Trẻ em bị bạo hành ngày càng nhiều: Người lớn không thể vô can

Người lớn cần phải biết chất vấn lương tâm và bắt tay vào hành động trước tình trạng trẻ em bị bạo hành ngày càng tăng trong xã hội.

1.

Cứ mỗi lần điện thoại trao đổi với cán bộ Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng về tình trạng bé gái N.N.T.C, 2 tháng tuổi, bị người tình của mẹ đánh đập, cả phóng viên lẫn các chị em cán bộ Hội phụ nữ cơ sở, đều xúc động mạnh mẽ. Chúng tôi khóc vì thương cảm cho số phận em bé khi tiếp nhận được các thông tin từ bệnh viện: bé T.C bị đánh tới mức tổn thương nội sọ, gãy xương cẳng tay, gãy xương cẳng chân, gãy xương đùi, suy thận cấp và suy gan. Mà em bé mới có 2 tháng tuổi. Lưu ý là chỉ có 2 tháng tuổi! Con còn quá nhỏ để chịu đựng các tác động thể chất rất dã man từ người lớn.

Trước đó, vào các ngày 14-15/5/2023, Thương đánh bé gái vì bé không uống sữa, quấy khóc. Người đàn ông này còn lấy núm vú giả gắn vào miệng bé và lấy băng keo dán lại. Tới khi thấy bé khó thở thì mới tháo băng keo ra. Vào ngày 20/5/2023, Thương cho bé gái uống sữa nhưng bé khóc nên anh ta đã đánh vào mặt, vào đầu bé. Mẹ bé thấy con bị đánh nhưng không có hành vi, lời nói nào can ngăn. Khi bé gái thể hiện tình trạng nguy hiểm tới tính mạng, được đưa đi cấp cứu, bệnh viện nhận thấy có sự bất thường nên đã báo công an.

Cán bộ Hội LHPN TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) tới thăm bé gái T.C bị bạo hành đang điều trị trong bệnh viện

Đây là một vụ việc đau lòng nằm trong chuỗi các sự việc trẻ em bị bạo hành tới mức chấn thương nặng, hoặc bi thảm hơn, là tử vong, trong thời gian gần đây. Chúng ta vẫn còn chấn động bởi cái chết của bé V.A do người tình của cha trực tiếp ra tay, có sự hỗ trợ giúp sức của cha đẻ. Vào ngày tòa xét xử, người dân nhiều nơi đổ về mong được vào tham dự. Họ đều thể hiện sự phẫn nộ đối với thủ phạm và bày tỏ nỗi xót thương cho phận mỏng của nạn nhân. Điều này cho thấy, hầu hết người lớn có lương tri đều lên án các hành vi bạo hành đối với trẻ em, và yêu cầu công lý thực thi đầy đủ nhiệm vụ.

Nhưng, vì sao các em bé vẫn liên tiếp trở thành nạn nhân của người lớn, có sự lệch pha nào đáng kể trong nhận thức xã hội hay không?

2.

Và câu trả lời hẳn nhiên là CÓ. Các lỗ hổng về nhận thức, sự chênh lệch nhận thức trong xã hội cũng như hoàn cảnh buông thả, khốn cùng của cá nhân đã khiến những bi kịch diễn ra, trở nên thường thấy tới mức báo động. Ở cả những câu chuyện người ta khó hình dung.

Chúng ta chưa quên cặp đôi ngụ tại Hóc Môn, TPHCM, đã cho cậu bé 3 tuổi hít ma túy mỗi ngày cách đây 2 tháng. Cùng đặc điểm motif câu chuyện mẹ sống chung cùng người tình, cậu bé 3 tuổi đã phải tiếp xúc sớm với các chất kích thích gây ảo giác. Hình ảnh em bé ngồi khoanh chân thản nhiên rất kiểu trải đời khi được các tổ chức xã hội tới "giải cứu", ngay lập tức ấn tượng đối với chúng tôi. Lẽ ra ở lứa tuổi của con, sẽ là những lời nói thơ ngây, những hành động ngộ nghĩnh. Xem lại các hình ảnh khi con "được" người lớn trong nhà cho ngồi hít ma túy, thật sự bức xúc. Đầu độc con trẻ như vậy là một dạng bạo hành tinh thần và thể xác tàn khốc.

Để vấn nạn bạo hành trẻ em không trầm trọng thêm, bất cứ người lớn nào cũng cần phải thấy có trách nhiệm để ngăn cản bạo lực diễn ra. Những người hàng xóm xung quanh trong khu chung cư nhà bé V.A (giá như) để tâm hơn nữa khi nghe được những âm thanh bất thường được phát ra mỗi khi bé V.A bị đánh đập, và can thiệp kịp thời, thì bi kịch có lẽ đã được ngăn chặn. Những người thân không được gặp con cái cần được các tổ chức xã hội quan tâm nhiệt tình và có trách nhiệm, để các thông tin cần biết xoay quanh đứa trẻ không bị ém nhẹm, thì mọi việc cũng dễ giải quyết hơn. Và, chúng ta phải cần thêm những thiết chế xã hội nghiêm khắc đối với các hành vi sử dụng chất kích thích. Khi con người bị ma túy chi phối, bản tính lương thiện đã bị đánh mất, rất khó để kiểm soát các hành vi, đặc biệt là sự kiên nhẫn đối với con trẻ.

Bạo lực sẽ sinh ra bạo lực. Một đứa trẻ phải hứng chịu sự đánh đập của người lớn trong suốt quãng đời ấu thơ, sẽ mang trong bản thân sự hận thù. Phụ huynh đánh con mình, không phải là câu chuyện của riêng gia đình đó, mà chính là của toàn thể xã hội. Chính vì vậy, sự vô cảm không khiến chúng ta vô can trong tất cả các vụ án bạo hành trẻ em dã man.

Đối với các vụ việc bạo hành trẻ em, chúng ta cần phải sử dụng sự nghiêm khắc nhất của luật pháp. Trong công việc phản ánh và điều tra thông tin, Báo Phụ nữ Việt Nam đã có nhiều tác phẩm báo chí, lên án mạnh mẽ các hành vi bạo lực đối với trẻ em. Tuy nhiên, vẫn còn có những vụ việc chưa được giải quyết thấu đáo, gây nỗi đau, nỗi tổn thương cho các em nhỏ là nạn nhân của vấn nạn này.

Trẻ em là đối tượng yếu thế cần sự bảo bọc của người lớn. Nếu người lớn cố tình sử dụng Quyền người lớn của mình để chà đạp, thì Quyền trẻ em chắc chắn sẽ bị dập nát, không còn nguyên vẹn.

Mà Quyền trẻ em thì đã được cả thế giới công nhận.

Hiến pháp năm 2013

Điều 20:

1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

Luật trẻ em năm 2016

Điều 6. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Tước đoạt quyền sống của trẻ em.

2. Bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.

3. Xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em.

4. Tổ chức, hỗ trợ, xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn.

5. Sử dụng, rủ rê, xúi giục, kích động, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc trẻ em thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.

6. Cản trở trẻ em thực hiện quyền và bổn phận của mình.

7. Không cung cấp hoặc che giấu, ngăn cản việc cung cấp thông tin về trẻ em bị xâm hại hoặc trẻ em có nguy cơ bị bóc lột, bị bạo lực cho gia đình, cơ sở giáo dục, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.

Điều 27. Quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc

Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em.

Đinh Thu Hiền

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tre-em-bi-bao-hanh-ngay-cang-nhieu-nguoi-lon-khong-the-vo-can-20230601123151805.htm