Tri ân tiền nhân để tiếp tục phát tiết tinh hoa

Ngày 20/8/1983, Câu lạc bộ (CLB) Ca Huế trực thuộc Nhà Văn hóa Huế, chính thức ra đời và sinh hoạt định kỳ tại một sân khấu nhỏ ở căn nhà 47 Trần Hưng Đạo (nay là nhà sách Phú Xuân). Nhìn lại chặng đường 40 năm, CLB đã phát triển trong sự yêu quý và hưởng ứng nồng nhiệt của các nghệ nhân, nghệ sĩ ca Huế, giới mộ điệu, để tri ân những tiền nhân đã lặng lẽ 'giữ lửa' và phát tiết tinh hoa cho loại hình nghệ thuật này.

Ba thế hệ trong Câu lạc bộ Ca Huế

Tri ân và tưởng nhớ

Trong căn phòng nhỏ tầng 2 của căn nhà 47 Trần Hưng Đạo, hằng đêm tiếng đàn, giọng hát, những nghệ sĩ xuất sắc nhất của nghệ thuật ca Huế đã hội tụ. Khách tri âm là những người mê đắm giai điệu âm sắc “đặc sản” của vùng đất Cố đô. Những nghệ sĩ, nghệ nhân đầu tiên có mặt, mà người thưởng ngoạn phải tưởng nhớ và tri ân: Danh cầm Lê Văn Cần (đàn tỳ bà), Nguyễn Văn Tân (đàn nhị), NSƯT Thái Hùng (đàn nguyệt), Châu Thới (đàn tranh) và các ca sĩ Minh Tâm, Thanh Tâm, Kim Thành, Quỳnh Hoa, Khánh Vân... Tiếp đó, các nghệ nhân tên tuổi trong làng ca Huế được dần mời đến tham gia: Tôn Thất Toàn, Tôn Thất Dung, Trần Kích, Nguyễn Kế, Quang Hải Phạm Văn Thiết, Minh Mần, Vân Phi, Quế Trân, Minh Mẫn, Thanh Hương, Diệu Liên...

Nghệ sĩ đàn tranh Lệ Hoa - Thái Hùng đàn nguyệt

CLB Ca Huế cũng được sự cộng tác nhiệt tình của các nghệ sĩ Đoàn Ca Kịch Huế trong việc dàn dựng các trích đoạn, làm phong phú thêm nội dung biểu diễn nghệ thuật ca Huế, ca kịch Huế. Không thể không nhắc tên những nghệ sĩ một gia tộc 4 đời sống với nghệ thuật ca Huế: vợ chồng NS Ngọc Yến - Kim Oanh (con trai trưởng là NSND Ngọc Bình, nguyên GĐ Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch), cả gia tộc, con trai, con gái, dâu, rể và các cháu đều hoạt động ca Huế; nghệ nhân ưu tú Kim Vàng, người gắn bó CLB 40 năm nay, vẫn đang tiếp tục truyền nghề cho các thế hệ trẻ. “Những người bốn mươi năm cũ” ấy, giờ đa số đã hội tụ nhau ở Câu lạc bộ Ca Huế ở cõi xa xăm. Tin rằng dàn nhạc ấy, giọng ca ấy vẫn lay động khách tri âm cõi an yên kia.

Khởi đầu là các đêm diễn định kỳ hàng tuần, CLB Ca Huế đã biểu diễn thành công hàng trăm chương trình, đón các đoàn khách trong và ngoài nước của tỉnh, thành phố về thăm và làm việc tại Huế. Ca Huế lúc bấy giờ đã trở thành một “nghệ thuật đối ngoại” rất hiệu quả.

Nghệ sĩ ưu tú Kim Vàng

Tôi nhớ, nhiều chuyến đi công tác, lãnh đạo thành phố, ông Hoàng Lanh lúc ấy là Bí thư luôn nhắc phải đưa CLB Ca Huế đi cùng. Ca Huế, chương trình “Áo dài và những khúc dân ca” thu hút sự chú ý của các tỉnh thành bạn, sự quan tâm, chăm sóc và cổ vũ của các đồng chí lãnh đạo Trung ương và địa phương. Không chỉ vậy, nhận lời mời của các tổ chức âm nhạc quốc tế, của bạn bè khắp nơi, ca Huế tham gia các chương trình giao lưu nghệ thuật ở Mỹ (1995), Hồng Kông (1996), Đài Loan (1998), Hàn Quốc (2007)… Công chúng quốc tế, bà con kiều bào đón nhận với niềm hân hoan, tự hào và yêu mến.

Khởi nguồn cho sản phẩm du lịch độc đáo

Tháng 1/1984, CLB Ca Huế tiên phong viết tiếp một chương mới, sau này là sản phẩm độc đáo của du lịch Huế - ca Huế “xuống thuyền”. Những chiếc thuyền lung linh trên dòng sông, giai điệu ngọt ngào réo rắt, khi vui, khi buồn sầu da diết với điệu hò Mái nhì, những điệu Nam Ai, Nam Bình, Chầu văn Huế... làn điệu Cổ bản, Tứ đại cảnh… vang lên trên mênh mang sông nước cảm hoài. Sản phẩm ấy còn mang theo sự chuyển đổi cuộc đời sông nước nhiều người dân vạn đò, thuyền rồng ra đời, đón đưa khách tham quan thắng cảnh ban ngày, đưa khách lênh đênh nghe ca Huế về đêm.

Nhà thơ Võ Quê-Chủ nhiệm CLB Ca Huế trong 40 năm qua

Ngày 20/8/2013, kỷ niệm 30 năm thành lập CLB Ca Huế, ca Huế thính phòng khai trương tại Bảo tàng Văn hóa Huế - nay là Trung tâm Văn hóa và Thông tin TP. Huế, với trên 60 thành viên cùng tham gia. Ca Huế thính phòng là một hoạt động ý nghĩa nhằm gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Chương trình diễn ra thứ Ba và thứ Sáu hàng tuần cho khách tri âm và du khách. Không bán vé, tự nguyện với tấm lòng trân trọng, khách bồi dưỡng nên có những đêm nghệ sĩ diễn và uống nước ra về.

Hiện nay, CLB Ca Huế thính phòng còn tổ chức truyền dạy các nhạc cụ dân tộc: đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn nguyệt... cho những ai có niềm đam mê với âm nhạc dân tộc. Các nghệ sĩ tham gia hoạt động truyền dạy gồm có: Nghệ sĩ Quốc Tuấn - Nghệ sĩ Tuấn Hoàng (đàn nguyệt); Nghệ sĩ Đình Hưng (đàn nhị); Nghệ sĩ Nguyễn Hồng Lê (đàn tỳ bà, đàn bầu); Nghệ sĩ Quỳnh Nga (đàn tranh)… Các nghệ sĩ ngoài đàn ca, còn tham gia soạn lời ca Huế: Hồng Lê, Quỳnh Nga, Trang Thùy, Diệu Bình, Lê Minh Vũ, Hoàng Tuấn, Kim Hồng, Thúy Hồng...

Gần 10 năm qua với phương châm ca Huế vòng quanh các trường học, CLB đã lưu diễn ở các trường học trong thành phố: Quốc Học, Nguyễn Huệ, Chu Văn An, Tây Lộc, Phú Xuân, Nam Đông... và từng bước hình thành các CLB Ca Huế tại 3 trường THCS: Nguyễn Tri Phương, Thống Nhất và Trần Cao Vân, thu hút gần 100 học sinh tham gia. Không chỉ thế, CLB còn đến với các trung tâm xã hội, bệnh viện phục vụ y, bác sĩ, bệnh nhân; tham gia các hoạt động lễ hội của Phật giáo, Thiên chúa giáo…; thực hiện các chương trình chuyên đề Biển đảo, 27/7, Ngày Nhà giáo, Phụ nữ, Gia đình, Ngày kỷ niệm di sản UNESCO.

Những người giữ lửa

40 năm, gắn bó với CLB, trung trinh một tấm lòng, nhà thơ Võ Quê - nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Huế, người sáng lập CLB và các loại hình CLB hoạt động kể trên, gắn bó từ ngày đầu cho đến nay. Cặm cụi, miệt mài, mê đắm và thiết tha, anh chính là nhân tố khai sinh và gìn giữ CLB Ca Huế 40 năm qua. Anh hay bộc bạch: “Thời thơ ấu của tôi được đắm mình trong âm nhạc, gia đình, làng quê… nên hồn cốt nghệ thuật ca Huế đã thấm vào người. Tôi và các nghệ nhân lão thành, nghệ nhân trẻ gìn giữ không chỉ CLB mà còn cố gắng gìn giữ hạt ngọc trong veo ca Huế… Tôi và các thành viên trong CLB vẫn luôn nhắc nhau giữ khí chất của người nghệ sĩ chân chính, thương yêu, đoàn kết, thế hệ trước chăm thế hệ sau, thế hệ sau biết trân quý, kính trọng các bậc nghệ nhân, nghệ sĩ tiền bối. Khách tri âm, các làng bản xa xôi, mái chèo trăng, con thuyền mộng... tất cả đang chờ đợi chúng ta đồng thanh tương ứng. Hồn Huế đang luôn đơm mầm trong mỗi chúng ta từng cung bậc thái hòa...”

Các nghệ sĩ ca Huế giao lưu với các em học sinh

40 năm hình thành, tồn tại và phát triển, với tâm niệm “tri ân tiền nhân để phát tiết tinh hoa”, nhiều nghệ sĩ đã đi về nơi xa, nhưng niềm vui là xuất hiện nhiều nhân tố mới. Các NS Diệu Liên sắp 80, Kim Vàng 75, Quỳnh Hoa gần 70... vẫn hoạt động thường xuyên, dày công dạy nhiều bạn trẻ. Trong đó, có các giọng ca nam trẻ: Lê Minh Vũ, Văn Minh, Nguyễn Trần Đồng Hiếu... đang phát tiết.

Chặng đường 40 năm, không dài nhưng cũng không ngắn, hình thành từ những tấm lòng, gìn giữ và nuôi dưỡng từ những tấm lòng, các nghệ sĩ, nghệ nhân, khách tri âm, và những lãnh đạo địa phương, lãnh đạo ngành văn hóa các thời kỳ…

Năm 2015, ca Huế được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Và hiện nay đang xây dựng bộ hồ sơ “Nghệ thuật ca Huế” trình UNESCO đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Những thành tựu ấy, những tín hiệu vui ấy, chúng ta cần ghi nhận công lao của những nghệ nhân, nghệ sĩ từ CLB. Họ đã và đang ngày đêm thắp sáng ngọn lửa đam mê, phát sáng tinh hoa của một nghệ thuật bất biến với thời gian.

Bài, ảnh: Nguyễn Duy Hiền

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/van-hoa-nghe-thuat/tri-an-tien-nhan-de-tiep-tuc-phat-tiet-tinh-hoa-131169.html