Triển khai Bảo hiểm y tế cho bệnh nhân HIV: Còn không ít rào cản

Bệnh nhân HIV không tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ là một gánh nặng kinh tế, vì nhiều trường hợp không đủ khả năng chi trả.

Tuy nhiên, nhiều người lại sợ lộ danh tính, ngại chờ đợi khi phải khám theo BHYT. Ông Hoàng Đình Cảnh - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS đã trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, Quyết định số 2188/QĐ-TTg ngày 15/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ đề ra mục tiêu, 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT. Vậy, độ bao phủ BHYT cho người nhiễm HIV đến nay thế nào?

- Đến thời điểm này, tỷ lệ tham gia BHYT của người nhiễm HIV mới đạt trên 50%. Một số bệnh nhân không tham gia BHYT vì sợ bị phân biệt, kỳ thị đối xử. Một số bệnh nhân khác do kinh tế khó khăn không đủ nguồn tài chính mua BHYT theo hộ gia đình. Bên cạnh đó, lại có những trường hợp thiếu giấy tờ tùy thân hoặc thông tin trên các giấy tờ có sự khác biệt, có tiền cũng không đủ điều kiện tham gia BHYT. Hiện, tỉnh đã cân đối ngân sách của địa phương để mua BHYT cấp cho người nhiễm HIV. Đồng thời, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng đang rà soát nhu cầu BHYT cho người nhiễm HIV của một số tỉnh khó khăn, để dùng nguồn kinh phí viện trợ quốc tế hỗ trợ trong thời gian đầu mới chuyển đổi nguồn lực.

Để có thể chi trả BHYT cho bệnh nhân HIV thì các cơ sở điều trị HIV/AIDS phải ký được hợp đồng với BHYT. Việc này có khó khăn gì không?

- Đến 31/5, có 79,6% cơ sở điều trị HIV thuộc bệnh viện và trung tâm y tế ký được hợp đồng với cơ quan BHYT và 44,4% cơ sở cung cấp được dịch vụ qua BHYT. Có 9/29 trung tâm phòng chống HIV ký được hợp đồng và 5/9 trung tâm đang cung cấp dịch vụ qua BHYT. Có 43 cơ sở điều trị thuộc trung tâm y tế tại 9 tỉnh, TP đã ký được hợp đồng với cơ quan BHYT.

Khó khăn khi thực hiện việc này ở chỗ, nhiều cơ sở điều trị HIV/AIDS trước đây thuộc hệ thống y tế dự phòng, vì vậy nhiều cán bộ y tế chưa có chứng chỉ hành nghề nên cần phải có thời gian thực hành tại bệnh viện mới được cấp chứng chỉ. Khi đó cơ sở mới được cấp giấy phép khám chữa bệnh. Có những cơ sở điều trị HIV/AIDS tại bệnh viện nhưng hoạt động theo dự án, khi chuyển sang khám chữa bệnh BHYT phải được cấp thẩm quyền giao nhiệm vụ, bổ sung hợp đồng khám chữa bệnh HIV/AIDS mới đủ điều kiện thanh toán BHYT. Bên cạnh đó, một số địa phương hiện nay còn hiểu chưa đúng về khám chữa bệnh BHYT cho người bệnh HIV/AIDS. Cụ thể, nhiều người nghĩ không cần thiết phải ký hợp đồng với cơ quan BHXH, khi người bệnh cần làm xét nghiệm cơ bản định kỳ hoặc cấp thuốc điều trị nhiễm trùng cơ hội thì bác sĩ sẽ chuyển bệnh nhân sang khám, điều trị bệnh khác không liên quan đến HIV. Trong trường hợp này, bệnh viện sẽ không thanh toán được công khám bệnh HIV/AIDS, không chỉ định trực tiếp bệnh nhân làm xét nghiệm hoặc cấp thuốc nhiễm trùng cơ hội với chẩn đoán là bệnh HIV/AIDS.

Bộ Y tế dự kiến sẽ thí điểm điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Buprenophine, vậy chất này khác với Methadone và dự kiến kế hoạch thí điểm ra sao?

- Buprenophine là chất đồng vận bán phần với các chất dạng thuốc phiện, có tác dụng và hiệu quả điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện (CDTP) tương tự như Methadone nhưng an toàn hơn. Tổ chức y tế khuyến cáo nên sử dụng song song 2 thuốc Methadone và Buprenorphine trong điều trị duy trì nghiện các CDTP. Tuy nhiên, Buprenorphine có giá thành đắt hơn Methadone. Nhưng vì những lợi ích mà Buprenorphine mang lại, Bộ Y tế chỉ đạo các tỉnh triển khai điều trị Buprenorphine để bệnh nhân đủ điều kiện kinh tế có thêm lựa chọn.

Suboxone trong thành phần có Buprenophine đã được triển khai thí điểm tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, kết quả cho thấy đã giảm đáng kể việc sử dụng heroin và giảm rõ rệt hơn trong nhóm sử dụng Suboxone. Ngoài 2 địa phương trên, năm 2017 phấn đấu triển khai điều trị Buprenorphine cho khoảng 500 bệnh nhân tại một số tỉnh miền núi (Điện Biên, Nghệ An, Sơn La) và năm 2018 tiếp tục duy trì và mở rộng điều trị Buprenorphine cho khoảng 2.000 bệnh nhân (Điện Biên, Sơn La, Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Yên Bái và Lai Châu).

Xin cảm ơn ông!

Nam Trần

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/trien-khai-bao-hiem-y-te-cho-benh-nhan-hiv-con-khong-it-rao-can-294807.html