Triển khai đồng bộ các chính sách giảm nghèo bền vững

Xóa đói giảm nghèo là chương trình lớn được Đảng, Nhà nước quan tâm, có nhiều chủ trương, chính sách quyết liệt, cụ thể để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân và đạt được những kết quả quan trọng. Trong những năm qua, công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm, lồng ghép các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH, triển khai các chương trình, dự án, hỗ trợ phát triển sản xuất, kết cấu hạ tầng được đầu tư, đời sống Nhân dân được cải thiện.

Người dân xã Dũng Phong (Cao Phong) tìm hiểu chương trình cho vay hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất của Ngân hàng CSXH huyện.

Năm 2021, Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh đã cho 33.562 lượt khách hàng vay trên 1.260 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận với nguồn tín dụng Ngân hàng CSXH; giải quyết việc làm, hỗ trợ về nhà ở và hỗ trợ tiếp cận với sản xuất và các chính sách an sinh xã hội. Các cấp, ngành, địa phương đã huy động tốt nguồn lực để chăm lo Tết cho người nghèo, gia đình chính sách, người lao động hoàn cảnh khó khăn, phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”… Nhiều địa phương đã thực hiện tốt thu hút đầu tư giải quyết việc làm, tăng thu nhập người dân để giảm nghèo bền vững.

Mặc dù đã đạt được kết quả quan trọng, nhưng công tác giảm nghèo của tỉnh đang đứng trước nhiều khó khăn cần giải quyết đó là: Việc triển khai chương trình, chính sách giảm nghèo ở một số nơi chưa thực sự hiệu quả, giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo cao. Một bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, không muốn thoát nghèo… Theo tiêu chí mới cuối năm 2021, hộ nghèo của tỉnh là 14,49%, tương đương 34.029 hộ. Năm 2022, tỉnh đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2022-2025 xuống 13,49% (tương đương giảm 2%). Về công tác giảm nghèo, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp tuyên truyền để người dân nhận thức đúng, biết tận dụng cơ hội để giảm nghèo, vươn lên thoát nghèo; xây dựng và triển khai kế hoạch ưu tiên bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương để xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương nhằm hỗ trợ người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa bàn đặc biệt khó khăn; thực hiện đồng bộ cơ chế, chính sách giảm nghèo…

Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 116/KH-UBND về thực hiện Kế hoạch số 95-KH/TU, ngày 28/4/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030. Kế hoạch nhằm tạo sự chuyển biến trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, phối hợp của các ngành, cấp trong việc thực hiện chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững, bảo đảm tính đồng bộ, khả thi và hiệu quả. Xác định việc giảm nghèo nhanh, bền vững là góp phần quan trọng tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh; phát triển kinh tế phải gắn với tiến bộ, công bằng xã hội, đặt con người là trung tâm của sự phát triển. Trên cơ sở đó, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, tổ chức, người đứng đầu thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững; xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị nhằm cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, hoàn thành mục tiêu chung của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII "đến năm 2025 kinh tế tỉnh Hòa Bình đạt mức trung bình của cả nước”. Yêu cầu các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị rà soát, tham mưu hoàn thiện các chính sách hỗ trợ về giảm nghèo của tỉnh theo hướng đổi mới cách tiếp cận, giảm chính sách cho không, tăng chính sách hỗ trợ gắn với có điều kiện của đối tượng thụ hưởng. Lồng ghép và sử dụng hiệu quả nguồn lực của các chương trình, đề án để thực hiện mục tiêu giảm nghèo; đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đến năm 2030. Kiểm tra, giám sát, khen thưởng, biểu dương đối với những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; xem xét trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật về chính sách giảm nghèo. Vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tập trung giúp đỡ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn; các hộ khá giúp đỡ hộ nghèo. Xây dựng, nhân rộng các mô hình tốt, sáng kiến hay về giảm nghèo bền vững. Tổ chức tốt phong trào thi đua "Vì người nghèo - không để ai bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025, cùng với chính quyền các cấp thực hiện tốt công tác giảm nghèo nhanh và bền vững.

L.C

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/168648/trien-khai-dong-bo-cac-chinh-sach-giam-ngheo-ben-vung.htm