Trẻ học thêm triền miên hoặc bị 'bó' trong nhà: Trả lại kỳ nghỉ hè cho trẻ

Trẻ em đang mất dần những mùa hè đúng nghĩa. Thay vì được vui chơi, giải trí, gần gũi với thiên nhiên nhằm tái tạo năng lượng sau một năm học, các em phải học thêm triền miên hoặc bị bó buộc trong bốn bức tường. Làm thế nào để trả lại kỳ nghỉ hè cho trẻ, việc này không hề đơn giản.

Kỳ 1: Ám ảnh “học kỳ 3”

Bước sang tháng 5, những môn thi học kỳ cuối cùng của các em cũng đã hoàn tất, ve sầu kêu râm ran, phượng đã thắp lửa khắp sân trường và bằng lăng nở tím cả góc trời báo hiệu sắp đến ngày các em được nghỉ hè. Thay vì phấn khởi sắp được nghỉ hè sau 9 tháng miệt mài đèn sách, rất nhiều trẻ em lại sợ nghỉ hè.

Nỗi sợ nghỉ hè

Theo khung chương trình năm học, kỳ nghỉ hè của học sinh bắt đầu từ 1/6 và kéo dài đến trước lễ khai giảng năm học mới, trừ học sinh lớp 9 và 12 chuẩn bị cho kỳ thi vượt cấp và học sinh trường ngoài công lập thường đi học sớm khoảng 1 tháng. Như vậy, đa số học sinh sẽ có kỳ nghỉ hè kéo dài khoảng 3 tháng.

Cho trẻ trải nghiệm leo núi.

Hết tháng 5 mới kết thúc năm học nhưng ngay từ tháng 4, chị Nguyễn Thị Dung (quận Tây Hồ, Hà Nội) đã rốt ráo đi tìm lớp học thêm cho con vào dịp hè. Chị tìm hiểu qua bạn bè, người thân giới thiệu, lên mạng vào các hội nhóm tham khảo phụ huynh đi trước để tìm trung tâm học cho con. Cậu con trai của chị năm nay mới kết thúc lớp 6, chuẩn bị lên lớp 7.

Hai mẹ con đưa ra mục tiêu hè này sẽ học thêm tất cả môn học con còn yếu cũng như sẽ nâng cao 3 môn: Văn, toán, tiếng Anh. Nhẩm tính sơ sơ, mỗi tuần con sẽ phải học thêm 12 buổi, có những buổi tối chạy sô học thêm 2 ca với 2 môn và địa điểm học cách nhau gần 5km.

Bên cạnh căn bệnh thành tích trong học hành, những kỳ thi cuối cấp cũng là một áp lực khiến phụ huynh cũng như nhà trường, thầy cô và học sinh lao vào học thêm, bởi không học thêm thì... không thi được. Cậu con trai chuẩn bị lên lớp 9, sang năm sẽ thi tốt nghiệp THCS nên hè này, gia đình anh Đặng Minh Tuấn (quận Hà Đông, Hà Nội) ráo riết tìm trung tâm ôn luyện.

Anh Tuấn cho biết, hè năm nay, cả gia đình gác hết các kế hoạch để tập trung cho con học ôn. “Hà Đông có số lượng học sinh rất đông, năm sau đông hơn năm trước nhưng trường THPT không được xây mới, chỉ tiêu tuyển sinh giữ nguyên đồng nghĩa với tỷ lệ “chọi” ngày càng cao. Vì thế, tôi động viên con học, học và học mới có hy vọng có suất vào trường THPT công lập”, anh Tuấn nói.

Trước khi học sinh chính thức nghỉ hè, một số tỉnh, thành đã ra văn bản hướng dẫn tổ chức hoạt động hè, trong đó có yêu cầu không tổ chức học thêm. Tuy nhiên, thực tế, việc dạy thêm, học thêm vẫn diễn ra vì có cầu ắt có cung. Nếu giáo viên không dạy thêm, phụ huynh cũng sẽ tìm đến các trung tâm để tìm lớp học thêm cho con.

Theo tìm hiểu của phóng viên tại tỉnh Nghệ An, đa phần phụ huynh đều hiểu việc trẻ được nghỉ ngơi, vui chơi dịp hè là cần thiết nhưng khi thấy “con nhà người ta” học thêm mà con mình không đi học thì cũng sốt ruột.

Chị Đào Minh Thùy (TP Vinh, Nghệ An) có hai con đang học THCS cho hay, dù con gái (học lớp 8) đứng tốp đầu của lớp nhưng hè này chị vẫn xác định cho con học thêm. “Các bạn đều đi học thêm. Tôi hỏi ý kiến con về việc có cần đi học thêm hè không thì cháu bảo nếu không học thêm thì sẽ tụt hạng. Vậy nên tôi cũng cho con đi học thêm”, chị Thùy cho biết.

Dù sắp được nghỉ hè nhưng Nguyễn Mạnh Hoàng (Trường THCS Sài Đồng, Hà Nội) không hào hứng vì hè thì vẫn phải đi học đều cả tuần. Hoàng cho biết: “Em muốn nghỉ hè được đi đá bóng, học chơi bóng rổ và ước không phải học thêm.

Hè năm nào mẹ cũng bắt đi học thêm, thậm chí có những trung tâm cách nhà hơn 10km nắng nóng, mệt mỏi nên chả còn sức chơi đá bóng. Học trong hè còn mệt hơn cả trong năm học nên em không thích nghỉ hè”.

Cùng chung nỗi ám ảnh học thêm dịp hè, Quỳnh Anh (Trường THCS Nguyễn Du, Hà Nội) cho biết: “Cứ vào mùa nghỉ hè, mẹ lại đăng ký cho con học thêm. Không những thế, mẹ còn bắt đi học các môn năng khiếu dù em không có năng khiếu cũng không hứng thú với các môn nghệ thuật. Thực tế, em chỉ được nghỉ hè khoảng 1 tuần”.

Nhiều trẻ em gói gọn kỳ nghỉ hè sau cánh cửa, làm bạn với tivi, máy tính.

Gói gọn mùa hè sau cánh cửa

Thời điểm này, nhiều gia đình đã có kế hoạch kỳ nghỉ hè cho con. Đối với trẻ em thành phố, trẻ nghỉ hè nhưng bố mẹ vẫn phải đi làm nên rất khó để con có kỳ nghỉ hè trọn vẹn, đúng nghĩa. Một số người cho con về quê với ông bà, người thân, không ít người đã đăng ký các khóa dã ngoại, khóa tu, trải nghiệm, học hè...

Trong khi đó, nhiều gia đình loay hoay, chưa biết phải xoay xở ra sao khi con được nghỉ kéo dài, buộc phải để con ở nhà một mình dù rất lo lắng.

Chị Đặng Ngọc Loan có 2 con đang học lớp 4 và 6 ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, gia đình dự định sẽ tìm lớp cho con lớn đi “Học kỳ quân đội” để được rèn luyện, trải nghiệm các sinh hoạt, kỷ luật trong quân ngũ.

Thế nhưng, mỗi khóa cũng chỉ kéo dài từ 7 - 9 ngày. Kết thúc khóa học, gia đình không thể gửi con về quê vì thời tiết quá nắng nóng và ông bà cũng già yếu khó có thể trông nom, lo ăn uống cho cả 2 cháu.

“Ở lại Hà Nội, bố mẹ vẫn đi làm, hai đứa sẽ bị nhốt trong nhà làm bạn với ti vi, điện thoại cũng rất tội.

Cơ quan lại cách nhà gần 15km nên tôi không đủ thời gian để về buổi trưa với các con. Vì thế, hai con phải tự trông nhau. Tôi biết là không thể tránh khỏi việc các con ôm tivi, máy tính suốt ngày nhưng chẳng còn cách nào khả dĩ hơn”, chị Loan nói.

Cùng cảnh ngộ, vợ chồng chị Hoàng Minh An (Long Biên, Hà Nội) đều làm công nhân tại Khu công nghiệp Hanel. Hai vợ chồng đều làm từ sáng đến chiều, đợt này công ty có thêm đơn hàng nên chồng chị đăng ký làm tăng ca đến đêm mới về. Hai con nhỏ, đứa lớp 6, đứa lớp 3 nghỉ hè phải tự trông nhau.

“Ở quê ao hồ nhiều, các con lại hiếu động trong khi ông bà lớn tuổi không thể quản. 3 tháng, các con ở mãi trong nhà cũng thương lắm nhưng ra ngoài chơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn. Bố mẹ bận công việc nên cũng không có nhiều thời gian cho con. Tôi động viên các con ở nhà chơi với nhau ngoan, đến bữa chị dọn cơm mẹ đã chuẩn bị sẵn để hai chị em ăn”, chị An chia sẻ.

Còn gia đình chị Nguyễn Thúy Hoa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) thuê giúp việc trông con. Tuy nhiên, bà giúp việc lớn tuổi cũng chỉ có thể đảm bảo nấu nướng 3 bữa và nhắc nhở trẻ làm bài tập.

“Cả mùa hè, ngoài thời gian đi học thêm, hai chị em xem tivi và máy tính là chủ yếu. Mẹ sợ chúng con ra ngoài sẽ bị tai nạn, bị bắt cóc… nên hết giờ học là phải về nhà ngay. Bọn con ở nhà nhiều cũng quen”.

Chị Trần Thị Phượng có con đang học lớp 7, Trường THCS Hà Huy Tập (TP Vinh, Nghệ An) tâm sự: “Vợ chồng tôi đi làm cả ngày, lúc nào về nhà cũng thấy cháu chăm chú vào máy vi tính. Con nói là đang học tiếng Anh, giải toán trên mạng… thì biết vậy thôi”.

Nỗi lo của phụ huynh hoàn toàn có sơ sở khi các trò chơi trực tuyến trên internet rất cuốn hút, làm không ít học sinh đam mê đến nghiện ngập. Rồi những trang web “đen” có nội dung không lành mạnh nhưng lại gây được sự tò mò cho tuổi mới lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức và nhân cách sống của các em.

Không chỉ ở thành phố, hè về cũng là nỗi lo của cha mẹ ở các vùng nông thôn. Không lo sao được khi tình trạng tai nạn thương tích, đặc biệt là đuối nước xảy ra với trẻ em trong thời gian gần đây ngày càng nhiều. Bố mẹ bận việc đồng áng, các con nghỉ hè tự chăm sóc nhau hoặc tùy sức khỏe, độ tuổi ra đồng phụ bố mẹ.

Chị Võ Thúy Hạnh (xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) cho biết, con nghỉ hè nhưng ba mẹ vẫn phải đi làm nên 2 con (9 và 7 tuổi) ở nhà tự trông nhau; làm xong một số việc mẹ giao rồi mới được xem điện thoại, ti vi. Thực tế, trẻ em nông thôn thường tự do vui chơi, ít được sự quản lý của người lớn. Với sự tinh nghịch của tuổi thơ cộng với thời gian nghỉ hè, các em có điều kiện để tìm tòi, khám phá tìm ra những trò chơi mới.

(Còn nữa)

Vân Khánh

Báo Lao động Xã hội số 55

LĐXH

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/vi-tre-em/tre-hoc-them-trien-mien-hoac-bi-bo-trong-nha-tra-lai-ky-nghi-he-cho-tre-20240507125504157.htm