Trao sinh kế giúp dân thoát nghèo

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn đứng chân, Công ty Bình Dương (Binh đoàn 15) xây dựng Dự án 'Phát triển kinh tế, xã hội-mô hình bộ đội gắn với dân bản vùng dân tộc thiểu số và miền núi', tổ chức tập huấn, trao tặng 33 con bò giống sinh sản cho 33 hộ dân tại 2 xã: Ia O và Ia Tôr (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai), tạo sinh kế để đồng bào vươn lên thoát nghèo.

Lãnh đạo Công ty Bình Dương trao bò giống tặng người dân.

Lãnh đạo Công ty Bình Dương trao bò giống tặng người dân.

Vợ chồng anh Kpuih Két, chị Siu Nguyệt, ở làng Hle-Ngol, xã Ia Tôr, huyện Chư Prông lấy nhau từ năm 2016 và được bố mẹ cho ra ở riêng với tài sản gần như hai bàn tay trắng. Vợ chồng trẻ có sức khỏe, có quyết tâm vươn lên thoát nghèo nhưng lại thiếu đất sản xuất, thiếu nguồn vốn. Trong lúc “cái khó” đang “bó cái khôn” thì vợ chồng anh chị được Công ty Bình Dương tặng một con bò giống sinh sản, hướng dẫn làm chuồng trại, kỹ thuật trồng cỏ, chăm sóc, phòng bệnh cho bò. Khi chúng tôi đến thăm gia đình, anh Kpuih Két vừa cho bò ăn xong, đôi mặt ánh lên những niềm vui. “Anh chị thấy bò giống nhà em khỏe mạnh không? Ngoại hình cân đối, lông óng mượt, da mềm, đầu cổ linh hoạt, mông nở, tương lai sẽ sinh bê con rất tốt”, anh Kpuih Két phấn khởi nói.

Nghe Kpuih Két tả về con bò giống được Công ty Bình Dương tặng một cách tỉ mỉ và am hiểu, chúng tôi biết anh đã chăm sóc, yêu quý nó như thế nào. Đây không chỉ là tài sản lớn nhất, quý giá nhất khi anh chị ra ở riêng mà còn là sinh kế, là nguồn vốn để anh chị phát triển kinh tế gia đình.

Anh Kpuih Két cũng cho biết, anh từng thực hiện nghĩa vụ quân sự ở Trung đoàn 1, Sư đoàn 2, Quân khu 5 và những năm tháng trong quân ngũ đã giúp anh trưởng thành về mọi mặt. Nay hoàn thành nghĩa vụ quân sự về quê xây dựng gia đình lại được những người đồng đội ở Công ty Bình Dương giúp tạo sinh kế để phát triển kinh tế. “Trong tôi vẫn còn nguyên vẹn những phẩm chất của anh Bộ đội Cụ Hồ và tôi sẽ không đầu hàng hoàn cảnh. Tôi sẽ cùng với vợ vươn lên thoát nghèo và đóng góp công sức vào xây dựng quê hương”, anh Kpuih Két quyết tâm.

Tại làng Blu, xã Ia Tôr, huyện Chư Prông hơn bốn tháng nay, chị Rơ Châm Sinh luôn bận rộn với công việc chăm sóc bò giống sinh sản do Công ty Bình Dương trao tặng. Bận rộn nhưng mà vui, sự bận rộn mà chị Sinh ao ước từ lâu. “Trước đây, mình cũng muốn thoát nghèo lắm nhưng không biết thoát bằng cách nào, cứ loay hoay và lún sâu trong vòng xoáy đói nghèo. Con bò giống Công ty Bình Dương trao tặng đã cứu vớt gia đình mình ra khỏi vòng xoáy đó. Mình sẽ nghe theo hướng dẫn của cán bộ Đội 4 và Công ty chăm bò giống khỏe mạnh, đẻ ra nhiều con bê, tạo nguồn vốn phát triển kinh tế gia đình, nuôi các con ăn học”, chị Sinh trải lòng.

Vợ chồng anh Kpuih Két, chị Siu Nguyệt hạnh phúc chăm sóc bò giống sinh sản do Công ty Bình Dương trao tặng.

Vợ chồng anh Kpuih Két, chị Siu Nguyệt hạnh phúc chăm sóc bò giống sinh sản do Công ty Bình Dương trao tặng.

Theo Thượng tá Lê Đức Toàn, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Công ty Bình Dương, phần lớn hộ nghèo, cận nghèo ở vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn hai xã Ia O và Ia Tôr chủ yếu do thiếu nguồn vốn, sinh kế bền vững và nhận thức hạn chế, tâm lý tự ti, trông chờ ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước. Vì vậy, hỗ trợ đồng bào thoát nghèo một mặt phải tập huấn, tuyên truyền làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm và quyết tâm vươn lên thoát nghèo cho bà con. Mặt khác, phải xây dựng mô hình cụ thể để đồng bào học tập, làm theo. Vì vậy, nhằm thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn Công ty Bình Dương đứng chân, Đảng ủy, Ban giám đốc công ty đã phối hợp với địa phương xây dựng Dự án “Phát triển kinh tế, xã hội - mô hình bộ đội gắn với dân bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.

Dự án được khảo sát, đánh giá chặt chẽ, sát với đặc điểm, điều kiện của địa phương và từng hộ gia đình. Tổ chức sinh hoạt thôn, làng để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các nội dung, quy định của dự án, đảm bảo công khai, minh bạch. Sau khi chọn được 33 hộ dân tham gia dự án, Công ty đã phối hợp với địa phương hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, làm chuồng trại và cam kết thoát nghèo bền vững. Quá trình chăn nuôi của người dân được các đội sản xuất, cơ quan chức năng của Công ty giám sát, hỗ trợ về kỹ thuật, bảo đảm cho bò giống sinh trưởng tốt.

“Dự án thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và đơn vị đối với nhân dân vùng dân tộc thiểu số. Góp phần tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân để vươn lên thoát nghèo bền vững; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng “thế trận lòng dân” trên địa bàn đơn vị đứng chân”, Thượng tá Lê Đức Toàn nhấn mạnh.

Cán bộ Đội 4 (Công ty Bình Dương) hướng dẫn chị Rơ Châm Sinh chăm sóc bò giống sinh sản.

Cán bộ Đội 4 (Công ty Bình Dương) hướng dẫn chị Rơ Châm Sinh chăm sóc bò giống sinh sản.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Bí thư Đảng ủy xã Ia Tôr cũng khẳng định: “Dự án rất thiết thực và có ý nghĩa to lớn cả về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng của xã Ia Tôr. Nhất là góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo trong xã, nâng cao kỹ năng về phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, thay đổi tập quán chăn nuôi, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số; củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; yên tâm, tự tin làm giàu trên chính quê hương của mình. Đây là điều kiện, là cơ sở để xã Ia Tôr phấn đấu về đích nông thôn mới vào cuối năm 2023”.

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/trao-sinh-ke-giup-dan-thoat-ngheo-736621