Triển khai các đề tài nghiên cứu vào sản xuất

Thông qua các đề tài nghiên cứu khoa học, các dự án hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế, người dân có thêm nguồn thu nhập, góp phần phát triển kinh tế ở các địa phương.

 Người dân Phong Bình được hướng dẫn cách ướp trà sen

Người dân Phong Bình được hướng dẫn cách ướp trà sen

Hỗ trợ người dân

Vừa qua, Trường đại học Nông Lâm phối hợp với UBND xã Phong Bình, Phong Điền tổng kết dự án “Đa dạng hóa sản phẩm hoa sen bản địa kết hợp phát triển du lịch sinh thái: Mô hình xóa đói giảm nghèo cho phụ nữ nông thôn”. Dự án triển khai một chuỗi hoạt động, các khóa đào tạo, tập huấn; hỗ trợ cơ sở vật chất xây dựng nhà kho, mua sắm thiết bị, xây dựng mô hình và khai thác du lịch cộng đồng sinh thái…

Ông Lê Tấn Phanh, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Bình thông tin, sau hai năm triển khai, xã cũng như chủ thể hưởng thụ là người dân đã thiết lập vùng trồng sen kết hợp du lịch sinh thái, thử nghiệm mô hình trồng sen trắng tại xã với diện tích 1.500m2; đa dạng hóa sản phẩm sen: hạt sen, hoa sen, trà sen; đăng ký nhãn mác, trưng bày sản phẩm… Điều này đã mở ra một hướng sinh kế mới cho người dân trong việc cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Nâng cao năng lực cho phụ nữ nông thôn trong sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ trồng sen. Hướng đến phát triển vùng trồng sen theo tiêu chuẩn VietGAP; góp phần phát triển dịch vụ du lịch sinh thái dựa vào sen, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu trong tương lai.

Cũng trên địa bàn huyện Phong Điền, 3 mô hình nuôi ếch, cá rô và cá lóc, là các đối tượng thủy sản sử dụng thức ăn được chế biến từ ấu trùng ruồi lính đen được Trường đại học Nông Lâm chủ trì triển khai. Qua một thời gian, mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ, ngành nông nghiệp huyện Phong Điền, cùng với đơn vị triển khai kiểm tra, khảo sát các mô hình thì cho thấy cá và ếch đều sinh trưởng tốt. Sau hơn 2 tháng nuôi, ếch và cá đã đạt được kích thước thương phẩm, có thể thu tỉa. Theo người dân, việc sử dụng ấu trùng ruồi lính đen làm thức ăn cho ếch và cá vừa có giá thành rẻ hơn, mà lại rút ngắn thời gian nuôi, nên mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Không chỉ trong tỉnh, những mô hình, đề tài, hay dự án được mở rộng, hỗ trợ cho nhiều đối tượng người dân ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Trong tháng 8/2023, Trường đại học Nông Lâm đã chuyển giao quy trình kỹ thuật chế biến đậu đen xanh lòng của đề tài nghiên cứu “Ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình và canh tác theo hướng hữu cơ và chế biến đậu đen xanh lòng, nhằm nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa tại tỉnh Quảng Trị” cho người dân xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.

Sau thời gian triển khai thực hiện, mô hình canh tác đậu đen xanh lòng theo hướng hữu cơ, cây đậu đen xanh lòng sinh trưởng, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, có năng suất thấp hơn mô hình truyền thống, cụ thể đạt 11,28 tạ/ha trong vụ xuân và 15,04 tạ/ha trong vụ hè thu. Lãi của mô hình theo hướng hữu cơ đạt hơn 15 triệu đồng/ha trong vụ xuân và gần 30,5 triệu đồng/ha trong vụ hè thu, cao hơn mô hình truyền thống từ 4,3 – 10,2 triệu đồng/ha. Mô hình canh tác hữu cơ không chỉ có hiệu quả kinh tế cao hơn so với mô hình truyền thống, mà còn có ý nghĩa bảo vệ môi trường đất, nước, đặc biệt sản xuất ra sản phẩm đậu đen xanh lòng chất lượng, an toàn, góp phần phát triển nền nông nghiệp xanh bền vững.

Tính đến hướng lâu dài

Nhu cầu sử dụng thịt bò ở Thừa Thiên Huế khá lớn, nhất là tiêu thụ trong ngành du lịch. Tuy nhiên, nguồn thịt bò hiện trong tỉnh chủ yếu phải nhập từ nơi khác về. Trong khi đó, chăn nuôi bò ở Thừa Thiên Huế hiện nay vẫn còn nhỏ lẻ và bị phân tán. Với địa hình đa dạng, theo các chuyên gia, tỉnh có nhiều tiềm năng để hướng đến chăn nuôi bò tập trung, tăng số lượng và chất lượng đàn bò.

Theo Trường đại học Nông Lâm, thông qua những nghiên cứu, đánh giá trên các cứ liệu khoa học và từ thực tiễn chăn nuôi bò hiện nay, đầu tiên, Thừa Thiên Huế cần xây dựng vùng chăn nuôi chuyên canh. Đối với nông hộ nhỏ tập trung chăn nuôi bò sinh sản, bê sinh ra bán lúc 5 - 6 tháng tuổi. Công đoạn chăn nuôi bò sinh trưởng và chăn nuôi bò giai đoạn kết thúc nên nuôi tập trung ở các trang trại vừa và lớn. Cùng với đó là xây dựng các tổ chức chăn nuôi bò, như tổ hợp tác, hợp tác xã, công ty chăn nuôi… Qua đó, để tạo thành chuỗi kết nối giữa đầu vào và đầu ra chăn nuôi bò thịt, nhắm tới thị trường mục tiêu, tránh tình trạng người chăn nuôi vẫn còn “cô đơn” trong việc bán bò như hiện nay.

Trở lại với dự án đa dạng hóa sản phẩm hoa sen bản địa kết hợp phát triển du lịch sinh thái được triển khai trên địa bàn xã Phong Bình, ông Lê Tấn Phanh cho biết, dự án đã bước đầu làm thay đổi nhận thức sản xuất của người dân. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn đánh giá, về đầu ra cho sản phẩm thì người dân vẫn còn khá lúng túng. Mô hình du lịch sinh thái đã có những cơ sở ban đầu, song về khả năng quảng bá và thu hút khách vẫn đang còn hạn chế. Bên cạnh giải pháp của địa phương thì rất cần tiếp tục được hỗ trợ về quảng bá sản phẩm và kết nối đầu ra cho sản phẩm. Khi đó sự hỗ trợ mới có hiệu quả lâu dài.

PGS.TS. Trần Thanh Đức, Hiệu trưởng Trường đại học Nông Lâm cho hay, các đề tài, hay dự án đều có khung thời gian thực hiện. Dù kết thúc thời gian dự án, song phía trường luôn duy trì sự hỗ trợ người dân. Chẳng hạn như với dự án da dạng sản phẩm sen ở Phong Điền, trường và các bên liên quan tiếp tục quảng bá mô hình du lịch gắn với sen, tìm đầu ra bền vững cho các sản phẩm về sen; tiếp tục tập huấn các kỹ thuật trồng sen, sản xuất các sản phẩm từ sen...

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/giao-duc/trien-khai-cac-de-tai-nghien-cuu-vao-san-xuat-132734.html