Trẻ khóc, phụ huynh cười trong ngày trường mầm non mở cửa trở lại

Trong khi một số trẻ không chịu tới lớp vì lạ lẫm, phụ huynh lại vui mừng, hạnh phúc vì con được đi học, có môi trường vui chơi, rèn kỹ năng sống.

7h30, tại cổng trường Mầm non Hoa Thủy Tiên (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), bé Trâm Anh lắc đầu nguầy nguậy, ôm chặt lấy cổ chị họ, nhất quyết không chịu vào trường.

“Không phải, không phải vậy đâu, lúc nãy đi xe máy, không phải như thế này”, Trâm Anh thút thít nói, tay vẫn không buông mặc cho bố và chị cùng dỗ dành.

Trở lại trường sau gần một năm, cô bé 4 tuổi không còn nhận ra đây là nơi mình từng đi học. Giọt nước mắt, cái níu tay không cho bố mẹ đi, vẻ vội vàng lôi kéo người lớn đi khỏi “ngôi trường xa lạ” xen lẫn trong tiếng vui đùa, háo hức của những đứa trẻ khác trong ngày đến trường.

Mặc cho mẹ và cô giáo dỗ dành, Chí Kiệt kiên quyết không buông mẹ để vào lớp. Ảnh: N.S.

Trẻ không chịu vào lớp vì lạ cô, không quen bạn

Anh Hồng Bằng (Bắc Từ Liêm), bố bé Trâm Anh, cho biết trước đây, con từng học một năm tại trường. Hồi đó, con quen với việc đến lớp mỗi sáng, ở cùng cô, chơi với bạn cả ngày.

Thế nhưng, trong thời gian con phải nghỉ học vì dịch, vợ anh cũng xin chuyển sang làm việc tại nhà để chăm lo 3 đứa con còn nhỏ (bé lớn nhất mới học lớp 3). Ở với mẹ cả ngày, con trở nên bám bố mẹ, gần như ít khi tách khỏi gia đình nên trở lại với bỡ ngỡ của những ngày đầu vào mầm non.

Thực tế, từ lúc nhận tin trường mở cửa trở lại, vợ chồng anh Hồng Bằng thường xuyên làm công tác tư tưởng cho con. Tối qua, họ cũng liên tục nói chuyện để con chuẩn bị tâm lý mai xa mẹ, đến lớp.

“Con đã đồng ý sẽ đi học nhưng đến sáng nay, con lại đổi ý. Chị họ phải đi cùng con mới lên xe. Nhưng tới trường, con lại khóc, có thể vì thấy xa lạ do quên mất trường. Một lát nữa, con quen thuộc trở lại, sẽ vui vẻ vào lớp thôi”, anh Bằng chia sẻ.

Đúng như lời ông bố, chỉ một lát sau, khi nhận bóng bay hình con cá từ các cô giáo, Trâm Anh chịu đi vào lớp, chấm dứt khoảng 10 phút giằng co trước cổng trường. Cô bé vừa đi vừa thút thít, vào tận lớp vẫn khóc nhưng không còn đòi về.

Trong khi đó, ngày đầu vào lớp mới của Chí Kiệt (4 tuổi) khó khăn hơn nhiều. Chị Thùy Linh đưa con đến cửa lớp nhưng con nhất quyết không buông mẹ ra. Hai cô giáo dỗ dành, người ướt đẫm mồ hôi song cậu bé vẫn khăng khăng không vào lớp. Kiệt còn kéo tay mẹ đi về.

Các cô đành để chị Linh vào chơi cùng con một lúc, liên tục đưa đồ chơi ra “nịnh” song con vẫn bám lấy mẹ. Thậm chí có lúc, chị Linh định tạm đưa con về vì con khóc mãi không dừng. Nhưng được cô giáo động viên, hơn nữa, từng trải qua việc cho 2 con lớn đến lớp mẫu giáo, chị Linh dứt khỏi con, ra về trong tiếng khóc không ngớt của con trai.

Vừa đi vội ra cổng trường chị vừa chia sẻ con đi học chưa được một năm thì đã phải nghỉ học quá lâu. Con lại lên lớp mới, không có cô giáo, bạn bè quen thuộc nên càng khó thích ứng.

“Nghỉ lâu quá, con đi học trở lại, khóc là bình thường. Dần dần, con sẽ quen thôi”, chị Linh nói.

Không chỉ các em nhỏ quên mất trường, con gái 6 tuổi của chị Hồng Hoa (Bắc Từ Liêm) cũng ngỡ ngàng hỏi mẹ “con chuyển sang học trường mới ạ?” khi được mẹ đưa đến cổng.

Chị Hoa mất một lúc để giải thích cho con hiểu vẫn trường ngày trước con học nhưng do con nghỉ lâu quá, trường lại trang trí khác nên tạm thời con chưa nhận ra. Sau đó, bé cũng vui vẻ vào lớp.

Bé Trâm Anh kiên quyết không vào lớp dù trước đó, gia đình đã chuẩn bị tâm lý cho con rất nhiều. Ảnh: N.S.

Phụ huynh vui mừng khi con được đi học

Không gặp khó khăn trong việc dỗ dành con, chị Hồng Hoa vui vẻ ra về. Chị chia sẻ từ lúc nhận tin trường mầm non mở cửa trở lại, gia đình chị rất hào hứng. Chị giải thích dù vẫn lo lắng về dịch bệnh, chị hiểu ở tuổi này, con cần học trực tiếp, trực quan. Hơn nữa, con gái gần vào lớp 1, rất cần được các cô kèm cặp, rèn kỹ năng.

Gần một năm ở nhà, họ sốt ruột nhưng không dám cho con đi học thêm lớp tiền tiểu học hay nhóm trẻ do sợ dịch bệnh. Không những vậy, dịch bệnh kéo dài, 2 năm nay, gia đình hạn chế đi chơi, con chỉ được về nhà ông bà hoặc thỉnh thoảng, vợ chồng chị cho con dạo công viên cho đỡ bí bách.

“Con đang độ tuổi hiếu động, thích ra ngoài mà cứ phải ở nhà mãi. Vì thế, khi biết được đi học, con háo hức lắm, liên tục dặn bố mẹ gọi con dậy sớm để đến lớp”, chị Hồng Hoa kể.

Vợ chồng anh Hồng Bằng cũng rất vui khi con được đi học trở lại dù khi con út đến lớp, gia đình sẽ gặp khó khăn trong việc đưa đón 3 con nhỏ. Song nghĩ đến việc con thiệt thòi khi ở nhà quá lâu, họ vẫn mong chờ ngày con tới trường trở lại.

Ông bố 3 con cho hay một năm qua, trừ thỉnh thoảng về quê, ra công viên, con gần như chỉ ở nhà. Gia đình không gửi con tới các nhóm nhỏ vì lo nhóm tự phát, khó đánh giá việc con tới đó có hiệu quả gì.

Với chị Anh Thư (Bắc Từ Liêm), ngày 13/4 thực sự là ngày giải phóng. Chị chia sẻ từ lúc nhận tin thành phố mở cửa trường mầm non, chị đã rất vui. Bạn bè cũng chúc mừng chị sắp được giải phóng.

Từ khi sinh bé Mi Mi, 21 tháng nay, chị nghỉ sinh rồi lại vướng dịch nên chỉ ở nhà với con. Cũng may, công việc chị linh hoạt, có thể sắp xếp làm việc từ xa.

“Lẽ ra, con được đi học từ lúc 18 tháng tuổi nhưng vì dịch, con chưa được đến lớp. Mà ở nhà quá lâu, cả mẹ lẫn con đều stress. Tôi cũng không hạn chế việc con ra ngoài, mẹ dẫn con đi chơi, thậm chí, khi ra ngoài vì công việc, tôi vẫn phải mang con theo vì không ai trông hộ”, bà mẹ trẻ tâm sự.

Chị Anh Thư kể khi xin cho con vào trường, giáo viên có khuyên chờ đến tháng 7, con tròn 2 tuổi rồi gửi con vào lớp đó luôn. Nhưng vì con quá bám mẹ, mẹ lên xuống tầng khác cũng đòi theo, chị nghĩ cần cho con đi học luôn để dần hòa nhập với bạn bè cùng tuổi.

Hơn nữa, Mi Mi đã biết đi, biết nói, tự xúc cơm ăn. Thực tế, trước khi biết tin trường mầm non mở cửa trở lại, chị Thư cũng đã tìm hiểu một số nhóm lớp để gửi con đi học. Rất may, gia đình chưa kịp đăng ký, con đã được tới trường.

Chị lại từng có 2 con học ở đây nên chắc chắn các cô sẽ chăm sóc con cẩn thận. Dù vậy, chị vẫn có chút lo lắng do con còn quá nhỏ, tính cách lại nhút nhát.

“Dù lo đến mấy, tôi cũng gửi con tới lớp chứ ở nhà mãi, ảnh hưởng tâm lý cả mẹ lẫn con. Lần đầu xa mẹ, con chắc chắn sẽ khóc, đòi mẹ, nhưng tôi tin tưởng có các cô, con sẽ sớm quen thôi”, chị Anh Thư nói thêm từ khi Mi Mi chào đời, 2 mẹ con xa nhau lâu nhất cũng chỉ khoảng 2 tiếng, đây là lần đầu tiên họ xa nhau lâu đến vậy.

Nguyễn Sương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tre-khoc-phu-huynh-cuoi-trong-ngay-truong-mam-non-mo-cua-tro-lai-post1309265.html