Trị An - niềm ấy làm sao quên

Tháng lương đầu tiên tôi lãnh ở Báo Đồng Nai là vào tháng 1-1984 - cách đây tròn 40 năm. Ba tháng sau, tôi được phân công đi viết về lễ khởi công công trình Nhà máy thủy điện Trị An vào ngày 28-4-1984.

Âm vang Trị An. Ảnh: C.T.V

Bây giờ chắc không ai còn nhớ những chuyến xe chạy bằng than củi chở khách ngược xuôi tỉnh lộ 24, nay đoạn qua Biên Hòa là đường Huỳnh Văn Nghệ và đoạn qua Vĩnh Cửu đến Trị An là đường ĐT 768. Cho tới bây giờ, vẫn không hiểu tại sao với một sự kiện lớn như vậy, tòa soạn lại phân công một phóng viên mới về nhận nhiệm vụ. Xin nhắc, lễ khởi công là ngày 28-4-1984.

Nếu không có sự kiện đó và không nhờ viết báo, tôi sẽ không có dịp quá giang xe của thượng tướng Trần Văn Trà từ Trị An về Biên Hòa, tài xế là một sĩ quan mang quân hàm trung úy, trên xe còn một vị tướng khác là thiếu tướng Đào Sơn Tây, chức vụ trước khi về hưu là Phó chính ủy Quân khu 7. Tôi có xin chữ ký hai vị tướng ký vào cuốn sổ tay tác nghiệp trong chuyến công tác ấy. Không có kế hoạch nhưng số báo ấy thành số chuyên đề khởi công Trị An.

Lễ khởi công chỉ là một nghi thức, thật ra trước đó nhiều năm, riêng Đồng Nai và một số tỉnh, thành khác đã tham gia việc tận thu lâm sản, làm sạch vệ sinh môi trường lòng hồ Trị An mà mỗi địa phương cấp huyện thành lập một công trường ở lòng hồ. Quản lý chung có Liên hiệp các công trường và xí nghiệp khai thác, thu dọn lòng hồ Trị An, một Phó tổng giám đốc phụ trách môi trường, xử lý dioxin là BS Từ Thanh Chương, sau này là Giám đốc Sở Y tế, Thầy thuốc nhân dân. Tỉnh có Ban Đại diện tỉnh thường trực trên công trường do đại tá Vũ Ba làm Phó ban thường trực.

Sau ngày chính thức khởi công, công trường thủy điện Trị An sôi động và có lúc trên 3 tuyến năng lượng, tuyến đập và tuyến lòng hồ có 30 ngàn người đang lao động. Có thể nói lao động khắp cả nước hội tụ về đây. Ít có một dự án nào, công trình nào có 2 thứ trưởng thường trực ở công trường là Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lâm Thanh Tòng và Thứ trưởng Bộ Điện lực, thiếu tướng Trần Văn Danh, 2 lần Anh hùng lực lượng vũ trang, nguyên Trưởng ban Tình báo chiến lược quân sự miền.

Đi viết ở Trị An lúc ấy, phải đi xe than và quá giang đến các đơn vị, trong đó có các đơn vị tuyến đập là Liên hiệp các xí nghiệp xây dựng thủy lợi 4, tuyến năng lượng có Xí nghiệp liên hiệp lắp máy 45, Tổng công ty Xây dựng số 1, Công ty Xây dựng thủy điện Trị An.

Công suất thiết kế thủy điện Trị An là 400MW, nhiệt điện Nhơn Trạch 1 là 450MW, Nhơn Trạch 2 là 750MW, vị thế phát điện Trị An nhỏ hơn nhưng thủy điện Trị An mãi là niềm tự hào trên đất Đồng Nai.

Tuyến lòng hồ là “người nhà”, có lần nghe Phó tổng giám đốc Trần Đức Nguyên kể, đi giám sát bằng xe jeep, đậu sâu trong rừng, voi húc xe chỏng gọng. Anh là kỹ sư thủy sản, luận chứng kinh tế kỹ thuật dự án Thủy điện Trị An có nuôi trồng thủy sản, tiếc rằng đến nay, Trị An chưa thực hiện được bao nhiêu.

Nhiều nguồn thông tin đưa rằng Tổ máy 1 phát điện vào 30-4-1988, thực tế không đúng như vậy. Đó chỉ là ngày chạy thử không tải. Theo kế hoạch, tổ máy 1 sẽ vận hành không tải vào đêm 29 rạng 30-4 để chào mừng ngày lễ thống nhất đất nước nhưng đường ống áp lực xả nước từ cửa lấy nước xuống tổ máy nằm sâu trong lòng đất bị rò rỉ nên không thể thực hiện được theo kế hoạch. Chính tôi đã đi thang dây theo đường ống xuống tổ máy 1 và thấy công việc còn rất bề bộn, chưa kể sự cố rò nước từ trong vách bê tông đường ống. Sự cố này, theo ông Trần Văn Danh, phải mời chuyên gia Nhật sang giúp. Công trường có loa, sáng đó phát tin Trị An chạy thử không tải, chỉ là tin đón đưa trước theo kế hoạch, sự kiện không xảy ra.

Đi viết ca đêm trên công trường thủy điện Trị An có một kỷ niệm là bị lạc khi đi viết hạng mục đào hố móng nhà máy chính do Xí nghiệp thi công cơ giới 9 đảm nhiệm. Đó là do ban đêm đèn loa lóa giống nhau, khó nhận diện hướng. Để đảm bảo tiến độ thi công theo kế hoạch mà miền Nam đang “khát” điện, tất cả các đơn vị đều làm ca đêm. Tổng giám đốc Lương Viên (nay đã mất) của Liên hiệp Thủy lợi 4 có mẹo vui: Cho tài xế chạy xe đậu sát công trường, anh em cứ nghĩ có thủ trưởng, làm việc tốt hơn.

Nhà máy thủy điện Trị An được sự giúp đỡ toàn diện của Liên Xô, trong đó Tổng chuyên gia là ông Yuri Kirsanov, người Ukraine. Đồng sự với ông có chuyên gia kỹ thuật đến từ 15 nước cộng hòa thuộc Liên Xô và có một số là nữ. Một số ở khu chuyên gia, số khác xe đưa rước từ TP.HCM. Có một con đường về Trị An là đường ĐT 767, có ngã ba Trị An giao cắt quốc lộ 1, chỉ hình thành khi có công trường thủy điện Trị An và thông dụng đến khi khánh thành nhà máy vào năm 1991.

Hồ Trị An có vùng bán ngập và lòng hồ, làm thế nào khai thác lợi thế này mang lại hiệu quả chưa thấy rõ lắm. Cao trình thiết kế là 62m, gia cường là 63,5m, mực nước đủ điều kiện vận hành là 53m, mực nước chết 50m, như vậy 323km2 lòng hồ có diện tích rất lớn vùng bán ngập để khai thác nhưng chưa thấy dự án nông nghiệp, thủy sản lớn nào.

Nhà máy vận hành từ lâu, một lần có dịp trở lại thăm, tôi hỏi thăm một số người quen ở Công ty Thủy điện Trị An, biết là người quen thân, không cử người hướng dẫn, tự đi xuống hầm 4 tổ máy đang hoạt động sâu trong lòng đất. Không gian như đọng lại, từng vào đường hầm thủy điện Yaly nhưng xuống hầm tổ máy thủy điện Trị An, ký ức những ngày lội đi viết Trị An sống lại, làm sao có thể quên...

Trần Phi Châu

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202401/tri-an-niem-ay-lam-sao-quen-4ae17b7/