng công cộng đang sử dụng khoảng 3,07 tỷ kWh một năm; nhóm hộ gia đình (khoảng 28 triệu hộ đăng ký hợp đồng mua bán điện) sử dụng khoảng 81,9 tỷ kWh, số này tương đương khoảng 34% sản lượng điện toàn quốc. Nếu các nhóm khách hàng này thực hiện tiết kiệm điện đúng Chỉ thị của Thủ tướng thì chúng ta có thể tiết kiệm được khoảng 5,5 tỷ kWh trong năm 2024, nhưng EVN đặt mục tiêu phấn đấu tiết kiệm khoảng 6 tỷ kWh trong một năm”.

Việc giám sát thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg, EVN đã xây dựng website sudungdien.com.vn, kết nối đến Sở Công Thương, Văn phòng UBND các tỉnh và các đơn vị điện lực trong toàn quốc. EVN cũng có tương tác hàng tuần, hàng tháng với Sở Công Thương, UBND các tỉnh, thành phố để cung cấp được tình hình sử dụng điện thường xuyên của nhóm khách hàng này. Do đó, nhóm khách hàng này đang thực hiện rất tốt Chỉ thị số 20/CT-TTg

Ngoài những chỉ tiêu Thủ tướng đưa ra, EVN cũng yêu cầu các đơn vị thành viên trong toàn Tập đoàn phải thực hiện tốt hơn các chỉ tiêu này. Đối với phần tiết kiệm điện trong các đơn vị trong ngành, EVN đặt mục tiêu, thay cho việc tiết kiệm 5% như Thủ tướng giao, EVN yêu cầu tiết kiệm 10% và đặc biệt trong 4 tháng cao điểm mùa khô, từ tháng 4 đến tháng 7, các đơn vị thành viên của Tập đoàn phải thực hiện tiết kiệm 15% sản lượng điện của mình so với năm trước. Chỉ tiêu này EVN đo đếm và đưa thành chỉ tiêu đánh giá hiệu quả quản lý của người đứng đầu các đơn vị. Đây cũng là một yêu cầu rất cao để Tập đoàn thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng.

Quang Phú

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/trien-khai-dong-bo-nhieu-giai-phap-de-dam-bao-cung-ung-dien-711241.html