Trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo nhờ tín dụng chính sách

Chiều nay (16/10), tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội (giai đoạn 2002-2017).

Cùng dự, điều hành hội nghị có đồng chí các Phó Thủ tướng Chính phủ: Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam, lãnh đạo các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố tại các đầu cầu truyền hình trực tuyến.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng Chính phủ: Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam điều hành hội nghị

Theo báo cáo do Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng trình bày tại hội nghị, tính đến 30/9/2017, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 169.036 tỷ đồng, gấp hơn 24 lần so với thời điểm thành lập. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 19,2%, với trên 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ.

Trong 15 năm qua, vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới...

Cụ thể, đã có trên 31,8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội; góp phần giúp trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 3,4 triệu lao động, hơn 3,5 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 9,9 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; trên 112 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động...

Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2001-2005 từ 17% xuống 7%; giai đoạn 2005-2010 từ 22% xuống 9,45% và giai đoạn 2011-2015 từ 14,2% xuống 4,25% cuối năm 2015.

Về mục tiêu thời gian tới, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng cho biết, sẽ phấn đấu 100% hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn các chương trình tín dụng chính sách và tiếp cận các dịch vụ do Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp; dư nợ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt khoảng 10%; tỷ lệ nợ quá hạn dưới 2%/tổng dư nợ; nguồn vốn ngân sách địa phương bổ sung hàng năm tăng bình quân trên 20%.

Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình bày tham luận về tín dụng với học sinh sinh viên theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ; đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và UBND các tỉnh, TP như: Hà Nội, Lâm Đồng; Tổ tiết kiệm và vay vốn... đã chia sẻ kinh nghiệm cũng như vướng mắc, đề xuất trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội, nhằm góp phần thực hiện tốt hơn nữa mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.

B.D

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tren-45-trieu-ho-vuot-qua-nguong-ngheo-nho-tin-dung-chinh-sach-62229.html