Trên bến, dưới thuyền

1. Hiểu thành ngữ “trên bến, dưới thuyền” theo nghĩa buôn bán sầm uất và tấp nập thì với Huế đó chính là chợ Đông Ba, nằm bên dòng Hương giang, ngay ở trung tâm thành phố Huế, cách không xa ngã ba Sình. Nhớ những năm cuối của thập niên 70 thế kỷ trước, tôi lần đầu tiên từ quê lên Huế học, ở nội trú tại đường Chi Lăng, có anh bạn thân quê ở làng thúng mủng Bao La (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền). Thường vào buổi chiều tối, bạn hay rủ tôi ra chợ Đông Ba. Gọi là chờ đón mẹ nhưng thật ra là để nhận quà. Mẹ bạn từ quê đi đò lên Huế bán hàng đan lát, thương con nên bao giờ cũng có… quà và tôi được ké, đôi khi đơn giản chỉ là một bì chè nhưng vẫn cảm thấy thật vui.

Bến đò Đông Ba từng là bến đò sầm uất nhất vì gắn liền với chợ đầu mối Đông Ba. Ảnh: Bảo Phước

Dạo ấy, khu chợ Đông Ba nổi tiếng, là hình ảnh “trên bến (xe buýt, xe đò), dưới thuyền”, rộn ràng và tấp nập từ tờ mờ sáng đến chiều tối. Mỗi tuần về thăm nhà, thương tôi hay nấn ná, mẹ tôi thường giữ lại để đến tận sáng thứ hai mới cho trở lại trường. Mẹ con tôi dậy thật sớm để kịp đi chuyến xe lam đầu tiên vào lúc gà gáy đầu, tức vào khoảng 3 giờ sáng. Đó là một chuyến xe thật lạ kỳ với khách hàng chủ yếu là những bạn hàng quen ở ven đô buôn bán tại chợ Đông Ba, An Cựu. Xe chạy thong thả, dừng lại đón từng khách hàng quen thuộc và tôi. Thời gian nghỉ chặng thường dài gấp nhiều lần lăn bánh. Vậy nên, chỉ một quãng đường chưa tới 10 cây số mà mất hơn cả tiếng đồng hồ.

Bao giờ cũng thế, mưa to hay nắng gắt, xe đến bến cũng là lúc nhạc hiệu quen thuộc “Một mùa xuân nho nhỏ…” của Đài Truyền thanh Huế vang lên, báo hiệu thời khắc chợ Đông Ba nhộn nhịp “trên bến, dưới thuyền”. Trên bộ, xe lam, xe đò từ Nong, Truồi, Phú Bài… lên; từ An Hòa, Văn Xá vào; từ Tuần, Kim Long… về; rồi Thuận An, Hải Dương lên; dưới bến, tàu thuyền từ các làng quê xa bên chân phá Tam Giang hoặc thượng nguồn sông Hương chở hành khách và nông sản về chợ Đông Ba. Tiếng người lao xao, chào hỏi và bán mua, rộn ràng và rôm rả.

2. Gần 40 năm trước, mới vào nghề tôi được phân phân công về xã Vinh Thái (nay nhập chung với Vinh Phú thành xã Phú Gia) viết bài báo đầu tiên trong nghề. Tôi cùng đi với người bạn thân theo một hành trình kỳ lạ mà cũng rất đặc sắc, bây giờ khó có thể tìm lại được, đó là đạp xe lên bến đò Đông Ba, ngồi đợi cả tiếng đồng hồ, để xuôi theo dòng Hương, rồi Đại Giang về với vùng quê vùng chua mặn nằm bên đầm phá Tam Giang này. Chuyến đi về vào buổi chiều, đò dọc chở chúng tôi từ Đông Ba phố hội đi qua bao làng quê yên bình mà vắng vẻ, cứ qua một làng quê hay xóm nhỏ lại có người dừng bước. Nhìn họ khuất dần trên các nẻo đường quê khi hoàng hôn ngày hè buông xuống, tôi lại có một cảm giác lâng lâng. Nó tương phản với cảm giác vào sáng hôm sau, “gọi đò” trở lại Đông Ba để từ làng quê về phố thị, càng đi càng thấy phố xá đông vui.

Cũng không quá xa lạ dọc theo đôi bờ các dòng sông ở Thừa Thiên Huế là hình ảnh “trên bến, dưới thuyền”. Thống kê vào đầu thế kỷ XIX, cả Kinh thành và phủ Thừa Thiên có 43 chợ lớn nhỏ; trong đó có 9 chợ lớn, gồm Gia Hội, An Vân, phố Thanh Hà, Kim Long, Nam Phổ, An Cựu, An Nông, Phú Lễ và Đại Lộc. Chợ Gia Hội (chợ Được, tức chợ Đông Ba nay), nơi giáp ranh giữa “ba hàng phía đông thành” và “tám hàng ven sông” là chợ buôn bán sầm uất nhất. Cuối thế kỷ XIX, toàn phủ Thừa Thiên có tất cả 87 chợ xã, ấp. Các chợ phần lớn đều nằm ven sông Hương hay các triền sông khác như sông Ô Lâu, sông Bồ hay nhỏ hơn có sông Nong, sông Truồi… và để rồi, đã đi vào dân gian qua câu nói: “Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”, thể hiện cái nhìn chọn nơi dừng chân an cư lạc nghiệp của cư dân Việt tại mảnh đất Thuận Hóa - Thừa Thiên.

Cũng là hình ảnh “trên bến, dưới thuyền” nhưng chợ Đông Ba nay khác xưa khi được xây dựng để trở thành điểm đến du lịch. Người đến chợ không chỉ nhằm mua những đặc sản quý hiếm của Huế mà còn để thưởng thức món cơm hến cay rát lưỡi, món bánh bột lọc, bánh bèo mỏng manh với nước mắm ớt xanh; thử tô bún bò giò heo còn nghi ngút khói, mà còn dạo chợ để thưởng thức thái độ mua bán lịch sự, văn minh, văn hóa ứng xử dịu dàng của người phụ nữ Huế. Hiếm có một ngôi chợ nào còn có những tiểu thương mặc áo dài như ở chợ Đông Ba. Đây cũng là một địa điểm đẹp, lý tưởng để tham quan, chụp ảnh và lưu giữ những khoảnh khắc đáng nhớ mỗi khi đến Huế của nhiều người.

3. Đối diện với chợ Đông Ba ở bên này sông Hương là bến thuyền Tòa Khâm. Cũng bởi có thêm yếu tố “cận di tích” kết hợp cùng các yếu tố “cận giang” là sông Hương và “cận lộ” mà từ một bến đò xưa nổi tiếng, bến thuyền Tòa Khâm đã phát triển thành bến thuyền du lịch. Cũng “trên bến, dưới thuyền” thay cho hành khách là du khách, thay cho hoạt động giao thông và buôn bán là hoạt động du lịch. Khách du lịch ghé lại Cố đô được đưa đến bến đò Tòa Khâm bằng ô tô, để từ đây có thể tham quan nhiều điểm di tích Huế, tham gia lễ hội Điện Hòn Chén hay đơn giản là ngắm sông Hương, nghe ca Huế hay thả hoa đăng trên dòng sông huyền thoại này.

Nhớ mới đây tại hội thảo về hệ thống giao thông ở Thừa Thiên Huế từ thế kỷ XIX đến nay, do Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế tổ chức, từ phương Nam xa xôi, miền quê của chằng chịt những sông rạch, Tiến sĩ Phạm Thị Huệ (Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ) liên tưởng đến đôi bờ sông Hương và con sông Đông Ba là quá khứ “trên bến, dưới thuyền” một thời của đất Kinh kỳ. Tiến sĩ Huệ cho rằng, Thừa Thiên Huế cần xây dựng phương án phát triển những sản phẩm du lịch đặc thù gắn với hình ảnh “trên bến, dưới thuyền” và nếu làm được điều đó sẽ góp phần làm cho sản phẩm du lịch đường sông có được diện mạo lớn. Điều mà bà Huệ tâm đắc và đặc biệt tâm huyết là ưu tiên phát triển bền vững các các bến thuyền đặc thù, mang dấu ấn riêng của từng nơi, tránh rập khuôn và bắt chước nhau.

Dirk Van Wesemael, một du khách người Bỉ chia sẻ: “Nếu có cơ hội trở lại Việt Nam lần nữa, chắc chắn tôi sẽ tìm đến Huế và chợ Đông Ba. Nơi đây, bạn có thể cảm nhận được sự thân thiện và cuộc sống thực sự của người dân Cố đô Huế, đồng thời thưởng thức rất nhiều món ăn, thức uống thơm ngon”. Được biết, đã 7 lần đến Việt Nam tham quan, du lịch nhưng không lần nào ông Dirk Van Wesemael (du khách Bỉ) thôi quên ghé thăm chợ Đông Ba. Chuyện vẫn còn dài và mọi thứ đang còn “vạn sự khởi đầu nan” nhưng sự đổi mới mang tính thích ứng ở Đông Ba hay mô hình bến thuyền Tòa Khâm đã cho thấy sự trăn trở đi tìm những dấu ấn riêng và đặc thù trong khai thác thế mạnh “trên bến, dưới thuyền” để phát triển du lịch của vùng đất Cố đô trong hội nhập và phát triển.

ĐAN DUY

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/tren-ben-duoi-thuyen-135606.html