Trên hải trình mang Xuân tới Trường Sa: Kỳ II: 'Cầu nối' đất liền với đảo xa

Đến thời điểm này, tàu thủy là phương tiện chính đưa người ra thăm các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Những con tàu thuộc Hải đội 411, Lữ đoàn 955 (Vùng 4 Hải quân), nhất là tàu 561 và 571 – hai tàu vận tải có tải trọng và lượng giãn nước lớn nhất của Vùng 4 thường xuyên nhận nhiệm vụ đưa cán bộ, chiến sỹ (CBCS) và các đoàn công tác ra đảo được xem như “cầu nối” đất liền với đảo xa.

Thiếu tá Dương Văn Đắc, Chính trị viên phó Hải đội 411 chia sẻ: Mỗi năm các tàu thuộc Hải đội thực hiện trên 20 chuyến công tác ra các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Riêng hai tàu 561 và 571 hàng năm bình quân mỗi tàu thực hiện 5 - 7 chuyến công tác đưa người và CBCS ra thăm đảo và thực hiện nghĩa vụ quân sự với hàng nghìn lượt người/năm.

Tàu 561 trong hải trình mang Xuân tới Trường Sa.

Theo các thuyền viên tàu 561, những chuyến hải trình ra đảo thường kéo dài khoảng 10 đến 20 ngày, thậm chí có những chuyến đi cả tháng. Vì vậy, việc đảm bảo cho hành trình thành công, nhất là công tác đưa người vào đảo phải tuyệt đối an toàn bởi trong 21 đảo thuộc quần đảo Trường Sa, chỉ có một số đảo có âu tàu đảm bảo cho tàu cỡ lớn như tàu 561, 571 vào cập bến, neo đậu được. Còn lại đều phải vận chuyển bằng xuồng nhỏ, nếu không tuân thủ nghiêm quy định, hướng dẫn của chỉ huy sẽ gặp rất nhiều khó khăn để vào đảo và còn có thể xảy ra nguy cơ mất an toàn nếu thời tiết không thuận lợi, chuyển biến xấu.

Đến với quần đảo Trường Sa đúng dịp Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tổ chức thăm, chúc Tết CBCS và nhân dân trên các đảo tôi mới thấy sự can trường, hy sinh của các chiến sỹ hải quân và nhân dân đang ngày đêm canh giữ biển, trời Tổ quốc. Trong suốt hành trình 18 ngày đến với các đảo Trường Sa, An Bang, Đá Đông, Đá Tây trên tàu 561, khi tận mắt chứng kiến và trải nghiệm trên những chuyến xuồng vào đảo, những phóng viên lần đầu đi Trường Sa chúng tôi thực sự cảm thấy mỗi chuyến xuồng vào các đảo là một thử thách và trách nhiệm lớn lao đối với các thuyền viên.

Một kíp trực trên tàu 561 đưa đoàn công tác ra Trường Sa.

Dịp cuối năm được gọi là mùa “gió chướng”. Thời điểm này thường xuyên có gió mùa Đông Bắc nên biển động, gió to, sóng lớn, việc đưa các đoàn công tác lên đảo được tính toán kỹ, nhất là các đảo được xây dựng trên thềm san hô thường xuyên có thủy triều dâng cao. Đặc biệt nhất trong số các đảo chúng tôi đến trong chuyến hải trình lần này là An Bang. Đây được xem là đảo cực Nam của quần đảo Trường Sa và là đảo khó tiếp cận nhất. Đảo An Bang như một cây nấm giữa biển khơi do có cấu trúc dựng đứng và được bao quanh bởi tường sóng cao từ 2 m trở lên; thềm san hô của đảo rất hẹp, cách đảo khoảng 1 hải lý, ngay rìa thềm san hô độ sâu tới đáy biển có thể lên đến cả nghìn mét. Sóng ở An Bang dồn ra xa bờ, rồi vỗ tứ phía, dồn dập vào đảo cả 4 mùa trong năm. Phía bờ Tây của đảo có một bãi cát dài, hẹp, còn bờ phía Nam của đảo có bãi cát thường thay đổi theo mùa. Khoảng từ tháng 4 đến tháng 7, bờ cát này được bồi thêm trở thành một bãi cát dài; đến tháng 8, bãi cát dịch chuyển sang bờ Đông của đảo và theo chu kỳ một năm, bãi cát này lại trở về vị trí cũ và các đoàn đến An Bang đều phải tiếp cận đảo theo bờ cát này.

Xuồng đưa người vào đảo Đá Tây B.

Để vào được An Bang, đòi hỏi thuyền trưởng và các thuyền viên phải có kinh nghiệm và kỹ năng để tính toán sóng, hướng gió, dòng chảy của thủy triều mới ra được phương án tốt nhất ra vào đảo. Trước hết, phải lựa chọn vị trí, khoảng cách dừng tàu so với đảo sau đó căn cứ vào hướng gió để tàu di chuyển che gió cho các xuồng nhỏ, hạn chế thấp nhất sóng biển đánh vào xuồng trong lúc đưa người từ tàu lên, xuống xuồng. Do quanh đảo luôn có những luồng sóng đối nghịch nhau, tường sóng cao, các xuồng từ tàu vào đảo không thể tiếp cận thẳng vào roi cát của đảo nên đảo An Bang đã thành lập lực lượng kéo xuồng được huấn luyện đặc biệt gọi là “đội cảm tử An Bang” – lực lượng này thường xuyên phải bơi ra biển để cầm dây kéo xuồng đang tiếp cận vào bờ, từ đó lực lượng trên bờ mới có thể kéo xuồng lên soi cát. Quan trọng nhất là phải có sự liên lạc, phối hợp chặt chẽ giữa tàu lớn với xuồng nhỏ và xuồng nhỏ với đội “cảm tử An Bang”. Đại úy Hồng Long, Chính trị viên tàu 561 chia sẻ.

Có lẽ, chỉ khi được trải nghiệm thực tế những khó khăn, vất vả trong hải trình đến với Trường Sa dịp cuối năm; trực tiếp đứng trên boong tàu và ngồi dưới xuồng vào các đảo mới thấy được ý nghĩa, vai trò lớn lao của những con tàu đang làm nhiệm vụ “cầu nối” giữa đất liền với đảo xa. Tôi cảm thấy mình thật may mắn và hạnh phúc khi được ở trên tàu 561 trong hải trình lần này, rất yên tâm khi được những người thủy thủ có thủ kinh nghiệm hướng dẫn, giúp đỡ lên các đảo; được thấy niềm vui, sự ấm áp và ý nghĩa của những vật phẩm, món quà từ đất liền mang ra đảo để CBCS và nhân dân ở nơi đầu sóng, ngọn gió có cái Tết trọn vẹn, yên vui, vững tâm, bền chí giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

-----------------

Kỳ III: Đón Tết nơi đảo xa

Bài, ảnh: LƯƠNG HÀ

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/vi-bien-dao-que-huong/202403/tren-hai-trinh-mang-xuan-toi-truong-sa-ky-ii-cau-noi-dat-lien-voi-dao-xa-d933a90/