Trẻ con có nên biết xài tiền?

Quản lý tài chính là một việc tưởng chừng đơn giản nhưng lại không hề dễ dàng chút nào. Nhiều người dù đã trưởng thành, có công việc tốt vẫn chưa biết cách quản lý tài chính cá nhân, huống hồ gì là những bạn trẻ, sinh viên, học sinh.

Nhưng ai cũng hiểu rằng thực ra quản lý tài chính cá nhân vô cùng quan trọng, quyết định sự thành công của cá nhân đó. Kiếm ra nhiều tiền nhưng tiêu tiền cũng nhiều thì chẳng bao giờ có thể tích lũy được gì. Ngược lại, kiếm tiền tuy không nhiều nhưng biết cách chi tiêu cân đối, tiết kiệm hợp lí thì dần dần sẽ tích lũy được số vốn tăng hàng năm, có thể dành để đầu tư hay sử dụng vào những việc trọng đại: lập gia đình, xây nhà, mua xe…

Ảnh minh họa.

Các bậc phụ huynh thời nay đã dần thay đổi cách suy nghĩ, xem kỹ năng quản lý tài chính cá nhân là quan trọng và hướng tới rèn luyện dần cho con ngay từ khi còn nhỏ. Nhưng cũng có những phụ huynh cho rằng không nên để con biết cách tiêu tiền sớm vì sợ con chưa ý thức được sẽ sử dụng tiền vào những việc không tốt. Vậy, cho con tiếp xúc tiền từ nhỏ là tốt hay đừng cho con tiền quá sớm là tốt?

Xét trường hợp đầu tiên, cha mẹ quá bảo bọc con, luôn luôn sợ con hư nên không dám giao tiền cho con sớm. Những bậc phụ huynh này thường chăm con rất kỹ, sáng đưa đi học bao giờ cũng mua lỉnh kỉnh đồ ăn, thức uống cho con chứ không bao giờ để con tự mua theo ý mình. Khi trẻ còn nhỏ, ở độ tuổi tiểu học thì việc này là cần thiết vì trẻ vẫn chưa nhận thức được thức ăn nào sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân. Hơn nữa, tình trạng bánh kẹo nhập lậu, kém chất lượng, chưa kể chứa chất cấm… thì việc mua sẵn đồ ăn cho trẻ mang theo khi đến trường là việc làm cần thiết để đảm bảo an toàn cho trẻ.

Nhưng khi trẻ bắt đầu lớn, cuối những năm tiểu học, bắt đầu “khôn” hơn thì trẻ cần có nhu cầu được xài tiền. Đi học về các bạn rủ nhau ăn quà vặt. Sinh nhật bạn mua một món quà nhỏ. Hay, muốn để dành tiền mua một món đồ chơi yêu thích, còn không nữa thì muốn để dành tiền để mua món quà bất ngờ cho mẹ dịp sinh nhật. Đó là những nhu cầu chính đáng của trẻ. Nhưng ba mẹ không bao giờ cho tiền mặt thì đành chỉ biết ước ao. Lâu dần trẻ sẽ xuất hiện những suy nghĩ đố kị, tại sao cha mẹ bạn lại cho tiền còn mình thì không, tại sao mẹ lại lấy hết tiền lì xì của mình trong khi bạn được giữ… Chưa kể việc được cha mẹ luôn luôn mua sẵn mọi thứ khiến trẻ không biết trị giá của từng tờ tiền, không biết cách mua hàng như thế nào, thường phụ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ.

Nhiều trẻ khi lớn thành thiếu niên rồi vẫn có tâm lý ỉ lại vào cha mẹ, cách chăm sóc bản thân cũng không biết. Đến lúc này khi phải đi học xa nhà, được cha mẹ giao tiền thì lại lơ ngơ không biết dùng ra sao, thích gì thì cứ mua không có kế hoạch thành ra chi phí cha mẹ gửi cho cứ thiếu trước hụt sau, rồi lại phải nói dối cha mẹ để xin thêm. Cứ vậy vướng vào vòng luẩn quẩn mãi mà chẳng tìm ra cách giải quyết.

Có cha mẹ thì lại giao tiền cho con quá sớm mà không dạy con kỹ năng quản lý tài chính cá nhân nên con dễ sử dụng tiền để thỏa mãn nhu cầu bản thân: Nạp thẻ game, mua sắm những thứ thấy thích rồi bỏ không sử dụng, thậm chí sử dụng vào việc mua chất cấm… Điều này càng khiến con dễ hư hơn. Cha mẹ cứ nghĩ rằng cho con tiền thì con sẽ tự biết cách xài tiền. Điều này không hề đúng. Có những người cả đời vẫn chưa biết cách xài tiền đúng cách mà chỉ biết cách kiếm tiền và tiêu tiền. Nên việc giáo dục dạy con kỹ năng quản lý tài chính ngay còn khi còn nhỏ là vô cùng quan trọng. Kỹ năng quản lý tài chính cá nhân không phải học ngày một ngày hai là thuần thục, nó đòi hỏi cả một quá trình dài thực hành, rút kinh nghiệm, tự tìm ra cách quản lý phù hợp với bản thân. Nó là một kỹ năng đòi hỏi phải rèn luyện cho thuần thục qua một thời gian dài.

Hãy dạy con biết tiết kiệm ngay từ khi còn nhỏ. Từ khi con chưa biết mệnh giá tiền, hãy cho con ngày một tờ tiền lẻ để nhét hũ bít để dành, giải thích cho con đó là số tiền dành để khi có việc cần thì sử dụng. Khi con lớn hơn một chút, tập cho con cách mua hàng hóa, nhận biết mệnh giá tiền, giá trị từng món hàng hóa để con nắm bắt được cách chi tiêu sao cho cân đối với số tiền mình có. Cho con tự quản lý tiền lì xì bằng cách mở tài khoản tiết kiệm giải thích cho con biết đó là số tiền dành để khi lớn đi học đại học. Và, sau khi con biết cách xài tiền hãy dạy con biết cách kiếm tiền để tăng số tiền tiết kiệm của mình lên. Có thể là tập tành kinh doanh nho nhỏ. Đó cũng là cách giúp con thực hành, tự học được bài học, tự hình thành kỹ năng cho bản thân mình.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/tre-con-co-nen-biet-xai-tien-117483.html