Trẻ biếng ăn, đừng quá lo!

Trẻ có thể bận lo khám phá khả năng của cơ thể và luyện tập những bài học mới này nên sao nhãng việc ăn uống.

Nếu đã từng nuôi trẻ, hẳn bạn nhận ra ngay không phải trẻ cứ lớn một cách đều đặn mà có những giai đoạn ăn, bú rất giỏi, cân nặng và chiều cao liên tục tăng cùng với lượng thức ăn tăng dần đều, nhưng cũng có lúc chững hẳn lại. Lúc này, trẻ sẽ không ăn nhiều như trước, không thể tăng cân, thậm chí còn giảm hơn trước mà chẳng có dấu hiệu gì của bệnh lý như ho, sốt, sổ mũi… và vẫn chơi đùa bình thường. Khoảng 1 – 2 tuần rồi đâu lại vào đó, trẻ lại ăn uống giỏi trở lại.

Nếu tinh ý, người mẹ sẽ thấy lúc này là lúc trẻ học những kỹ năng sống mới: lật, bò, đi, nói… Trẻ bận lo khám phá khả năng của cơ thể và luyện tập những bài học mới này nên sao nhãng việc ăn uống. Những giai đoạn này gọi là biếng ăn sinh lý, thường gặp ở trẻ từ 3 –4 tháng, 9 – 12 tháng, 16 – 18 tháng…

Vào những giai đoạn này, bạn cứ bình tĩnh theo dõi xem trẻ có phải biếng ăn sinh lý hay không (không bệnh, vẫn chơi dù ăn ít). Lúc này, có thể cho trẻ ăn từng chút một với nhiều món trong mỗi bữa. Ví dụ, ăn vài muỗng bột rồi một ít sữa chua, một chút trái cây rồi vài chục mililít sữa. Nếu trẻ ăn ít trong mỗi bữa thì cho ăn thành nhiều bữa trong ngày, các bữa gần nhau hơn. Lựa chọn những thức ăn trẻ yêu thích, dễ nuốt, lạ miệng… là cần thiết trong lúc này.

Dù có nhiều cố gắng, bạn vẫn phải chấp nhận chuyện có lúc trẻ khó ăn, ăn ít hơn mọi ngày. Và do đây là điều tất yếu nên không nên ép trẻ ăn quá mức vì có thể gây sợ hãi và trở thành biếng ăn tâm lý, rất có hại sau này. Tuy nhiên, nếu sau 2 – 3 tuần mà tình trạng biếng ăn không hồi phục, trẻ sụt cân hoặc đứng cân trong một tháng thì nên đưa đến khám ở chuyên khoa dinh dưỡng nhi để được tư vấn./.

Nguồn VOV: http://vov.vn/home/tre-bieng-an-dung-qua-lo/201111/190352.vov