Triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán thiếu nước

Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động tích trữ, sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm; thường xuyên kiểm kê, đánh giá nguồn nước dự trữ tại các hồ chứa nước, công trình thủy lợi… là những giải pháp mà các cấp, ngành chức năng trong tỉnh chủ động triển khai theo nhiệm vụ được giao tại Văn bản số 4359 của UBND tỉnh ban hành về chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước.

Cán bộ Công ty TNHH MTV Thủy lợi Phúc Yên thường xuyên kiểm tra, rà soát lượng nước tại hồ Đại Lải để có những giải pháp cung ứng nước phù hợp phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Nguyễn Lượng

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, từ tháng 5 đến tháng 7 năm nay, trên địa bàn tỉnh sẽ có từ 6 - 8 đợt nắng nóng diện rộng tập trung. Vì vậy, nguy cơ xảy ra nắng nóng, hạn hán, thiếu nước có thể diễn biến nghiêm trọng trong thời gian tới.

Nhằm chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, các cơ quan ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh; Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các Công ty TNHH một thành viên thủy lợi trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động tích trữ nước, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí nước.

Kiểm kê, đánh giá nguồn nước dự trữ tại các hồ chứa nước, công trình thủy lợi trên địa bàn để có kế hoạch vận hành phù hợp; điều chỉnh, bổ sung phương án sử dụng nước, trong đó ưu tiên nguồn nước cấp cho sinh hoạt, chăm lo sức khỏe người dân, chăn nuôi gia súc và các lĩnh vực sản xuất trọng yếu.

Đẩy nhanh tiến độ thi công sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt; lắp đặt và vận hành trạm bơm dã chiến; kéo dài đường ống dẫn nước để kết nối nguồn nước từ đô thị phục vụ cho nông thôn...

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, lũy kế từ đầu năm đến nay, lượng mưa trên địa bàn 2 huyện Lập Thạch và Sông Lô chỉ đạt từ 14 - 20% so với cùng kỳ năm 2022; dung tích các hồ chứa lớn như Vân Trục, Suối Sải, Bò Lạc... còn lại hiện chỉ đạt từ 18,5 - 30,7% so với dung tích thiết kế; các hồ chứa vừa và nhỏ dung tích còn lại đều ở mức thấp (từ 18 - 35% dung tích thiết kế)…

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua, Công ty TNHH MTV thủy lợi Lập Thạch đã chủ động mua sắm trang thiết bị máy móc; các động cơ máy bơm dầu, máy bơm điện dã chiến.

Chủ động rà soát các điểm thường khó khăn về nguồn nước trong nội đồng như khu vực cuối kênh, xa nguồn nước, vàn cao… , từ đó tổ chức hoành triệt (lấp kín, chắn ngang cống không cho nước chảy qua), đóng các điều tiết, cống tiêu, đắp các đập dâng nước dã chiến trên kênh, luồng tiêu tận dụng tối đa nguồn nước hồi quy tại các vị trí phù hợp để triển khai lắp đặt các điểm bơm dầu, bơm điện dã chiến nhằm hỗ trợ cho các công trình cố định bị thiếu hụt nguồn nước.

Đối với hệ thống ven sông Lô, sông Phó Đáy, xây dựng kế hoạch và triển khai lắp đặt thêm các trạm bơm điện dã chiến cố định; chủ động nạo vét luồng dẫn, bể hút các trạm bơm, thay thế nối dài ống hút các trạm bơm, lắp đặt các tổ máy trạm bơm điện dã chiến cố định 2 máy nối tiếp khi mực nước sông xuống thấp vượt quá cột nước thiết kế... Nhờ đó, nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn 2 huyện Lập Thạch và Sông Lô cơ bản được đảm bảo.

Ông Đặng Văn Châu, Trưởng phòng Quản lý nước và Công trình, Công ty TNHH MTV thủy lợi Lập Thạch cho biết: “Để đảm bảo cấp nước cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn 2 huyện Lập Thạch và Sông Lô, trước mắt, ngoài việc mua sắm thêm các trang thiết bị, động cơ máy, lắp đặt các trạm bơm dã chiến, chúng tôi còn phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền người dân chủ động tận dụng nguồn nước tại các khe, rạch, giếng, ao có nước tự bơm tát tưới dưỡng để khắc phục tình trạng hạn hán kéo dài.

Về lâu dài, chúng tôi mong UBND tỉnh sớm chấp thuận cho phép lập dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp, nạo vét một số hồ đập thuộc phạm vi quản lý của đơn vị nhằm đảm bảo an toàn công trình, tăng cường khả năng trữ nước phục vụ sản xuất và chống hạn; cải tạo, nâng cấp các trạm bơm ven sông Lô, sông Phó Đáy để thích ứng, phù hợp với tình trạng nguồn nước cạn kiệt và mực sông càng ngày càng xuống thấp”.

Để ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin đến các doanh nghiệp đóng trên địa bàn thực hiện sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước.

Đài Khí tượng thủy văn tỉnh theo dõi sát diễn biến thời tiết, tăng cường dự báo, cảnh báo, nhận định về tình hình khí tượng thủy văn; kịp thời cung cấp thông tin phục vụ chỉ đạo sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước.

UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống, khắc phục tình trạng nắng nóng, hạn hán.

Các Công ty TNHH MTV thủy lợi phối hợp với chính quyền các địa phương tại những vùng cao, xa nguồn nước, vùng có nguy cơ bị hạn hán để tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi giống, cơ cấu cây trồng có nhu cầu nước ít để tiết kiệm nước, phù hợp với tình hình hiện tại do thiếu hụt nguồn nước và thuận lợi cho việc phân phối điều tiết nước; chủ động nạo vét - hệ thống kênh mương nội đồng thông thoáng để tiết kiệm thời gian lấy nước, tránh lãng phí nguồn nước.

Ngọc Lan

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/95588//trien-khai-cac-bien-phap-cap-bach-ung-pho-voi-nguy-co-nang-nong-han-han-thieu-nuoc